Logo thường là một trong những đặc điểm đầu tiên mà khách hàng ghi nhớ về một mẫu xe hoặc thương hiệu xe hơi. Với nhiều người, hình ngôi sao ba cánh của Mercedes là ấn tượng nhất, không chỉ bởi họ yêu thích thương hiệu này, mà đó còn là biểu tượng dễ nhận biết trên toàn thế giới.
Mỗi logo đều độc đáo và những nét tinh tế riêng tích tụ theo thời gian. Cadillac đã rũ bỏ hình vẽ những chú chim ra khỏi logo vào năm 1998, sau gần một thế kỷ sử dụng.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng thiết kế logo của BMW bắt nguồn từ lịch sử hàng không của hãng bởi nó trông giống cánh quạt của máy bay. Nhưng điều đó không đúng. Ý tưởng kết hợp hai yếu tố này do hãng quảng cáo của BMW dựng lên.
Người ta có thể nhận ra sự thay đổi lớn ở logo của Volkswagen khi người Anh tiếp quản sau Thế chiến II. Còn sự phát triển trên logo của Saab lại khá khó hiểu. Logo của Buick khởi đầu khá thú vị nhưng ngày càng nhàm chán. Logo của Aston Martin xuất sắc và đậm nét thẩm mỹ giống những chiếc xe của hãng.
Logo của một số hãng xe thay đổi qua thời gian:
Logo Audi với 4 vòng tròn tượng trưng cho 4 công ty hợp nhất là Audi, DKW, Horch và Wanderer. Năm 2009, Audi cải biên logo với chữ Audi được đưa vào chính giữa chứ không phải lệch về lề trái như trước, và thay đổi nét bóng của các vòng tròn. |
Logo BMW gây tranh cãi không ít. Tờ New York Times từng bình luận: "Tại bảo tàng BMW ở Munich, một nữ hướng dẫn viên đã giải thích rằng logo mang màu xanh-trắng này không tượng trưng cho một cánh quạt đang quay, mà lấy từ màu cờ của bang Bavaria". Tên hãng BMW theo tiếng Anh là Bavarian Motor Works. |
Logo Cadillac được đăng ký bản quyền từ năm 1906, nhưng họ đã sử dụng từ năm 1902, bao gồm một chiếc khiên với mấy con chim/hoặc vịt và một vòng hoa tulip 17 bông bao tròn xung quanh. Năm 1999, khi Cadillac bắt đầu tạo ra ngôn ngữ thiết kế mới, họ cũng cần tới một logo mới. Chiếc khiên mang những màu sắc từ truyền thống của hãng: đỏ, bạc, xanh, đen và vàng trên nền bạch kim. Hình vương miện trên đỉnh và lũ chim đã biến mất. |
Năm 1899, hãng "Fabbrica Italiana Automobili Torino" thành lập tại Turin, và một tấm poster đặc biệt được tạo ra để đánh dấu sự kiện này rồi trở thành logo đầu tiên của Fiat. Năm 1901, tên hãng được viết tắt chính giữa một miếng đồng tráng men, với chữ "A" tượng trưng cho hình dáng những chiếc xe hơi. Năm 2006, logo Fiat mới ra mắt. |
Logo Ford khởi đầu với sự kết hợp phức tạp. Sau đó, năm 1912, nó hoàn toàn thay đổi với thiết kế hình oval đơn giản. Hình oval màu xanh nổi tiếng xuất hiện vào năm 1928 và "béo" hơn hình oval hiện nay. |
Từ năm 1975-1991, Mazda không có biểu tượng chính thức, chỉ là một phiên bản từ tên gọi của hãng. Chữ "m" vẫn được sử dụng tại một vài đại lý cho đến những năm 80. Năm 1991, logo mới tượng trưng cho mặt trời và ngọn lửa. Sự thay đổi hoàn toàn xuất hiện năm 1997, với chữ "M" cách điệu thể hiện đôi cánh bay vào tương lai, đồng thời còn được biết đến như logo "con cú" hoặc một bông tulip. |
