Khi trà chanh, trà đá bị cho là nhiễm khuẩn, người đi đường tìm đến nước mía như là một thức uống an toàn, tuy nhiên thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Trên đường An Dương Vương (đoạn trước cổng trường Đại học Sư Phạm - quận 5, TP HCM) nơi được mệnh danh là khu phố giải khát ở Sài Gòn, suốt đoạn đường khoảng 200m, có gần 30 quán nước hai bên đường, phổ biến nhất là bán nước mía "siêu sạch". Đây là điểm hẹn của rất nhiều bạn trẻ là sinh viên, học sinh từ các ngôi trường gần đó.
"Em không dám uống trà chanh vì nghe nói sử dụng hương liệu từ Trung Quốc, nên uống nước mía siêu sạch vừa rẻ vừa an toàn. Hầu như tối nào đi học về, em cùng mấy đứa bạn cùng lớp đều ghé đây", Thanh Vân, sinh viên năm 2 Đại học Sư Phạm cho biết.
Những cây mía đỏ tím, thâm đen được chế biến thành nước mía siêu sạch. Ảnh: Khánh Hòa. |
Mang mác "siêu sạch" nhưng quá trình chế biến tại đây khó có thể nói là vệ sinh. Những chiếc xe giải khát cáu bẩn không che chắn, bã mía vương vãi khắp nơi, cạnh đó là đống mía cây đã bào vỏ chất trên vỉa hè, không che đậy, mặc ruồi, nhặng bu quanh. Không ít bó mía đã chuyển sang màu đỏ, thậm chí thâm đen vì để qua nhiều ngày vẫn được ông chủ quán ép lấy nước bán.
Sau khi đút cây mía vào máy ép, nhúng bàn tay trong chậu nước đục ngầu rồi lau vội vào chiếc quần đang mặc trên người, ông chủ quán bốc đá cho vào ly, chế nước mía và mang cho thực khách. Một ly như vậy khách trả 6.000 đồng.
Những chiếc ly, ống hút sau khi khách vừa uống xong được tráng sơ qua hai chậu nước đen ngòm, để ráo và tái sử dụng cho lần sau. Theo ghi nhận của VnExpress.net, hai chậu nước rửa ấy được sử dụng từ khi mở hàng cho đến lúc dọn hàng mà không hề thay nước mới. Nó được dùng để "tắm tráng" cho hàng trăm ly nước mía như thế mỗi tối.
"Nước mía siêu sạch cũng không chắc đã vệ sinh, nhưng vì nó tiện lợi, không pha hóa chất, thấy cũng an tâm, với lại giá cũng rẻ nên uống thôi", Hoài Nam, sinh viên trường ĐH Tự nhiên, cho biết.
Ruồi nhặng bâu đầy quanh khu chế nước mía. Ảnh: Khánh Hòa. |
Đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đối diện Thảo Cầm Viên, dù chưa đến 50m nhưng cũng có hơn 5 xe nước mía với chiếc bàn nhỏ, những chiếc ghế con được bày la liệt trên vỉa hè. Không phải là "siêu sạch" nên nước mía ở đây chỉ có giá 5.000 đồng một ly, song "công nghệ" chế biến cũng giống hệt như ở trên.
Tại một quán, những cây mía nguyên liệu bám đầy ruồi, nhặng được bà chủ quán liên tiếp dùng tay cho vào máy ép lấy nước. Không ép một lần như quán mía siêu sạch, các xe nước mía ở đây phải ép vài lượt mới hết. Nước mía, cùng với đá bốc vội từ thùng, được đổ vào những chiếc ly thủy tinh xỉn máu bưng ra cho khách, trông vẫn vàng ươm, thanh mát.
Trên chiếc bàn con là chiếc hũ nhựa cáu bẩn, đen xì không có nắp đậy, bên trong chứa một thứ nước đục ngầu đầy cặn mà theo lời bà chủ là nước chanh muối, cho vào ly nước mía một thìa chanh muối thì sẽ có vị ngọt thanh và thơm hơn.
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TP HCM) là nơi tập trung rất nhiều xe nước mía giải khát chỉ với mức giá 5.000 đồng. Ảnh: Khánh Hòa. |
Ở góc đường Phan Chu Trinh - Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh) là một vựa mía chuyên cung cấp nguyên liệu cho các xe nước mía trên địa bàn. "Mỗi bó mía chưa bào vỏ khoảng 12 cây có giá 45.000 đồng. Mua từ hai bó trở lên thì tôi giao tận nhà", ông chủ ở trần, người nhễ nhại mồ hôi vừa bào vỏ vừa nói. Theo một chị bán nước mía trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) hay lấy nguyên liệu ở đây, mía chưa bào vỏ, để nhiều ngày vẫn không hư nên không sợ lỗ, mía bào vỏ rồi để khoảng hai ngày là bị đỏ cây nhưng vẫn ép nước uống được vì không bị chua hay có mùi gì cả.
Khánh Hòa