Isle of Man, hòn đảo nhỏ bé diện tích khoảng 570 km vuông nằm giữa biển Ailen, là nơi diễn ra giải đua môtô TT nổi tiếng khắc nghiệt nhất thế giới. Những tay đua MotoGP kỳ cựu như Valentino Rossi cũng từng thừa nhận, phải thật dũng cảm mới đủ tự tin chạy ở giải đua này, khi những con đường nhỏ hẹp trong khu dân cư, hoặc một bên là núi, một bên là biển.
Hòn đảo này cũng là nơi duy nhất nằm ngoài hệ thống autobahn của Đức, nơi có những con đường công cộng không giới hạn tốc độ, điều đó tạo nên sức hấp dẫn cho những ai ưa cảm giác mạnh trong suốt 51 tuần trong năm không tổ chức đua TT.
Allan Thomson. |
Khoảng 30% mạng lười đường cao tốc trên đảo không giới hạn, bao gồm hầu hết tất cả những vùng núi tổ chức TT. Vậy làm thế nào để cảnh sát giao thông thiết lập an toàn cho người dân sinh sống ở đây, khi luôn có những chiếc xe chạy như đua. Phóng viên Car and Driver có cuộc tiếp xúc với trung sĩ Allan Thomson để tìm hiểu bí mật phía sau.
Câu trả lời, thật đơn giản, đó là tìm sự đồng thuận chứ không phải là mâu thuẫn. Thomson và 5 thành viên dưới quyền trong đội của ông cố gắng để không bao giờ phải viết vé phạt.
"Chúng tôi thật ngược đời", Thomson thừa nhận. "Bạn chỉ mất 15 phút sau khi xuống thuyền để chạy xe với tốc độ gần 300 km/h lên đỉnh núi trong khoảng 15 phút, mà không hề phạm luật. Đó là lý do vì sao chúng tôi cố gắng để tìm tiếng nói chung với người dân. Để đối xử với họ phù hợp nhất, giúp có tốt hơn. Tất nhiên chúng tôi không bao giờ quên đây là đường công cộng, không phải đường đua".
Phương pháp này tỏ ra hiệu quả. Thomson đảm nhận công việc ở bộ phận cảnh sát đường phố cách đây 3 năm, và ông đã thay đổi hình thức cưỡng chế giao thông đang áp dụng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Những biển cảnh báo tốc độ. |
"Cách xử lý cũ khiến mọi người nhận vé phạt mà không có bất cứ câu hỏi nào để lắng nghe câu chuyện của họ", ông thừa nhận. "Chúng tôi từng sử dụng những bẫy tốc độ ở bên ngoài cổng làng, nơi mọi người bắt đầu tăng tốc đầy phấn khích. Sau đó tôi đưa chúng vào bên trong làng, nơi dễ dàng quan sát để lý giải những gì đang làm và tại sao phải làm thế, chứ không phải kiếm vé phạt".
Kết quả không chỉ giảm số người vi phạm tốc độ mà đồng thời số vụ tai nạn và hành vi chống đối của dân đảo cũng giảm đáng kể.
"Cách xử lý này có thể gói gọn là, nếu bạn sai chúng tôi buộc phải nói chuyện với bạn", ông giải thích, "nhưng chúng tôi muốn bạn quay lại đây vào năm tới, giới thiệu cho bạn bè, kể cho họ những điều tốt đẹp về hòn đảo và cảnh sát". Đội của Thomson từng phải làm việc 12 giờ mỗi ngày trong đó 8 giờ như bình thường cộng với 4 giờ viết ra tất cả những trường hợp gặp phải. Nhưng giờ đây mọi thứ đã vào quy củ và họ quay về mốc làm việc 8 giờ như bình thường.
Cảnh sát ở đây còn chủ động liên lạc với khách khi họ tới đảo theo nhóm với môtô hoặc siêu xe. Thomson và cộng sự sẽ gặp họ để chủ động đưa ra cách liên lạc và giải thích những rủi ro có thể gặp phải. Nếu gây tai nạn, họ sẽ phải chịu trách nhiệm, cho dù có giới hạn tốc độ hay không. Nhưng tất nhiên, cảnh sát vẫn mong muốn khách tận hưởng được những gì dự định khi tới đảo.
"Đêm nay ai sẽ đưa bạn về. Đừng mạo hiểm". |
Tuy nhiên cách tiếp cận nhẹ nhàng này không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng, có những người rất cứng đầu. Do đó đội Thomson cũng có xe đánh chặn tốc độ cao như Ford Focus ST. "Những bạn sẽ không bao giờ nhanh hơn một chiếc superbike. Dù Focus ST đang chạy ở tốc độ 160 km/h, vẫn có những môtô lướt qua nhẹ nhàng".
Không giống như ở Anh, cảnh sát ở Isle of Man không có camera theo dõi tốc độ. Gần đây họ phát triển chương trình đồng hồ tốc độ cộng đồng, hướng dẫn các thành viên trong cộng đồng này sử dụng súng laser.
"Họ sẽ ghi lại thông tin của những chiếc xe đang tăng tốc, việc còn lại là chúng tôi có những cuộc nói chuyện".
Minh Hy