Gần đây, cụm từ "xe không chính chủ" trở thành đề tài nóng từ diễn đàn mạng tới cuộc sống thực. Vào Google gõ 4 chữ này, sau 0,36 giây cho ra khoảng 44,7 triệu kết quả. Đơn giản bởi gần 40% phương tiện lưu thông ở Việt Nam trong tình trạng không chính chủ, đứng trước nguy cơ bị phạt từ 1-10 triệu động mỗi lần.
Lúc mua xe, ai mà chẳng muốn đứng tên làm chủ sở hữu, nhưng người dân lại không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này cho đến khi nghị định 71 "đùng" xuất hiện. Tôi cho rằng tình trạng không chính chủ xuất phát từ 5 nguyên nhân chính:
Phí trước bạ mỗi lần sang tên, đổi chủ quá cao
Để sang tên một chiếc ôtô cũ, người mua sẽ phải nộp phí trước bạ tương đương 10 đến 15% giá trị còn lại của chiếc xe, mức áp dụng tùy từng địa phương chưa kể người mua sẽ chịu thêm phí cấp lại giấy đăng ký xe, phí cấp biển mới nếu biển số cũ là biển 4 số. Một chiếc xe khi mua đã đóng đầy đủ các loại phí, thuế để được lăn bánh trên đường rồi. Khi mua bán người ta chỉ nên đóng lệ phí nhỏ để sang tên đổi chủ thôi, không nên tận thu phí trước bạ ở đây.
Ảnh minh họa. |
Nói tóm lại "Phí trước bạ với xe cũ hiện nay quá cao và là nguyên nhân khiến người dân không muốn sang tên, đổi chủ", Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội bình luận.
Thủ tục sang tên đổi chủ quá ư rườm rà và mất thời gian
Ai mua xe mà không muốn mình là chính chủ của chiếc xe đó! Nhưng chính thủ tục rườm rà làm người dân cảm thấy nản chí không làm.
Không có hộ khẩu thành phố
Vấn đề hộ khẩu cũng là một lý do khiến dân không thể chính chủ dù có muốn! Nhiều người sống ở các thành phố lớn, có nhà nhưng nếu nhà nằm trong các vùng quy hoạch treo, hoặc do chủ đầu tư chưa thể hoàn tất các thủ tục pháp lý cho các căn hộ… dẫn đến không thể ra sổ hồng. Khi chưa có sổ hồng thì không thể chuyển khẩu mà ôtô hay xe máy chỉ được đăng ký chính chủ theo hộ khẩu để tiện quản lý với các cơ quan chức năng?
Kết quả một số lượng người dân dù muốn nhưng phải sở hữu các phương tiện được xem như là không chính vì nơi họ đang sinh sống làm việc.
Sai lầm từ chính sách nảy sinh vấn đề không chính chủ.
Thời gian từ 2003-2005, 4 quận nội thành Hà Nội không được đăng ký đứng tên phương tiện cá nhân trong khi nhu cầu thì càng lớn. Vấn đề nhờ người khác đứng tên phương tiện để phù hợp với chính sách phát sinh từ người mua và người bán. Hàng loạt xe không chính chủ được cấp phép và lưu thông.
Sau đó chính sách này bị bãi bỏ vì đã sai ngay từ đầu, để lại hệ lụy là hàng loạt phương tiện được sở hữu và sử dụng bởi người này nhưng tên chính chủ là người khác, thậm chí họ chẳng biết nhau.
Người dân ỷ vào hợp đồng ủy quyền công chứng.
Một số người dân khi mua bán xe cũ làm hợp đồng ủy quyền công chứng nên ỷ lại và không làm thủ tục sang nhượng theo pháp luật.
Trong 5 lý do thì 4 thuộc về các cơ quan quản lý và một của người dân. Như vậy đây là vấn đề của hệ thống chứ không phải của cá nhân. Lỗi hệ thống cần sửa tận gốc, còn do cá nhân mới áp dụng chế tài hay xử phạt nặng.
Nghị định 71 đang ngắm để tăng nguồn thu dựa trên 40% loại phương tiện không chính chủ thực chất chưa giải quyết được vấn đề. Chỉ "người làm chính sách trên trời" mới cho rằng quyết liệt xử phát sẽ giải quyết được tình trạng chính chủ này.
Bởi thế anh bạn thân tôi có lần chia sẻ trong lúc trà dư tửu hậu, tình trạng 40% xe không chính chủ như hiện nay là kết quả của sự phối hợp và quản lý yếu kém của các ban ngành liên quan trong một thời gian dài
Ngô Vĩnh Yên