Năm 1975, singapore bắt đầu áp dụng thu phí đối với phương tiện khi tham gia giao thông vào các khu vực trung tâm thương mại. Tại thời điểm đó, cơ sở vật chất của nước này chưa hề hiện đại. Để thực hiện việc thu phí, Chính phủ cho dựng các trạm đơn giản, không hề sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Khi các phương tiện này vào trung tâm thương mại, họ phải mua vé giấy và dán lên kính. Một năm sau, lượng ôtô vào trung tâm giảm 40%. Tuy nhiên, biện pháp thủ công này đòi hỏi lượng nhân viên rất lớn nên khó kiểm soát và đẩy cao chi phí hoạt động, đồng thời gây bất tiện cho người lái xe.
Kể từ tháng 9/1998 đến nay, Singapore đưa vào sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử, gọi tắt là ERP (Electronic Road Pricing), thay thế hoàn toàn phương pháp thủ công trước đây. Với lợi thế về diện tích chiếm dụng ít hơn, cắt giảm toàn bộ nhân viên bán vé như trước, đồng thời chi phí duy trì thấp hơn, mô hình ERP nhanh chóng được nhân rộng và áp dụng trên nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm, các xa lộ và trục giao thông chính nhằm hạn chế xe lưu thông trong giờ cao điểm. Năm 2003, thành phố London của Anh cũng áp dụng ERP tương tự.
Hệ thống thu phí giao thông đường bộ ERP tại Singapore. Ảnh: andlarry.com |
Hệ thống ERP hoạt động dựa trên 3 bộ phận chính là các cổng ERP đặt trên các tuyến đường, thiết bị thu phí gắn trên phương tiện và thẻ nạp tiền trả trước, cuối cùng là hệ thống máy tính trung tâm. Các cổng ERP này được hỗ trợ bởi hệ thống camera có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của các phương tiện qua cổng, đồng thời ghi lại biển số xe và kiểm tra các xe gắn thiết bị thu phí hay không. Thiết bị này được gắn trên xe và đặt ở phía trước, có khe để lái xe lắp thẻ trả trước CashCard hoặc EZ-Link vào. Đây là hai loại thẻ trả phí giao thông tự động.
Những xe không lắp thiết bị hoặc không nạp đủ tiền vào thẻ sẽ bị ghi hình và xem như một hình thức vi phạm luật giao thông. Trong vòng 2 tuần kể từ khi vi phạm, trung tâm kiểm soát sẽ gửi thông báo cho lái xe (dựa trên thông tin đăng ký của phương tiện) yêu cầu nộp phạt. Toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu cho các thiết bị thu phí trị giá khoảng 100 triệu SGD (đôla Singapore) do Nhà nước chi trả, với giá mỗi thiết bị khoảng 150 SGD. Bắt đầu từ ngày 1/9/2003, Singapore áp dụng hình thức tương tự với các xe nước ngoài lưu thông tạm thời bằng việc cho mượn thiết bị để nạp tiền hoặc cho thuê trọn gói với giá 5 SGD một ngày, không hạn chế lưu lượng trong ngày. Phí này được trả cùng lệ phí lái xe vào Singapore và phí cầu đường tính qua thẻ Autopass Card.
Trung tâm Hệ thống giao thông thông minh Singapore (ITSC) chịu trách nhiệm quản lý từ xa hệ thống này và hệ thống giao thông, hoạt động 24/7 với ít nhất 7 người một ca. Trung tâm này cũng là nơi gửi vé phạt tới các chủ phương tiện không chấp hành luật lệ. Ví dụ, nếu chủ xe không nạp thẻ và đi qua ERP, trong vòng 2 tuần ITSC sẽ gửi vé phạt trị giá 10 SGD cho người này. Nếu chậm trễ, vé phạt sẽ tăng lên 70 SGD. Trong trường hợp quá 30 ngày, chủ phương tiện phải đóng 1000 SGD hoặc chịu một tháng tù.
Mức thu phí hiện nay dao động trong khoảng 50 cent đến 3,5 SGD mỗi phương tiện tính trên một lượt đi qua các cổng ERP. Mức phí sẽ thay đổi 30 phút một lần theo mật độ lưu thông trên đường và mỗi 3 tháng, Cơ quan quản lý giao thông đường bộ Singapore sẽ kiểm tra lại mức giá thu một lần để điều chính cho hợp lý.
