Giống như Formula 1 (F1) dành cho xe hơi, motogp là cách thể hiện cho thế giới biết những đỉnh cao công nghệ trong làng xe hai bánh. Những tinh hoa kết tinh trên chiếc môtô đang lăn bánh trên nền tảng của nghiên cứu và phát triển (R&D).
Điều này cũng có nghĩa chi phí liên quan sẽ rất “phóng khoáng”, và thay vì công nghệ được ghi nhận ngay lập tức bằng việc chi trả của khách hàng như xe thương mại, những chi phí này lại chỉ áp dụng cho một vài chiếc xe và vài năm sau đó mới dần xuất hiện trên những mẫu xe sản xuất hàng loạt.
Cần nhiều thành viên hỗ trợ để tạo nên thành công của hai tay đua. |
Đây là điểm tạo nên sự khác biệt của MotoGP với các giải đua khác, tỉ dụ như giải World Superbike (WSBK), các đội đua sử dụng chiếc xe là phiên bản thương mại nâng cấp lên, do đó chi phí thực hiện là trong tầm kiểm soát, có thể chi trả với nhiều người. Chính do đó mà câu slogan trong làng mô tô “đua chủ nhật, bán thứ hai” mang về hiệu quả marketing thiết thực.
Khoản đầu tư khổng lồ mà mỗi đội đua bỏ ra không thể nhìn thấy ngay bằng con số thực tế lợi nhuận thu về, do đó gã khổng lồ Kawasaki dứt áo MotoGP ra đi vào năm 2009, thời kỳ khủng hoảng tài chính là một nỗi buồn cho làng đua xe nhưng cũng là điềm được báo trước. Vậy thực sự các đội đua đã tốn bao nhiêu tiền khi tham gia thi đấu tại đường đua hấp dẫn nhất thế giới?
Đầu tiên, hãy nhìn vào tổng số tiền đã bỏ ra của các đội đua. Khi Kawasaki bỏ MotoGP, phá vỡ hợp đồng với Dorna Sports (nắm quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của MotoGP và WSBK), hãng xe Nhật mất khoảng 26 triệu USD, đã bao gồm 5 triệu USD cho việc phát triển chiếc ZX-RR năm 2009.
Valentino Rossi trong chặng đua tại Sepang (Malaysia). Ảnh: MotoGP. |
Số tiền 26 triệu USD không phải con số nhỏ, nhưng mùa giải 2008, thậm chí Kawasaki còn tiêu tốn nhiều hơn, tới 46 triệu USD. Nhưng tại sao chi phí cho giải đua này lại lớn đến như thế?
Trước tiên, Kawasaki tốn 12 triệu USD đưa về hai tay đua Marco Melandri (8 triệu USD) và John Hopkins (4 triệu USD). Thêm vào đó là 9 triệu USD doanh thu từ đồ uống Monster Energy, hãng tài trợ John Hopkins. Chi phí mỗi tay đua khoảng 3 triệu, khoản tài trợ cho Hopkins không tính vào tổng chi phí đua của Kawasaki.
Chi phí nhân lực khác đến từ nhóm pit (nhóm hỗ khợ tay đua ngoài đường pit), Hopkins yêu cầu 7 thành viên, con số này với Marco Melandri là 6 người. Trong đó chi phí nhiều nhất dành cho 2-3 kỹ sư khung sườn, số tiền trả cho những thành viên còn lại cũng không phải ít.
Khán giả trong đoàn khách mời của Yamaha Việt Nam xem MotoGP 2013 tại Sepang. |
Mức lương của giám đốc kỹ thuật trong MotoGP có thể tới 160.000 USD/năm. Kawasaki là kiểu đội đua gắn liền với nhà sản xuất (Factory Team), nên mức chi phí bao giờ cũng cao hơn, tuy nhiên 46 triệu USD vẫn được coi là con số khiêm tốn nhất với những đội đua có mô hình tương tự. Theo một số nguồn tin, mức chi phí của đội đua Honda lên tới 100 triệu USD.
Với đội đua tư nhân cộng tác kỹ thuật với các hãng (Satellite Team) như Yamaha Tech3 thì mức chi phí chỉ khoảng 8 triệu USD. Những mức chi phí này cũng tương đương con số cho các đội đua chịu chi ở giải WSBK.
Ducati thông báo họ tiêu 10 triệu USD cho WSBK năm 2008, trong khi các đội đua cạnh tranh chỉ tiêu khoảng 5-6 triệu USD. WSBK thường có 20 thành viên cho mỗi đội đua, trong đó mỗi tay đua có khoảng 5 thành viên hỗ trợ sau pit.
Cuối cùng, mức lương cho tay đua là một vấn đề khiến nhiều người tò mò. Ở WSBK , tay đua kiếm tiền tốt được mức lương khoảng 2 triệu USD một năm, nhưng ở MotoGP, Valentino Rossi có mức lương khoảng 17 triệu USD, chưa kể thu nhập từ các hoạt động khác nhờ danh tiếng, anh chàng có thể kiếm gần 50 triệu USD mỗi năm. Với chi phí lớn như vậy, kỳ vọng của các hãng nằm ở danh tiếng và cơ hội thử nghiệm các công nghệ mới. Đầu tư hàng triệu đô cho chiếc M1, Yamaha không chỉ muốn giành giải mà còn đưa được nhiều kỹ thuật từ đường đua xuống xe phổ thông.
Sức hút của MotoGP ngày càng nóng ở các nước đang phát triển. Mỗi cuộc đua ở Sepang (Malaysia) là ngày hội thực sự với các khán đài chật ních. Âm thanh phát ra từ hơn 20 chiếc xe 1.000 phân khối có thể khiến giới mê môtô nghiện nặng. Ngồi trên khái đài đối diện đường pit ở Sepang, nếu không điều chỉnh đều, khán giả rất dễ bị "điếc" tạm thời tai trái vì sức ép âm thanh quá lớn. Điều đó lý giải vì sao ngày càng nhiều khách Việt Nam chọn Sepang là nơi để chiêm ngưỡng những kỳ quan công nghệ MotoGP.
Đức Huy