Măng là nguyên liệu quen thuộc để chế biến nhiều món ăn ngon ngày Tết như canh măng khô nấu sườn, măng chân giò, măng nấu vịt... Với việc các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện măng chứa hóa chất độc hại như chất tẩy trắng và tạo màu công nghiệp, sấy lưu huỳnh… bạn nên lưu ý khi sử dụng để tránh nguy hại sức khỏe.
Theo các chuyên gia, việc dùng hóa chất tẩy măng nếu không đúng loại phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và vượt quá liều lượng quy định sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, nhất là đối với hệ tiêu hóa, gan, thận. Chẳng hạn, bột sắt và các kim loại nặng như chì, cadimi… tồn dư trong măng có thể gây giòn xương, nhiễm độc thai nhi, ung thư.
Bên cạnh đó, trong măng cũng chứa độc tố tự nhiên gây ngộ độc cho người sử dụng gọi là glucozit. Khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, glucozit bị thủy phân và giải phóng axit xyanhydric.
Ở người lớn, chỉ cần ăn phải 20mg axit xyanhydric đã có thể bị ngộ độc. Những người bị ngộ độc do măng gây ra thường có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở…
Măng là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngày Tết nhưng chế biến không đúng có thể nguy hại (Ảnh minh họa)
Vậy cách loại bỏ hóa chất trong măng ăn ngày Tết thế nào cho an toàn? Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa HN) khuyên, khi mua măng về cần ngâm, luộc kỹ trước khi chế biến vừa giúp loại bỏ phụ gia thực phẩm tẩy măng vừa loại độc tố trong măng. Măng luộc không kỹ có thể gây ngộ độc cấp với biểu hiện nhức đầu, chóng mặt buồn nôn, trường hợp nặng có thể nguy hại tính mạng.
Cụ thể, với măng tươi, bóc hết bẹ lá, rửa sạch đất cát rồi có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại. Khi chế biến thành các món ăn nên luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần.
Trong quá trình luộc măng, khi nồi măng sôi cần mở vung để chất độc có trong măng thoát ra ngoài. Những loại măng tre có màu trắng/vàng bất thường hoặc có mùi lạ không nên sử dụng.
Với măng khô, cách loại bỏ hóa chất trong măng ăn ngày Tết là khi chọn măng, mọi người tránh mua măng có màu sắc quá bóng loáng hoặc có màu khác thường. Khi ngửi, măng nguyên chất có mùi măng thơm nhẹ do được phơi nắng. Măng sấy lưu huỳnh có mùi khét đặc trưng của diêm sinh.
Măng mua về ngâm vào nước lạnh trong thời gian khoảng một ngày, thay nước 1-2 lần. Sau đó tiếp tục rửa măng thật sạch, ngâm với nước vo gạo 60 phút. Cho măng vừa ngâm vào luộc. Trong quá trình luộc mở nắp nồi để độc tố bay hơi.
Ngoài ra, mọi người cũng cần tránh mua măng bị mốc, măng trái mùa thu hoạch. Nhiều người cạo đi cho hết mốc hay việc rửa bằng nước nhưng cách này có thể làm vết nấm mốc hết nhưng độc tố đã ngấm sâu vào bên trong của thực phẩm thì không hết.
Độc tố Aflatoxin thường có trong các thực phẩm khô đã lên mốc. Ngoài việc gây ngộ độc cấp tính, nó còn là tác nhân gây xơ gan và ung thư gan. Độc tố aflatoxin rất bền với nhiệt.
Để cho những ngày Tết được vui, BS Doãn Thị Tường Vi – nguyên trưởng khoa dinh dưỡng (BV 198) cho rằng, măng cũng có thể gây hại sức khỏe mọi người nếu ăn liều lượng không vừa phải. Người hay táo bón, hệ tiêu hóa không tốt, trẻ nhỏ, người cao tuổi răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm càng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều măng.
Trong măng chứa nhiều chất xơ, khi ăn quá nhiều dễ vón lại, tạo thành khối bã thức ăn ở khu vực ruột non dẫn đến tắc ruột. Bởi vậy khi chế biến mọi người nên ninh nhừ, ăn cần chậm nhai kỹ.