Chủ đề phá sản của GM ngày càng trở nên nóng bỏng sau ngày Rick Wagoner ra đi. Phương án khả thi nhất giải quyết tình trạng tồi tệ của GM hiện nay là phân chia tập đoàn thành hai phần. Nhưng phương án này chính nó lại gây ra những phiền phức khác.
Chính phủ của Tổng thống Obama mới đây đã gia hạn đến 1/6 cho một kế hoạch tái cơ cấu và cắt giảm chi phí ở mức cao hơn so với bản kế hoạch GM đệ trình lần trước. Theo kế hoạch hồi tháng 2, hãng thể hiện ý định bỏ rơi các thương hiệu sắp chìm của mình là Saab, Hummer và Saturn. Nhưng sẽ giữ lại các thương hiệu kinh doanh tốt hơn như Buick, GMC và một phần của Pontiac.
Cadillac là một trong số những thương hiệu mang lại lợi nhuận của GM. Ảnh: Cadillac. |
Những giả định ngày càng xuất hiện nhiều về việc phá sản của GM đều cho rằng hãng này sẽ tách làm hai phần: “GM tốt” và “GM xấu”.
Các thương hiệu sinh lãi như Chevrolet và Cadillac sẽ nhanh chóng được bán lại cho một công ty mới thành lập dựa trên vốn của chính phủ Mỹ và được điều hành bởi ban giám đốc cũ của GM. GM mới sẽ tiếp tục hoạt động mà không gặp phải những rào cản của các khoản nợ và các vấn đề đau đầu khác đang đè nặng lên tập đoàn hiện thời. Trong khi đó, các thương hiệu đang hấp hối như Saab, Saturn hay Hummer sẽ bị bỏ rơi sau khi hãng tuyên bố phá sản và được mang ra phát mãi.
Theo các chuyên gia thì giải pháp cho những tập đoàn lớn như GM chỉ có thể là “tiến trình phá sản nhanh” như đã đề cập trên. Tiến trình này sẽ kết thúc nhanh chóng đối với các thương hiệu còn khỏe mạnh và sẽ tiếp tục với phần còn lại. Tiến trình này giống như đối với Lehman Brothers khi các công ty con của hãng được chuyển sang cho Barclays ngay sau khi tập đoàn này tuyên bố phá sản hồi tháng 9.
Tuy nhiên, theo bà Heidi Sorvino, phụ trách mảng thủ tục phá sản của hãng luật Smith, Gambrell & Russell, tiến trình phá sản của GM sẽ không thể chóng vánh và đơn giản như mọi người nghĩ. Các thương hiệu tốt của GM được xếp chung với nhau sẽ thu hút các tổ chức cá nhân sẵn sàng ra giá cao hơn và tòa án có thể sẽ cân nhắc bán lại chúng cho các nhà đầu tư bên ngoài. Phát ngôn viên của GM, Steve Harris, nói rằng việc bán lại cho người ngoài sẽ được hãng xem xét nhưng trước mắt họ không có ý định xin bảo hộ phá sản trong khi đang xúc tiến việc cắt giảm chi phí và thương lượng với chủ nợ cũng như nghiệp đoàn.
Tương lai bất định của các thương hiệu hạng trung
Trong buổi họp báo của GM, Harris không đề cập đến thương hiệu nào sẽ ở lại, thương hiệu nào sẽ bị phát mãi, và câu hỏi lớn nhất là số phận của ba thương hiệu chiến lược GMC, Buick và Pontiac.
Tổng thống Obama đã nâng mức độ tin cậy của Buick trong bản đánh giá về tương lai của ngành ôtô vào 30/3. Nhưng nếu nhìn lại xa hơn vào năm 2005, phó tổng giám đốc Robert Lutz đã từng thừa nhận sự thất bại của Buick và Pontiac. Thương hiệu xe tải GMC cũng bị thất sủng khi người tiêu dùng Mỹ quay sang ưa chuộng những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu hơn xe tải nhỏ và xe đa dụng. Nhiều chuyên gia nhận định, bên ngoài thị trường tiềm năng là Trung Quốc thì Buick không đủ sức chống đỡ được cơn gió của sự thay đổi tại các nước phát triển. Bỏ rơi các thương hiệu đã thất bại như Buick đồng nghĩa với việc có thêm nhiều vốn và nhân lực cho việc phát triển Chevrolet và Cadillac.
Một hướng nhận định khác trái lại cho rằng 3 thương hiệu hạng trung này vẫn còn giá trị đối với GM, đặc biệt khi doanh số ôtô đang bắt đầu trở lại bình thường. Nếu thiếu chúng, GM sẽ không thể tận dụng tối đa năng lực của mình, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh. “Nếu chi phí để bán chúng còn lớn hơn giữ lại, thì tại sao phải làm thế?” David Cole, giám đốc trung tâm nghiên cứu CAR đặt câu hỏi. Những nhà phân tích khác có cùng quan tâm cũng đặt nghi vấn về chi phí giải thể chuỗi cung ứng GMC, Buick và Pontiac trên toàn thế giới và tại Mỹ, điều đã giúp duy trì sự tồn tại của các thương hiệu cho đến hôm nay.
Người ta đề xuất thêm một hướng giải quyết tiết kiệm chi phí nữa là giải tán chuỗi cung ứng nhưng không giải tán thương hiệu. Chevrolet có thể kiêm luôn việc bán những mẫu Pontiac đầy hấp dẫn hay Cadillac có thể bán thêm các dòng GMC hoặc Buick. “Cần phải có sự cân đối giữa các thương hiệu”, Tổng Biên tập Edmunds.com, Karl Brauer, nhận định, “Phân chia chuỗi bán lẻ thêm nữa là điều không thể có”.
Quang Cương (theo CNN)