Một chuyên gia hóa dầu, từng làm cho tập đoàn Daimler (Đức) trong 10 năm nhận định động cơ ôtô, xe máy là thành phần khá ổn định nên rất khó để xảy ra sự cố một cách đột ngột, trải khắp vùng miền và trên nhiều hãng đến vậy. Trong khi đó quản lý lỏng lẻo, gian lận cả về chất và lượng ngày càng tăng khiến xăng dần là yếu tố bị đặt nghi vấn nhiều nhất. Dẫn chứng cho những nghi ngờ trên là năm 2006 các doanh nghiệp nhập 10.000 tấn xăng pha aceton gây ảnh hưởng tới vận hành của hàng loạt xe máy.
Chiếc xe Attila cháy trên cầu Chương Dương (Hà Nội) chiều 13/12. Ảnh: Việt Dương. |
Hàm lượng metanol trong xăng bị khống chế bởi các thông số như áp suất hơi Reid và hàm lượng oxi. Tiêu chuẩn cồn (ethanol) dùng để pha vào xăng E5 quy định nồng độ metanol không vượt quá 0,5% thể tích cồn. Metanol có chỉ số chống kích nổ RON vào khoảng 108 còn của ethanol là 102. Việc pha hai chất này vào xăng kém chất lượng như RON 83 sẽ cải thiện khả năng chống kích nổ, nâng lên thành xăng 92 hoặc 95. Giá metanol công nghiệp hiện vào khoảng 7.000 đồng mỗi lít.
"Về hình thức, xăng pha vẫn đảm bảo tính chất nhưng thành phần bên trong đã thay đổi rất nhiều nên những con số 92, 95 không còn ý nghĩa. Chưa kể metanol hay ethanol không tinh khiết theo đúng chuẩn (99,99%) và 6-7 phụ gia ổn định cũng có thể vì lợi nhuận mà không được thêm vào", ông phân tích.
Metanol là dung môi mạnh nên khi gặp chất liệu cao su sẽ hòa tan các chi tiết, làm hở. Từ chỗ hở, xăng và metanol thoát ra ngoài, ở tỷ lệ nhất định khi gặp nguồn kích (tia lửa, nguồn nhiệt) sẽ bốc cháy. Về nguyên tắc có thể pha ethanol vào xăng với 85% thể tích (E85) và động cơ phải thiết kế lại.
"Ở Việt Nam chính thức chỉ có xăng E5 pha 5% ethanol nhưng tôi nghi ngờ hàm lượng metanol-ethanol có thể lên tới 30-40%. Các hãng xe máy không chạy theo kịp vì họ vẫn sử dụng vật liệu như ống dẫn xăng, gioăng cao su chỉ chịu được nồng độ 10%", chuyên gia này cho biết.
Đồng tình với nhận định nguyên nhân cháy do xăng nhưng Thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng, từng công tác tại tập đoàn Volkswagen, còn cho rằng vật liệu mà các hãng xe máy đang sử dụng có thể góp phần "cộng hưởng" với chất lượng xăng. Các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu vì lý do giảm giá thành có thể bị pha những chất mà khi gặp dung môi như metanol sẽ bị hòa tan, gây rò rỉ xăng dẫn tới cháy.
"Nhiều hãng xảy ra cháy có thể bắt nguồn từ việc họ mua thiết bị ở cùng một nhà cung cấp. Cơ quan chức năng nên tập trung vào yếu tố sẵn có trên xe để tìm hiểu hơn là đi nghiên cứu những xe đã cháy rồi", ông Đồng nói.
Ông Hòa, người đã làm quản lý nhiều năm trong ngành xăng dầu, cho rằng nếu hàm lượng metanol không được kiểm soát chặt chẽ thì những nghi ngờ do xăng là hoàn toàn có cơ sở. Không giống ethanol, metanol là dung môi mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều chi tiết của hệ thống nhiên liệu và động cơ.
Những cửa hàng gian lận thương mại là nơi có khả năng pha metanol vượt quá tiêu chuẩn nhất. Chất này rẻ và có thể mua thoải mái. Do pha metanol mang tính đơn lẻ ở từng trạm (hoặc nơi bán xăng vỉa hè) nên các vụ cháy diễn ra một cách tuần tự. Từ một khu vực rồi lan khắp cả nước. Từ xe Honda, rồi tới SYM và gần nhất là Yamaha.
Theo ông, rất khó đặt ra giả thiết metanol được pha một cách có hệ thống từ trên xuống dưới bởi nếu thế thì các vụ cháy đã nhiều hơn rất nhiều. Ngoài ra do chất này có độ bay hơi cao nên tỷ lệ hao hụt tăng. Không ai pha sẵn rồi mới vận chuyển, bán cho người tiêu dùng.
Nhiều độc giả VnExpress sau bài Xăng pha acetone - nguyên nhân gây cháy xe? cũng chia sẻ về vấn đề này. Dù là acetone, methanol hay ethanol, nghi vấn chủ yếu vẫn hướng tới "thủ phạm" là nhiên liệu. Độc giả Trần Hoàng Mình nhận định: "Khi nhiều loại xe, nhiều nhà sản xuất khác nhau cùng bị một tình huống tai nạn tương tự nhau, và có lẽ chỉ xảy ra ở Việt Nam thì nguyên nhân nhiều nhất phát xuất từ nhiên liệu. Tình huống pha acetone vào xăng để tăng lợi nhuận thì qua phân tích cũng thấy khá rõ. Trần Thái Tâm cho một ví dụ cụ thể: "đây cũng là vấn đề mình ngờ vực từ lâu vì có một lần thử lấy xăng để trong chai nhựa để mình pha với sơn sơn cửa, thì thấy đổ xăng vào chưa kịp pha thì chai nhựa đã thủng. Mình rờ vào thấy rất lạnh, không hiểu nguyên nhân sao mà xăng lại làm thủng được chai nhựa". Độc giả Phạm Văn Thanh miêu tả năm 2006 xe của anh từng bị hỏng toàn bộ hệ thống dẫn xăng bằng cao su. Làm chảy xăng, may mà chưa gây cháy nổ. Tuy nhiên, có những ý phân ngược lại như độc giả tên Anh phân tích: "Xăng pha làm giãn nở các gioăng hoặc cao su thì bình xăng con sẽ bị hỏng dẫn đến xe khó nổ máy hoặc chết máy. Lúc đấy làm gì có chuyện đang đi thì bị cháy xe được. Nếu đang đi thì hơi acetone, metanol hay xăng không đủ tích tụ để mà gây "cháy ngược". Giống như khi bật bếp ga, để cái quạt ngay cạnh bếp thì có bật bao nhiêu cũng không lên lửa, huống gì ở đây là rò rỉ chứ không phải mở van. Theo tôi, hiện tượng cháy nổ là do các xe này được lắp các thiết bị, phụ tùng không phù hợp (đặc biệt là con IC) dẫn đến chập điện gây cháy nổ. Việc lắp này có thể do ý muốn chủ quan của chủ xe hoặc chủ xe không biết (bị luộc), các cửa hàng sửa xe hiện nay (không phải chính hãng) rất ranh ma trong việc xử đẹp các thiết bị xịn trên xe, đặc biệt các xe tay ga thì càng có giá" |
Trọng Nghiệp - Minh Thủy