Tuy là món của miền Bắc nhưng giờ đây món bún mọc cũng rất phổ biến ở đất Sài Gòn từ quán ăn bình dân đến nhà hàng sang trọng. Để giúp các chị nội trợ trổ tài nấu món bún mọc cho gia đình, hôm nay đầu bếp của quán Bún Huyền Chi (một thương hiệu nổi tiếng Sài Gòn hơn 25 năm qua) chia sẻ một vài bí quyết để nấu món này.
Thành phần chính của bún mọc gồm: Chả lụa, chả quế hoặc chả chiên, giò mọc và giò heo hoặc sườn non.
Xương mua về, rửa sạch rồi bắt lên bếp hầm khoảng một giờ, cho một ít muối vào khi hầm (việc này sẽ làm cho nước dùng trong trẻo hơn). Chỉ cho muối vào mà chưa cần nêm nếm gì. Khi hầm gần xong thì thường xuyên vớt bọt. Vớt bọt thật kỹ sẽ góp phần làm cho nước dùng không bị đục sau này. Sau đó để nguội và cho vào đông lạnh (nếu ngày hôm sau mới dùng). Hầm xương với lửa vừa phải và không nên dùng nồi áp suất, nếu không nước sẽ rất đục.
Giò heo hoặc sườn làm sạch, chặt thành miếng vừa ăn, cho vào nấu tiếp với nước hầm xương. Giò mọc nên trộn với ít nấm mèo xắt nhuyễn và có thể nêm thêm ít gia vị (đường, muối) cho vừa ăn hơn, sau đó, dùng muỗng cà phê từng muỗng cho vào nồi nước dùng. Tùy độ khéo tay của bạn mà viên mọc sẽ tròn hay méo. Khi giò heo, sườn, mọc chín đến thì nêm các gia vị vào nồi nước dùng cho vừa ăn. Nhớ thường xuyên vớt bọt nếu có.
Về giò mọc, thật ra để có được một viên mọc đạt chất lượng (dai, dòn) thì rất công phu. Giò mọc ngon là giò mọc được làm ngay sau khi giết mổ (trong vòng một giờ), gọi là “thịt nóng”. Sau khi thành giò mọc sống, trong vòng tối đa một giờ phải nấu luôn, để lâu hơn, giò mọc sẽ không quện với nhau nữa, gọi là “mọc chết”, viên mọc thành phẩm sẽ rất bở. Tuy nhiên với điều kiện như vậy thì “bất khả thi” cho các chị nội trợ nên các chị có thể dùng giò mọc đông lạnh ngoài thị trường. Chỉ lưu ý là cần giữ lạnh giò mọc sống suốt từ khi mua đến khi thả vào nối nước dùng, viên mọc thành phẩm sẽ đỡ bở hơn. Tại Bún Huyền Chi, giò mọc được chế biến tại chỗ và khép kín nên chất lượng được đảm bảo.
Hành phi là một yếu tố tạo nên hương vị ngọt thơm đặc trưng cho tô bún mọc. Nếu có thể bạn hãy tự làm hành phi để đạt chất lượng như mong muốn. Củ hành tím bào mỏng, rồi cho vào chảo chiên ngập dầu, để lửa nhỏ và thường xuyên đảo hành. Đến khi cánh hành vàng thì vớt ra, thấm hút dầu ngay, để cánh hành phi sẽ dòn thau.
Phần bún, bạn nên chọn loại bún tươi và khô ráo. Tại Sài Gòn, có làng nghề bún Thủ Đức được xem là thích hợp.
Khi dùng, bạn cho bún vào bát, sắp các loại chả, giò heo, mọc lên tô, rắc thêm hành phí, hành lá, ngò rí xắt nhuyễn. Cuối cùng cho nước dùng đang sôi vào tô bún.
Ngoài ra, một gia vị nữa góp phần tăng sức hấp dẫn cho món bún mọc, đó là mắm tôm. Mắm này được nêm sống ngay trên bàn ăn. Mắm tôm phải thật sự vệ sinh và không có mùi tanh.
Rau sống phải có đủ các loại: Giá, bắp chuối, rau muống chẻ, rau thơm (hún quế, hún cây, rau răm, xà lách, và đặc biệt không thể thiếu rau kinh giới).
Tô bún mọc với nước dùng nóng hổi, trộn đều với rau sống, rồi nêm thêm một ít mắm tôm, vắt một lát chanh, rồi vài khoanh ớt, sẽ cho gia đình bạn một bữa ăn ngon và đầy đủ dinh dưỡng.
Nếu bạn muốn nấu thử mà thời gian hạn hẹp, bún huyền chi có thể chia sẻ với bạn một số phụ liệu có sẵn như: Giò mọc đã chế biến thành viên, hành phi, mắm tôm…
Bạn có thể dùng thử món đặc sản bún mọc tại Bún Huyền Chi:
- 39 Nguyễn Văn Lạc, phường 21, quận Bình Thạnh (Thị Nghè).
- H030 đường số 6, Hưng Vượng 1 (Phú Mỹ Hưng).
Website: http://www.bunhuyenchi.com/
(Nguồn: Bún Huyền Chi)
SG002737