Thị trường máy ảnh nửa đầu năm 2015 đón nhận khá nhiều model mới. Các nhà sản xuất lớn như Canon, Nikon đều ra mắt tối thiểu 2 sản phẩm dòng DSLR. Sony và Fujifilm tiếp tục cạnh tranh khốc liệt trong mảng sản phẩm máy ảnh không gương lật. Tuy nhiên, trong khi X-T10 của Fujifilm đã bán tại Việt Nam thì Sony vẫn chưa đưa A7R II về thị trường trong nước.
Canon 5DS/5DS R (85 triệu đồng - thân máy)
Canon 5DS/5DS R. Ảnh: Tuấn Hưng. |
EOS 5DS là bất ngờ lớn của Canon dành cho người dùng đầu năm 2015 khi độ phân giải cảm biến lên tới 50,6 megapixel. Theo đại diện của hãng máy ảnh Nhật Bản, nếu nói về riêng độ phân giải, 5DS không có đối thủ trên thị trường. Canon cũng có thêm phiên bản 5DS R không sử dụng bộ lọc thông thấp giúp ảnh chụp chi tiết hơn.
EOS 5DS trang bị chip xử lý ảnh kép Digic 6 với 61 điểm lấy nét tự động AF trong đó có 41 điểm cross-type, cảm biến đo sáng RGB+IR 150.000 điểm với 252 vùng. Máy có thể chụp liên tiếp ở tốc độ 5 khung hình mỗi giây, quay video độ phân giải chuẩn Full HD tốc độ 30 khung hình mỗi giây. Tuy nhiên, sản phẩm này không có cổng microphone và HDMI.
Xem ảnh Canon 5DS/5DS R
Leica Q (100 triệu đồng)
Leica Q. Ảnh: Tuấn Hưng. |
leica q là mẫu compact cao cấp nhất đến từ hãng máy ảnh Đức với những trang bị "đỉnh" bao gồm cảm biến full-frame và ống kính tiêu cự chất lượng cao. Leica Q (mã Typ 116) có độ phân giải cảm biến 24 megapixel loại CMOS, chip xử lý hình ảnh Maestro II. ISO mà máy hỗ trợ tối đa lên tới 50.000 và tối thiểu là 100.
Ống kính mà Leica trang bị trên model này là Summilux 28mm f/1.7, rộng hơn so với 35 mm của Sony RX1. Khoảng lấy nét gần nhất khi chụp macro là 17 cm trong khi chụp thông thường là 30 cm. Máy tích hợp cả chế độ giả crop tiêu cự tối đa 50 mm cho phép chụp chân dung tốt hơn.
Leica Q tạo sự khác biệt khi trang bị kính ngắm điện tử LCoS EVF với độ phân giải 3,68 megapixel. Màn hình phía sau kích thước 3 inch hỗ trợ cảm ứng độ phân giải 1,04 megapixel. Q không có đèn flash tích hợp mà thay vào đó là chân cắm hot-shoe để kết nối các phụ kiện ngoài.
Ảnh mở hộp Leica Q tại Việt Nam
Nikon D7200 (27 triệu đồng - kèm ống kính 18-55mm)
Nikon D7200. |
So với thế hệ trước, D7200 nâng cấp chủ yếu liên quan đến hệ thống lấy nét và chụp liên tục. Máy vẫn sử dụng cảm biến CMOS APS-C độ phân giải 24,2 megapixel, tăng nhẹ về số "chấm" so với model tiền nhiệm D7100 là 24,1 megapixel. Nikon tiếp tục không trang bị bộ lọc quang thông thấp trên cảm biến cho phép chụp ảnh chi tiết hơn.
Hệ thống lấy nét của D7200 có 51 điểm với mô-đun tăng độ nhạy sáng giúp chụp trong các điều kiện tối tốt hơn hẳn so với thế hệ trước. Máy có thể chụp liên tục 6 khung hình mỗi giây và chụp được 100 kiểu liên tục mỗi lần bấm máy.
