Tuy nhiên, những xe “độ” đình đám kể trên chỉ để…làm cảnh bởi không được phép lưu thông trong nước.
Chiếc xe "độ" khiến thế giới thán phục này sẽ chỉ để ...làm cảnh.
Trao đổi về vấn đề “độ” xe hiện nay, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, tại Việt Nam, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề bức xúc, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội, cần nhiều giải pháp để kiềm chế nên chúng ta không cho phép “độ xe”.
“Nếu chủ xe chỉ thay thế một số chi tiết phụ kiện bên ngoài, không ảnh hưởng đến an toàn thì pháp luật không cấm. Nhưng tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, cấu tạo của xe như: Làm lại hơi để tăng công suất động cơ, thay đèn, thay lốp, vành xe, màu sơn… thì bị cấm bởi như vậy sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống kết cấu, gây mất ATGT và nguy hiểm cho người đi đường”, ông Trí nhấn mạnh.
Ông Trí cho biết thêm, ô tô vào kiểm định tại các Trung tâm đăng kiểm phải thỏa mãn các quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT ngày 24/6/2009 của Bộ GTVT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới được phép lưu hành. Thời gian qua, những xe tự ý cải tạo, cải tạo không đúng thiết kế đã được phê duyệt đều bị từ chối kiểm định và không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.
Về việc “độ” xe được cho phép ở nhiều nước trên thế giới, ông Trí cho hay, thực tế, tại các nước tiên tiến, các hãng độ xe đều phối hợp chặt chẽ với các hãng sản xuất để được thử nghiệm và chứng nhận các phụ kiện, thông số kỹ thuật của xe sau khi “độ” thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
“Việc “độ xe” phải theo hướng dẫn của hãng sản xuất và đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Như tại Đức, nếu muốn “độ” hoặc cải tạo ôtô thì chủ xe phải có phương án trình cơ quan quản lý. Khi đó cơ quan này sẽ tính toán đầy đủ các yếu tố kỹ thuật thì mới cho phép tiến hành cải tạo. Đối với mô tô, xe máy, tại một số nước, chủ phương tiện trình phương án cải tạo và nếu đạt yêu cầu sẽ được cho thi công ngay tại xưởng của Nhà nước”, ông Trí nói.
Có thể bạn quan tâm: