Sau đó đem nhúng qua nước sôi chừng nửa phút cho săn tái mặt ngoài, rồi vớt ra, để ráo nước, mới thái mỏng; phải thái ngang thớ thịt, thái miếng to. Cho muối vào đảo đều để ướp; lượng muối vừa ăn và phải làm muối trắng, mặn quá nhạt quá hoặc muối không thuần khiết sẽ làm hỏng thịt.
Ướp được chừng một tiếng thì lấy một ít cơm nguội trộn với thịt, liều lượng cơm so với thịt khoảng một phần ba. Cơm phải là cơm tẻ và phải để thật nguội. Sau đó cho thịt vào ống nứa tươi mới tốt, nén thịt xuống vừa phải, không chặt quá, cũng không để thịt rời rạc quá, thịt sẽ không chua đều; rồi nút ống lại bằng lá chuối, lá dong, nút làm hai lớp, lớp thứ nhất vo tròn lá, đút sâu vào trong ống, lớp thứ hai dùng lá trùm miệng ống bên ngoài, lấy lạt buộc chặt. Xong, đem ống thịt bỏ lên gác bếp để lấy hơi lửa, dựng nghiêng kẻo chảy nước xuống. Trong môi trường nhiệt độ cao vừa phải, yếm khí, thịt lên men sẽ "chín" và có vị chua. Ống thịt để trên gác bếp được khoảng ba ngày thì đem xuống, mở nút đổ thịt ra, đổ thính gạo vào trộn cho thơm, rồi lại cho thịt vào ống nứa, buộc lại, để lên gác bếp như cũ. Những thao tác này phải làm nhanh kẻo thịt bị hấp hơi, bị tanh; muốn thế thì phải chuẩn bị thính từ trước. Ống thịt chua để trên gác bếp khoảng ba ngày nữa thì dùng được. Trước đây, người Thái còn lấy thịt thú rừng để làm.
Khi ăn, chỉ cần mở nút, lấy thịt ra đĩa, gắp miếng thịt bỏ vào trong các loại lá lộc thơm (lá chanh, sung, húng quế...) cuộn lại, đem chấm nước chấm đã được pha chế cho hợp khẩu vị (nước mắm ngon, tiêu, ớt... nhưng chớ cho tỏi vào vì thịt chua này kỵ nó). Nhìn miếng thịt vẫn đỏ hồng nhưng đã chín bởi quá trình lên men, ăn thấy chua, bùi, cay, béo, không ngậy, tóm lại là ngon rất đặc trưng.
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống)