Quán chè ấy vẫn thường được gọi là chè “nhà đèn”, tên chính thức là Châu Giang. Quản lý quán bây giờ là chị Lý Thanh Hà, gọi người khai sinh quán chè là cụ cố. Là thế hệ thứ tư tiếp quản quán chè, chị Hà chỉ được biết về nguồn gốc của quán có tuổi gấp đôi tuổi mình qua lời kể của mẹ và bà ngoại. Đã một thời gian dài trôi qua, những câu chuyện ấy cũng phai dần.
Chị Lý Thanh Hà bên xe chè 70 tuổi. Ảnh: Xuân Hường. |
Những năm 30 của thế kỷ trước, khi bà Phùng Hạnh Phan từ Quảng Đông (Trung Quốc) một thân một mình sang Việt Nam lánh nạn, cả gia đình đã tử nạn trong chiến tranh. Trên đường đi, bà nhận một đứa trẻ lạc làm con nuôi, đặt tên là Lý Ái Quỳnh. Hai mẹ con lưu lạc nhiều năm ở miền Bắc, sau đó vào Sài Gòn lập nghiệp theo mách bảo của nhiều người.
Vào Sài Gòn lúc ấy, cuộc sống của mẹ con bà Phan cũng chẳng khá hơn. Bà sống lay lắt ở lề đường, xin làm đủ mọi nghề để đổi lấy thức ăn. Những ngày lang thang qua các hàng quán bán đủ loại đồ ăn thức uống luôn đông khách, bà bỗng nghĩ đến việc cũng bán một thứ gì đó để kiếm tiền.
Gom hết số tiền còn lại, bà Phan đánh liều nấu một nồi chè đậu xanh theo cách người mẹ quá cố hướng dẫn ngày trước, rồi ngồi bán ở ngay góc ngã tư Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi bây giờ. Món chè dân dã được người dân xung quanh ưa thích. Một thời gian sau, số tiền dành dụm từ việc bán chè đủ để bà mua một chiếc xe đẩy và thuê một căn phòng để ở. Xe chè với thực đơn ngày càng nhiều món được bà đẩy đi bán hàng ngày, vào mỗi buổi chiều tối.
Yên ổn được ít lâu, chính quyền Pháp lúc bấy giờ truy quét gắt gao những người bán hàng rong. Bà Phan đánh liều cất xe vào trong khoảng sân trước trạm biến áp gần đó, mong sẽ không bị phát hiện. Buổi tối, bà đặt vài chiếc ghế cho khách ngồi ăn trước khoảng sân hẹp. Sáng ra lại dọn dẹp sạch sẽ, cất xe chè vào lại một góc khuất của trạm biến áp.
May mắn cho bà, 70 năm qua, chiếc xe chè ngày nào cũng tấp nập khách vào ra, ở chính trạm biến áp cũ bà lập nghiệp ngày xưa. Chỉ khác là các thủ tục thuê mướn mặt bằng, đăng kí kinh doanh đã hoàn thành, không còn nơm nớp sợ chính quyền phát hiện.
Quán chè nằm trong trạm biến áp vẫn không thay đổi nhiều sau một thời gian dài. Ảnh: Xuân Hường. |
Bà Phan già yếu rồi qua đời. Người con gái nuôi tiếp tục công việc theo bí quyết nấu chè mẹ truyền lại. Cứ thế, những thế hệ tiếp nối được sinh ra, trưởng thành từ xe chè nhỏ, và tiếp nối công việc truyền thống của gia đình.
Chị Lý Thanh Hà đã thay mẹ phụ trách quán chè Châu Giang hơn 10 năm nay. Chị kể, ngày còn bé thường chạy theo mẹ ra quán chơi. Lớn lên một chút, chị bắt đầu được mẹ dạy từ việc chọn mua nguyên liệu đến cách chế biến từng món chè. Từ những món cơ bản, chị Hà tìm hiểu thêm nhiều công thức mới để làm phong phú thực đơn. Những bí quyết gia truyền ấy được chị giữ gìn, không truyền dạy cho bất cứ ai bên ngoài dòng họ dù nhận được nhiều lời đề nghị với giá cao.
Thực đơn hơn 20 món chè ở quán “nhà đèn” mang đậm bản sắc của người Hoa. Những tên món như quy linh cao, hoài sơn hay sự kết hợp của bạch quả, bo bo, tàu hũ ky và trứng cút có thể sẽ làm khách hàng bỡ ngỡ khi đến lần đầu tiên.
Bột củ năng chế biến theo nhiều cách là món "độc" của quán. Ảnh: Xuân Hường. |
“Đối với một số món đặc trưng, khi khách gọi, tôi phải hỏi xem họ đã ăn bao giờ chưa. Nếu chưa, tôi sẽ giới thiệu một món khác thay thế, vì phải là khách quen hoặc đã từng ăn thì mới thấy ngon được”, chị Hà nói. Nữ chủ quán này vui vẻ cho biết khách tìm đến ăn ở quán ngày càng nhiều, vì họ biết đó là những món ăn bổ dưỡng và không nhiều chỗ bán.
Ông Từ Sơn là khách quen ở quán chè này nhiều năm nay. Cứ mỗi lần thấy thèm bột củ năng nấu với hột gà (trứng gà) là ông lại chạy xe từ nhà ở quận Bình Tân đến quán để ăn cho thỏa. Ông nói, món ấy ít người biết ăn, chỉ có ở quán chè này là có bán.
Chị Hà kể, chị quen mặt nhiều khách hàng tới đây ăn suốt mấy chục năm từ lúc chị còn nhỏ. Thỉnh thoảng, họ lại đưa cả gia đình, con cái tới và ôn lại chuyện ngày xưa, kể cho chị nghe những chuyện mà chính chị cũng chưa hề biết. “Chính vì những tình cảm tồn tại lâu như thế, tôi chẳng bao giờ có ý định rời bỏ chỗ này dù đã có điều kiện mở ra những quán lớn hơn, ở những vị trí đẹp hơn”, người chủ quán thuộc thế hệ thứ tư bày tỏ.
Quán chè “nhà đèn” mở cửa hàng ngày từ 4h chiều đến 12h đêm, vẫn giữ nguyên giờ bán từ 70 năm trước. Khoảng sân trước trạm biến áp không thay đổi nhiều, vẫn chỉ đủ để đặt 4 chiếc bàn nhỏ. Chiếc xe chè cổ được chị Hà gia cố lại để tiếp tục sử dụng, di ảnh của bà cố Phùng Hạnh Phan được treo trang trọng ở phía trên.
Không cần bảng hiệu, quảng cáo, quán chè nhỏ vẫn lặng lẽ hoạt động như cách nó tồn tại hàng chục năm qua giữa Sài Gòn nhộn nhịp, như thách thức mọi đổi thay.
Xuân Hường