Có thể không nhiều người biết Wanji, một tỉnh hẻo lánh cách Seoul 112 dặm về phía nam. Giờ, Wanji nổi tiếng nhờ người phụ nữ 69 tuổi độc thân Cha Sa-soon, sống trên triền núi làng Sinchon. Bà khiến những ai lần đầu nghe thấy chỉ biết ngạc nhiên và lắc đầu khi tới lần thi 960 mới có được bằng lái.
Tháng 4/2005, người đàn bà có vóc dáng nhỏ nhắn tới trường thi lái xe một lần mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Sau đó, tần suất thưa dần và chỉ 2 lần một tuần. Nhưng, chưa bao giờ Cha Sa-soon bỏ cuộc.
Bà trở thành "ngôi sao" không đơn giản bằng tính kiên nghị, sự quý mến mà còn là tinh thần vượt qua thử thách của con người. Trong trường hợp của Cha, bài học lớn hơn là thái độ giữa "được và mất".
"Khi Cha đỗ, tất cả chúng tôi tới chúc mừng, ghì chặt vào lòng và tặng hoa", Park Su-yeon, người hướng dẫn Cha ở trường dạy lái Jeonbuk Driving School nói. "Tôi có cảm giác trút được gánh nặng lớn. Không ai nỡ khuyên bà bỏ cuộc".
Vấn đề của Cha không phải kỹ năng lái mà là lý thuyết. Khi thông tin về một người thi hỏng tới 700 lần xuất hiện năm 2009, các phóng viên đã tới Sinchon, nơi mà xe bus là phương tiện công cộng duy nhất. Mỗi chuyến cách nhau 2 giờ và đường phố chật tới mức phải nép vào lề đường để cho xe khác vượt.
Cha Sa-soon bên chiếc Kia Soul do tập đoàn Hyundai-Kia tặng. Ảnh: NYT. |
Giới truyền thông theo bà tới nơi tập luyện, quay cảnh Cha đi chợ bán rau. Khi bà nhận bằng lái, Hyundai-Kia, tập đoàn ôtô lớn nhất Hàn Quốc thực hiện chương trình trên internet để mọi người gửi lời chúc mừng. Hàng nghìn người tham gia. Đầu tháng 8, Hyundai tặng bà chiếc ôtô trị giá 16.900 USD. Cha còn xuất hiện trong cả đoạn phim quảng cáo cho hãng này.
Đó là cơ may lớn cho người có cuộc sống không quá nổi bật tại căn nhà nhỏ ngói đen. Âm thanh duy nhất trong mùa hè là tiếng nước mưa rơi vào đá. Thỉnh thoảng có máy bay quân sự phóng qua.
Sinh ra trong một gia đình nông dân 7 anh chị em nhưng không có đất, tuổi thơ của Cha gắn với đồng ruộng và học vào buổi tối. Đến tuổi 15, vào trường chính thức ở lớp 4. Nhưng vài năm sau việc học kết thúc.
"Bố không có ruộng nên trung học chỉ là giấc mơ với tôi", Cha Sa-soon nói.
Cảm giác ghen tị với những ai biết lái xe kéo dài gần như suốt cuộc đời. Đến 60 tuổi, bà mới có cơ hội lấy bằng. "Ở đây nếu trễ xe bus, phải đợi 2 tiếng mới có chuyến tiếp theo". Mỗi ngày Cha bắt 2 chuyến để tới trường thi và một chuyến về.
"Tôi quá bận cho 4 đứa nhỏ. Lúc tất cả đã trưởng thành, đi làm và chồng mất vài năm trước, tôi mới có nhiều thời gian cho mình. Ước mơ là lấy bằng lái, chở cháu tới vườn thú".
Trở ngại đầu tiên với Cha, và cũng là thử thách kéo dài nhiều năm, là phần thi 40 câu hỏi trong 50 phút về luật giao thông và kỹ năng bảo dưỡng ôtô.
Vào các buổi sáng sớm (bà dậy lúc 4h) và trước khi đi ngủ, Cha đeo cặp kính luyện trả lời câu hỏi của "bộ đề". Thành công không đến. Bà cũng thử nghe băng hướng dẫn thi luật cho những người mù chữ. Mọi việc không có tiến triển.
"Cha đọc và viết đúng ngữ pháp. Nhưng bà không hiểu hầu hết các thuật ngữ như "luật" hay "đèn khẩn cấp"", người hướng dẫn Park nói.
Choi Young-chul, quan chức cấp bằng lái xe cho rằng khó khăn lớn nhất của Cha Sa-soon là nhớ câu hỏi và câu trả lời. Với bà, đó là điều không dễ vượt qua.
Phần thực hành không phải là khó khăn bởi người phụ nữ này làm khá dễ, dù hơi chậm. Lần thi lý thuyết thứ 949, kết quả bắt đầu khả quan khi dần tốt hơn. Đầu năm ngoái, các thầy dạy ở Jeonbuk Driving School tìm ra giải pháp bôi đậm và giải nghĩa thuật ngữ trong tài liệu.
"Bạn có thể phát điên khi hướng dẫn Cha, nhưng chúng tôi không thế. Bà luôn vui vẻ và sẵn sàng thi tiếp. Dường như vẫn có một cô bé trong người phụ nữ này".
Tháng 11/2009, ở lần thi 950, Cha đạt 60 trên 100 điểm. Nhưng phải đến 4 lần thi lại thực hành với hai bài trong sa bàn và ngoài đường. Lần 960, bà nộp 5 USD lệ phí.
"Tôi không nhớ. Với tôi, mỗi ngày đi xe bus tới trường là một niềm vui. Tôi luôn nhớ trường".
Park Seong-ju, người con trai 36 tuổi làm biển quảng cáo ở Jeonju tâm sự: "Mẹ tôi vất vả, đến từng nhà bán rau và làm ruộng cho người khác. Có thể điều đó khiến bà trở nên ương ngạnh. Đã định làm gì, không ai có thể cản được".
Khoảng 10 năm trước, Cha từng lên kế hoạch lấy bằng làm tóc. Trong 6 tháng, bà dậy từ 6 sáng để bắt xe bus, rồi tàu hỏa và lại xe bus để tới trường dạy làm đầu do chính phủ mở. Nhưng không cơ sở nào thuê bà vì đã già.
"Không việc gì. Tôi thích lấy bằng".
Trên tường nhà, Cha treo một bức ảnh đen trắng của hai vợ chồng khi còn trẻ. Bên cạnh là chiếc đồng hồ đã ngừng chạy. Ngoài ra còn một mẩu giấy viết bằng tay, dĩ nhiên sai chính tả, với nghĩa "Không bao giờ bỏ cuộc".
Trọng Nghiệp (theo NYT)