Một thiết bị IU gắn trong ôtô có hiển thị số dư trên thẻ. Ảnh: WP |
Theo chị Liên, du học sinh Việt Nam tại Singapore đã 4 năm thì: "Ở Singapore, phương tiện đi lại phổ biến nhất là xe bus và tàu điện ngầm, lượng ôtô cá nhân cũng khá lớn, trong khi đó số xe máy chiếm tỷ lệ rất ít. Giá vé xe bus và tàu điện ngầm, đặc biệt là vé tháng rất rẻ nên được nhiều người lựa chọn. Tình trạng nhốn nháo và trộm cắp vặt trên các phương tiện công cộng không xuất hiện cũng là một nguyên nhân để người dân tin tưởng lựa chọn loại hình giao thông này".
Sau khi khảo sát, người ta nhận thấy việc áp dụng ERP đạt hiệu quả tốt, giúp giảm khoảng 25.000 lượt phương tiện trong giờ cao điểm, tốc độ tham gia giao thông tăng khoảng 20%, đồng nghĩa với đường phố thông thoáng hơn giúp các phương tiện đi lại thoải mái hơn. Tính trong khu vực đặt ERP, lượng phương tiện giảm 13%, từ 270.000 xuống 235.000. Tuy nhiên, việc lắp đặt ERP tại các xa lộ lớn cũng không hẳn ưu việt. Nhiều trường hợp chủ phương tiện "lách luật" khi đưa xe vào các đường nhỏ hơn nhằm tránh đi qua cổng ERP. Việc làm này lại gây ra cảnh ách tắc giao thông tại các tuyến đường nhỏ.
Bên cạnh việc áp thuế đối với các phương tiện tham gia giao thông, Chính quyền Singapore cũng sử dụng biện pháp kiểm soát số lượng xe. Thời kỳ trước năm 1990, Singapore thực hiện việc này thông qua các chính sách thuế tuy nhiên đã không đem lại kết quả như mong đợi. Giai đoạn này lượng xe tăng thêm trung bình mỗi năm từ 6,8 đến 12%. Từ tháng 5/1990, Singapore thực hiện chính sách cấp quota cho ôtô. Theo đó, mỗi người dân muốn mua xe phải có giấy chứng nhận quyền mua xe và loại giấy này được tính dựa trên lượng xe tăng trưởng và số giấy thu hồi. Giấy chứng nhận quyền mua xe được đem bán đấu giá 2 tháng một lần.
Việc áp dụng ERP của Singapore cho thấy việc tuyên truyền và quảng cáo những lợi ích tổng thể cho giao thông đô thị từ ERP đến với người dân là hết sức quan trọng, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ mô hình này. Đi cùng với việc hạn chế phương tiện và thu phí giao thông không thể thiếu việc củng cố và phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng nhằm đáp ứng đủ lượng phương tiện thay thế. Singapore cũng nhận ra rằng không thể áp dụng mức phí một cách cứng nhắc nên đã có sự điều chỉnh linh hoạt trong suốt quá trình hoạt động của ERP.
Sự thành công của mô hình thu phí đường bộ ERP tại Singapore đã được nhiều thành phố tại các quốc gia khác áp dụng như London (Anh), Toronto, Ontario (Canada), Stockholm (Thụy Điển), Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất), Milan (Italy),… Indonesia cũng quyết định sử dụng ERP tại thủ đô Jakarta và 4 thành phố lớn khác là Medan, Surabaya, Bandung, Makassar trong nỗ lực giảm tắc nghẽn giao thông.
Mới đây nhất, Singapore đã đưa vào thử nghiệm hệ thống thu phí giao thông tự động mới thay thế cho hệ thống ERP đã có tuổi đời lên tới 13 năm. Hệ thống này hoạt động dựa trên hệ thống định vị toàn cầu để xác định vị trí của một chiếc xe bất kỳ và thu phí theo điều kiện giao thông, quãng đường xe đi mà không cần các trạm ERP. Singapore hy vọng hệ thống mới này sẽ tiết kiệm chi phí hơn cả ERP, tuy nhiên người dân cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến sự riêng tư của tài xế.
Anh Quân