Ngôi sao 3 cánh được coi như thể hiện tham vọng cơ giới hóa toàn cầu của nhà sáng lập Daimler: "trên mặt đất, dưới nước và trên không". Qua năm tháng, logo này có một số sự thêm bớt nhỏ. Năm 1916, ngôi sao được một vòng tròn bao bọc, trong đó có 4 ngôi sao nhỏ hơn và từ "Mercedes". Hiện logo của hãng chỉ còn giữ lại hình ngôi sao nổi tiếng và vòng tròn xung quanh. |
Hai logo đầu là của Volkswagen thời trước Thế chiến II và nó hoàn toàn thay đổi ở logo thứ 3, khi hãng này thuộc về người Anh. Logo hiện nay với hình chữ V nằm trên chữ W trên nền màu xanh là kết quả từ một cuộc thi sáng tác logo. Người giành chiến thắng lúc đó nhận được 50 Mark Đức và là một kỹ sư có tên Franz Reimspeiss (chính là người đã hoàn thiện động cơ cho con bọ Beetle vào những năm 1930). |
Chú sư tử và lịch sử của nó bắt đầu vào năm 1850 với cái tên Justin Blazer, một thợ kim hoàn kiêm điêu khắc ở Montbeliard (miền đông nước Pháp). Hình vẽ của ông gồm một mũi tên nằm phía dưới móng vuốt sư tử. Theo thời gian, hình sư tử được cải biên để tiện cho quảng cáo cũng như thể hiện những nhu cầu của thời đại. |
Năm 1947, SAAB (Svenska Aeroplan Aktiebolaget) Automobile bắt đầu tại Linkoping, Thụy Điển với logo hình chiếc khiên vàng. Năm 2000, logo mới nhất của hãng ra mắt. |
Giữa những năm 1930, nhà nghiên cứu phong cách của General Motors là Ralph Pew tìm ra cách thể hiện tinh thần của hãng qua một ấn bản năm 1851 tại thư viện công cộng Detroit. Năm 1939, chiếc khiên được "hiện đại hóa" và sau đó tiếp tục cải biên một số lần nữa. Năm 1959, logo này gần như thay đổi hoàn toàn. Thay vì một, có tới 3 chiếc khiên thể hiện ba mẫu xe Buick là Le Sabre, Invicta và Electra. Kiểu thiết kế này còn giữ lại cho tới ngày nay, nhưng đã được hiện đại hóa. |
Logo Alfa Romeo khởi đầu là chiếc khiên có đường kính 65 mm, trên đó Alfa và Milano tách riêng hai phần. Sau khi mẫu Alfa P2 chiến thắng giải Motor Racing Championship đầu tiên, logo được bao quanh bằng một vòng nguyệt quế. Đường kính tăng lên 75 mm. Sau khi Italy trở thành một nước cộng hòa, Alfa Romeo và Milano chỉ còn cách nhau bằng hai đường gợn sóng đơn giản và đường kính logo giảm xuống còn 54 mm. Từ năm 1972 đến nay, nhà máy mới được xây dựng ở Pomigliano, từ Milano biến mất trên logo, hình chữ thập và con rắn vẫn giữ nguyên. |
Năm 1913, Lionel Martin và Robert Bamfort thành lập nên hãng xe sau này có tên Aston Martin. Vào lúc đó, Martin & Bamford Limited sản xuất xe đua, nhưng hai người sáng lập muốn tạo ra một mẫu xe tinh xảo hơn nữa. Họ đặt tên sản phẩm đầu tiên đó là Aston Martin và tên viết tắt của xe trở thành logo của hãng. Năm 1926, tên hãng được viết rõ và nằm trải dài thành đôi cánh giang rộng. Hiện đôi cánh được vẽ rõ hình thù, và chữ Aston Martin nằm gọn ở trên. |
Năm 1900, logo đầu tiên của Renault được thiết kế với ba chữ cái đầu tiên của ba anh em nhà Renault: Louis, Ferdinand và Marcek. Năm 1906, hãng ký hợp đồng lớn đầu tiên và bắt đầu sản xuất số lượng lớn. Logo được thay đổi với hình một chiếc xe nằm trong một bánh răng. Năm 1919, Renault bắt đầu sản xuất xe tăng và logo cũng thay đổi theo. Kể từ năm 1923, lưới tản nhiệt xuất hiện trên logo của hãng cho đến năm 1972, là hình thoi với sự cải biên hiện đại dần theo thời gian. |
Mỹ Anh