Máy hỗ trợ ISO từ 100 đến 25.600, mở rộng tối đa lên mức 102.400 nhưng chỉ áp dụng với ảnh đen trắng. D7200 quay video chuẩn Full HD tốc độ 60 khung hình mỗi giây, pin được cải thiện chụp được 1.100 bức mỗi lần sạc.
Fujifilm X-T10 (giá từ 16,9 triệu đồng)
Fujifilm X-T10. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Cũng sở hữu cảm biến ảnh APS-C CMOS X-Trans II và bộ xử lý ảnh EXR II nhưng giá bán của X-T1 chỉ bằng khoảng 60% so với model cao cấp hơn. Đây cũng chính là ưu điểm khiến X-T10 đang có doanh số bán khá tốt trong hai tuần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
X-T10 sở hữu cảm biến ảnh APS-C CMOS X-Trans II và bộ xử lý ảnh EXR II. Hệ thống lấy nét tự động mới có 77 điểm với khả năng theo dõi chủ thể nét chuyển động trong khung. ISO hỗ trợ từ 100 đến 25.600 hoặc để chế độ tự động. Máy cũng có thể quay video chuẩn Full HD tốc độ 60 khung hình mỗi giây. Mỗi lần sạc pin máy có thể chụp được 350 kiểu.
X-T10 có giá bán 16,9 triệu đồng dành cho thân máy, phiên bản đi kèm ống kính 16-50 mm f/3.5-5.6 có giá 19,9 triệu đồng. Đắt nhất là phiên bản có ống kính 18-55mm f/2.8-4.0 mm, 23,9 triệu đồng.
Nikon D5500 (17 triệu đồng - kèm ống kính 18-55mm)
Nikon D5500. Ảnh: Huy Đức. |
Công nghệ màn hình cảm ứng đã có mặt trên thị trường từ khá lâu và đối thủ chính của Nikon là Canon cũng đã áp dụng vào dòng máy DSLR của mình vào năm 2012. nikon d5500 ra mắt hồi tháng 1 vừa qua mới là model máy ảnh ống kính rời có gương lật đầu tiên trang bị tính năng này.
D5500 là bản nâng cấp của D3300 ra mắt năm 2013. Tuy nâng cấp sở hữu màn hình cảm ứng với kích thước 3,2 inch độ phân giải 1,37 triệu điểm ảnh nhưng các thông số kỹ thuật còn lại không có nhiều thay đổi. Máy vẫn dùng cảm biến CMOS DX format độ phân giải 24,2 megapixel không có bộ lọc quang thông thấp.
Ảnh Nikon D5500 tại Việt Nam
Canon 760D (16 triệu đồng - thân máy)
Canon 760D có thêm màn hình phụ bên trên. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Không như các dòng 3 số trước đây của Canon, 760D được thiết kế mang nhiều hơi hướng của dòng Canon 70D. Điểm khác biệt dễ nhận ra là 760D có thêm màn hình phụ gần nút chụp, cho phép theo dõi thông tin tốt hơn. Ngoài ra, mẫu máy này còn có Servo AF khi bật Live View, cho phép theo dõi các vật thể chuyển động trong quay phim. Các tính năng nâng cao khác của 760D là tích hợp chế độ quay HDR, vòng điều chỉnh nhanh ở mặt sau máy.
Các thông số phần cứng khác bao gồm cảm biến định dạng APS-C độ phân giải 24,2 megapixel, nâng cấp đáng kể từ 18 megapixel trên mẫu 700D. Dòng máy mới được trang bị hệ thống lấy nét lai Hybrid CMOS AF III cho phép bắt nét nhanh, chính xác hơn trong khi quay video và lúc chụp ở chế độ live view. Điểm tương đồng trên 750D và 760D còn là khả năng chụp liên tiếp 5 khung hình/giây, 19 điểm lấy nét cross-type (so với 9 điểm trên 700D) và dải ISO 100 - 12.800.
Tuấn Hưng