Trong y học cổ truyền, tất cả bộ phận của cây sen đều được dùng làm thuốc. Hạt sen có nhiều dưỡng chất như tinh bột, protein, lipid, bêta-amyrin, anpha-amyrin, stigmasterol, bêta-sitosterol, campestola, các chất vi lượng Ca, P, Fe...
Hạt sen còn có tên là liên nhục, vị ngọt, chát, tính bình; vào các kinh tâm, tỳ và thận; có tác dụng dưỡng tâm an thần, ích thận, bổ tỳ, an thai, lợi thủy. Dùng cho các trường hợp di tinh đái hạ, tỳ hư tiết tả (tiêu chảy), tiêu chảy lỏng, lỵ dài ngày, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược.
Trong ngày nắng nóng, hạt sen có thể chế biến thành chè, cháo gà, cơm chiên... Món chè hạt sen dưới đây có công dụng dưỡng tâm, an thần, mát, ngon bổ. Sau bữa cơm chiều, một chén chè sen tráng miệng vào mùa nóng sẽ là phương thuốc giải nhiệt, an thần tuyệt vời.
Chè sen nhãn nhục. Ảnh: Ngọc Tú. |
Món chè sen nhãn nhục
Nguyên liệu:
- Hạt sen tươi: 200 g
- Nhãn khô: 50 g
- Đường phèn: 120 g
Cách làm:
Hạt sen tươi lột vỏ lụa, bỏ tim, nấu lửa nhỏ vừa mềm. Nấu 400 ml nước với đường phèn cho tan đều, hớt bọt thật kỹ. Cho hạt sen vào nấu nhỏ lửa thấm. Sau cùng cho nhãn khô vào nấu nở đều. Có thể tăng hoặc giảm lượng đường tùy ý thích ngọt nhiều hoặc ít. Chè sen nhãn nhục có thể ăn nóng hoặc lạnh.
Chè sen táo đỏ. Ảnh: Ngọc Tú. |
Chè sen táo đỏ
Nguyên liệu:
- Hạt sen tươi: 200 g
- Táo đỏ khô: 100 g
- Đường phèn: 200 g
Cách làm:
Hạt sen nấu lửa nhỏ, mềm. Đường phèn nấu với 0,5 lít nước cho tan đều, hớt bọt kỹ. Cho táo khô, hạt sen vào nấu riu riu thấm đường. Thấy táo đỏ nở đều là được. Có thể tăng hoặc giảm lượng đường tùy theo ý thích ăn ngọt nhiều hay ít. Chè sen táo đỏ có thể ăn nóng hoặc lạnh.
Lưu ý:
- Nếu không có hạt sen tươi có thể dùng hạt sen khô để nấu chè. Nếu nấu bằng sen khô nên ngâm hạt sen trong nước cho nở rồi bắt đầu nấu. Thời gian nấu bằng hạt sen khô sẽ kéo dài hơn sen tươi.
- Có thể nấu chè sen với lá dứa hoặc cho hoa lài tươi vào chè tùy theo ý thích.
Ngọc Tú