Luôn cảm thấy tò mò về một người đàn ông đam mê nấu ăn mặc dù tôi đã “gặp” họ nhiều trên ti vi, trên các show truyền hình thực tế nhưng ngoài đời thực thì có lẽ là chưa. Nhưng một duyên may đã đến, tôi gặp anh trong cuộc thi về ẩm thực, và anh là một trong những giám khảo của chương trình...
Từ một người làm nghề tự do…
Anh Đỗ Công Nguyên (Thạc sĩ, giảng viên khoa Khách sạn - Du lịch, Trường ĐH Thương Mại, Hà Nội) có chia sẻ rằng, ngay từ ngày còn nhỏ, những hình ảnh sớm nắng chiều mưa lo bữa cơm ngon, bát canh ngọt cho gia đình của mẹ đã khiến anh ý thức được giá trị từ những món ăn mẹ nấu, dần dần nó trở thành một nguồn cảm hứng vô tận trong anh.
Tuy nhiên, do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên ước mơ đi học nghề Bếp của anh đã thành dang dở… Vì thế, anh quyết định bươn trải để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ và biến giấc mơ trở thành hiện thực. Năm 2001, “Nam tiến” là con đường anh lựa chọn. Tại mảnh đất không người quen biết, từ xay xát gạo, xây dựng, làm gốm, công nhân, bán vé số hay in quần áo... nghề nào anh cũng đã làm qua, đến nỗi bàn tay trở nên chai sạn, làn dan đen cháy vì vất vả.
Trải nghiệm cuộc sống ở mảnh đất xa lạ, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều món ăn dù lúc đó chỉ là các món đơn giản, thậm chí là nghèo khó nhưng cũng giúp anh thấy yêu hơn ẩm thực, một khoảng trời mơ ước của anh. Với anh, nấu ăn là một nhu cầu thiết yếu của con người nhưng đó cũng là một nghệ thuật không phải bất cứ ai cũng có thể chiếm lĩnh. Chỉ có ai thực sự yêu, coi các món ăn là tâm hồn mới có thể theo đuổi cho đến tận cuối cùng.
Từ những ý nghĩ đó cộng thêm sự ủng hộ của gia đình, anh đã quyết tâm bước trên con đường đã chọn. “Gia đình làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên gia đình cũng rất hy vọng bằng nghị lực, vượt lên trên hoàn cảnh để học, để làm việc và sau này sẽ trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, nấu được các món ăn ngon , mang kiến thức chia sẻ cho mọi người, cho cộng đồng”, anh nói. Vì thế, cuối năm 2002, anh trở về Hà Nội và tiếp tục hành trình, xây dựng con đường ẩm thực ước mơ của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ bước đầu đó, cha mẹ anh cũng luôn băn khoăn về việc anh là con trai theo nghề bếp có hợp hay không, liệu có gặt hái được gì và hơn hết, gia đình khó khăn, không lo được tiền ăn học. Để động viên gia đình, anh chia sẻ, lúc đó: "Con sẽ kiếm tiền, sẽ giúp đỡ gia đình, sẽ mang lại niềm tự hào cho gia đình mình, cho những người luôn tin tưởng ở con...".
Hoa được tỉa từ củ quả của anh
Có lẽ, tuổi trẻ chưa lường hết được những khó khăn, nên khi bắt đầu đi học, anh gặp nhiều trở ngại lớn về kinh tế, nhưng thương bố mẹ, anh nhất quyết không xin hỗ trợ để mua các nguyên liệu, dụng cụ thực hành… mà những điều đó thực sự thiết yếu. Cách giải quyết lúc đó của anh là “toàn phải đi xem, thậm chí đứng ngoài cửa xem họ (đầu bếp) nấu ăn, cắt tỉa, trang trí món ăn, tự đi vào các hiệu sách xem các công thức món ăn, hình ảnh cắt tỉa,... tự lưu lại trong trí nhớ của mình”.
Xu hướng ẩm thực anh theo đuổi là đa phong cách. Anh chắt lọc các tinh túy từ mỗi phong cách ẩm thực để sáng tạo ra các món ăn mới, ngon hơn, hấp dẫn hơn. Vì với anh, thế giới ẩm thực rất rộng lớn, càng học nhiều càng thấy yêu và gắn bó với nó như máu thịt của mình vậy.
Sau khi tốt nghiệp, vì kiến thức học trên lớp chưa đủ sâu, kỹ năng chưa nhiều nên những ngày đầu đi làm anh cũng phải đi thực tập để cố gắng tìm hiểu thêm các kiến thức, cố gắng tự học, mày mò để nâng cao trình độ.
Kể về kỉ niệm lần đầu đi làm thêm (nấu cơm cho công nhân ở khu công nghiệp), anh được giao nhiệm vụ phải thái 1 miếng thịt lợn có khối lượng 100g (1 lạng) thành 12 miếng đều nhau. Lúc đầu do chưa quen, anh đã phải đặt một chiếc cân đồng hồ bên cạnh, thái xong miếng nào lại phải cho lên cân miếng ấy, mãi cũng thành quen...
