Hàng ngoại nhiều... không
Chợ Bình Tây (Q.6) được coi như thủ phủ của các loại thực phẩm. Ở đây, muốn tìm mặt hàng của bất kỳ nước nào cũng đều được đáp ứng. Tại khu vực bánh kẹo, khỏi mua loại bánh bắp của Thái Lan, bà Lan (sạp T.L) mau mắn: “Hàng Thái chính gốc đây, 30.000 đồng/kg. Nhiều người đi du lịch Thái Lan về đều ghé đây mua bánh kẹo làm quà. Lý do là giá cả rẻ hơn, lại không phải mang vác”. Xem kỹ gói bánh toàn tiếng Thái loằng ngoằng, không có thành phần, không hạn sử dụng, người mua cũng chẳng thể phân biệt thật giả. Còn người bán hàng thì lý sự: “Hàng gốc phải vậy đó” (?!)
Các loại kẹo socola của Mỹ, Pháp bán tại đây có giá từ 55.000 đồng – 60.000 đồng/kg. Từng thỏi socola hình đồng tiền vàng không có bất cứ thông tin gì, nhân viên bán hàng giải thích: “Hàng vận chuyển từ nước ngoài về cả kiện, các chủ hàng chia nhau rồi xé lẻ ra bán để phù hợp túi tiền người tiêu dùng”.
Tại chợ An Đông (Q.5), Bến Thành (Q.1), cũng bày bán các loại hạt ngoại nhập như macca, hạt dẻ, quả óc chó, hạnh nhân… giá từ 120.000 đồng/kg. Ngoài các loại hạt, mứt ngoại cũng có mặt ở các kệ. Mứt kiwi, mứt cherry, mứt chà là… màu sắc xanh, đỏ bắt mắt “phơi mình” giữa quầy, ngoài dòng chữ viết tay tên mứt và giá thành thì sản phẩm không có bất kỳ thông tin nào khác.
Khô ngoại xuất xứ từ Campuchia, Ấn Độ… bày bán tại các chợ.
Gần đây, các loại khô của Lào, Ấn Độ, Campuchia… thi nhau đổ bộ các chợ Sài Gòn. Tại chợ Campuchia (còn gọi là chợ Lê Hồng Phong, Q.10), hàng trăm đặc sản như khô cá, khô nhái, tung lò mò (lạp xưởng bò)… treo la liệt, bán dạng xá (ký). Chỉ trừ lạp xưởng được đóng gói, có nhãn mác, trên sản phẩm có tiếng Campuchia (không nhãn phụ tiếng Việt), còn lại các sản phẩm được bày trên bàn, rổ, khay inox, không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, thông tin sản phẩm.
Liên hệ với một đầu nậu chuyên cung cấp bánh mứt, các loại hạt khô ngoại nhập qua số máy 012635…, người này cho hay luôn có sẵn hàng, muốn mua bao nhiêu cũng có, chỉ cần báo trước vài ngày và đặt cọc 50%. Muốn đóng thùng, in nhãn mác nước nào cứ yêu cầu và tính thêm phí.
Kiểm tra không xuể
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết: “Thời gian qua, Chi cục cũng đã nắm tình hình nhiều mặt hàng thực phẩm đổ bộ về các chợ trên địa bàn thành phố. Chi cục có tổ chức kiểm tra định kỳ, thường xuyên các điểm kinh doanh nhưng do lực lượng quá mỏng vẫn không thể kiểm soát hết được”.
Theo ông Kiếm, việc để tồn tại các điểm kinh doanh thực phẩm không có nhãn mác đầy đủ, sản phẩm kém chất lượng… không thể quy trách nhiệm hết cho một mình QLTT mà còn có trách nhiệm của Sở Công thương, Sở Y tế, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng kinh tế quận huyện, Ban quản lý các chợ. Khi có chiến dịch tổng kiểm tra phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan cùng tham gia. Chi cục QLTT chỉ đóng vai trò phối hợp.