... Đến trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, giảng viên Đại học
Có lẽ, sự cố gắng rèn luyện và phấn đấu đã giúp anh bước đầu đạt được ước mơ của mình. Trong quá trình đi học, anh có đăng ký thực tập ở một khách sạn lớn ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh cũng xin làm thêm ở đây. Nhận thấy anh là một người có tiềm năng, nên năm 2004 anh chính thức được nhận vào làm việc. Cũng trong năm này, anh tham gia và đạt giải nhất hội thi tay nghề Quốc gia. Sau đó, anh tiếp tục tham dự hội thi tay nghề Asean (các nước Asean) và giành huy chương vàng (Hội thi tay nghề Asean vốn là một hội thi do các nước Asean tổi chức thường niên 2 năm một lần, bao gồm nghiều nghề như điện tử, may mặc, nấu ăn, xây dựng,... Mỗi năm diễn ra hội thi ở một quốc gia khác nhau,...). Cuộc thi đã giúp anh không chỉ thử sức mình mà còn khiến anh nâng cao tay nghề hơn nữa trong lĩnh vực ẩm thực. Để rồi anh đã vinh dự được nhận bằng khen do Thủ tướng chính phủ trao tặng.
Ảnh lưu niệm anh chụp với tổng bếp trưởng người Pháp ở Nhật (năm 2005)
Tuy nhiên, không phải vì thế mà anh bằng lòng với những gì đang có. Anh vẫn luôn tự đào tạo trình độ của mình, phấn đấu trở thành một nhân viên giỏi và cuối cùng được cử đi học ở khách sạn Hilton Tokyo (Tokyo, Nhật Bản) năm 2005. Và trong thời gian này, anh tiếp tục nhận được Bằng khen sáng chế lao động.
Thời gian học tập ở Nhật (2005)
Học làm sashimi ở Nhật
Cũng nhờ có thế, khi trở về Việt Nam, anh Nguyên đã được tuyển thẳng vào các trường đại học ở Việt Nam có chuyên ngành Khách sạn - Du lịch. Trước cơ hội lớn đang mở ra trước mắt, anh cảm thấy ĐH Thương Mại Hà Nội phù hợp với bản thân hơn cả, anh đã quyết định theo học ở môi trường này.
Tuy đi học là vậy nhưng anh vẫn dành thời gian cho công việc là một đầu bếp cho khách sạn bởi ở nơi đó, tình yêu với ẩm thực chính là động lực và khơi nguồn cảm hứng học tập ở anh. Sự hài lòng của thực khách với mỗi món ăn anh chế biến chính là điều khiến anh cảm thấy hạnh phúc nhất.
Những món ăn anh tâm đắc của mình đó là Thịt bò nướng sốt rượu vang đỏ, Gà quay nước mắm, Cá kho quả chay... Đó là những món mà anh đã tìm công thức và cách chế biến mới từ nhiều phong cách khác nhau.
Hiện tại, không chỉ là một đầu bếp chuyên nghiệp, anh còn là giảng viên của trường nơi anh từng học (sau khi tốt nghiệp, anh đi thi và được giữ lại trường). Anh cảm thấy làm hai công việc cùng một lúc, rất thú vị vì có sự hỗ trợ cho nhau trong giảng dạy, trong nấu ăn và cả trong kinh doanh nữa.
Mới đây, anh vừa hoàn thiện một kế hoạch đã ấp ủ từ lâu của mình, đó là mở trung tâm dạy nấu ăn theo yêu cầu cho bất cứ ai yêu thích ẩm thực với các hoạt động từ nấu ăn đơn giản, nấu ăn cho gia đình, nấu ăn cho các nhà hàng, khách sạn. Học viên có thể học theo nhu cầu của mình, học tại nhà, có cấp chứng chỉ.
Một lọ hoa được anh tỉa khéo léo từ củ quả
Tôi có thắc mắc với anh về việc tại sao nấu ăn phần lớn là phụ nữ nhưng các đầu bếp lớn lại do nam giới đảm nhiệm. Anh mỉm cười chia sẻ, “Mỗi người sinh ra nên chọn cho mình một nghề để lập nghiệp (một nghề lương thiện, được pháp luật thừa nhận), mỗi nghề nghiệp lại có những đặc trưng riêng mà đòi hỏi người học nghề, theo nghề cần có những điều kiện nhất định để phù hợp với nghề đó. Nấu ăn cũng vậy, nấu ăn đòi hỏi người học ngoài sự tâm huyết, sáng tạo còn phải có sức khỏe, thích ứng với các điều kiện, môi trường khác nhau và chịu áp lực công việc. Đây lại là các yếu tố thuộc về nam giới do đó nghề bếp, các đầu bếp chuyên nghiệp trên thế giới chủ yếu vẫn là nam giới”.
Giờ hướng dẫn nấu ăn của thầy Công Nguyên
Nói về kế hoạch tương lai, anh vô cùng hào hứng chia sẻ, “Trong quá trình nấu ăn, giảng dạy, nghiên cứu,… tôi thấy có nhiều loại gia vị khác nhau, phục vụ cho nhiều món ăn khác nhau trên thị trường. Nhưng để chế biến một số món ăn Châu Âu, món ăn cao cấp và món ăn đặc trưng của một số nước khác thì rất ít gia vị đáp ứng được và mình đã hình thành ý tưởng và đang trong quá trình chế biến gia vị thử nghiệm và nhờ các chuyên gia, khách hàng đánh giá”.