Được đánh giá cao về chất lượng hình ảnh nhưng máy ảnh dslr cũng tỏ ra yếu thế trước một số công nghệ trang bị trên máy ảnh mirrorless hay smartphone.
Dưới đây là 9 tính năng được mong đợi sẽ tích hợp hoặc cải tiến trên máy ảnh DSLR theo ý kiến của Allen Murabayashi, Chủ tịch và đồng sáng lập PhotoShelter.
Focus peaking
Tính năng focus peaking cho phép nhận biết điểm lấy nét trong khuôn hình bằng cách làm nổi bật khu vực này với các màu sáng. Focus peaking chủ yếu trang bị trên máy ảnh mirrorless và hỗ trợ nhiều cho việc lấy nét thủ công. Trên phương diện kỹ thuật, không khó để mang tính năng này lên máy ảnh DSLR trong chế độ Live View hoặc thông qua kính ngắm điện tử EVF.
Live histogram
Histogram là biểu đồ trực quan cho biết thông tin về màu sắc cũng như tông màu (sắc độ) của bức hình. Với người dùng máy ảnh DSLR, biểu đồ này chỉ quan sát được sau khi chụp xong bức hình. Trong khi đó, nhiều loại máy ảnh khác có thể theo dõi histogram ngay trong quá trình chụp để có những điều chỉnh tạo nên bức hình đẹp hơn.
Tốc độ chụp nhanh hơn
Tốc độ màn trập là một trong những yếu tố hạn chế tốc độ chụp hình trên máy ảnh DSLR. Ngoài ra một nguyên nhân khác còn do tốc độ đọc ghi của thẻ nhớ.
Chẳng hạn máy ảnh Nikon D800 có thể chụp 4 hình/giây ở khung hình đầy đủ và 6 hình/giây ở chế độ DF khi dùng với grip MB-D12. Điều này cho thấy tốc độ chụp còn bị giới hạn bởi phần mềm và bộ nhớ đệm. Tuy vậy, nếu người dùng “hack” máy ảnh bằng Magic Lantern, thậm chí chiếc Canon 5D còn hỗ trợ quay video RAW cho thấy tiềm năng của máy ảnh DSLR còn rất lớn.
Đồng bộ đèn flash nhanh hơn
Nikon D1 có tốc độ đồng bộ điện tử với đèn flash là 1/500th. Mặc dù tính năng đồng bộ đèn flash rất phức tạp nhưng 15 năm kể từ khi D1 được giới thiệu, hầu hết các máy ảnh DSLR đều không được cải tiến nhiều về tính năng này.
Canon đã phát triển công nghệ High Speed Sync trong khi đó Nikon triển khai Auto FP High-Speed Sync chủ yếu để tiết kiệm điện năng nhưng tốc độ đồng bộ flash vẫn còn hạn chế.
Kết nối không dây
Những mẫu máy ảnh DSLR hiện đại được tích hợp kết nối wi-fi cho phép truyền ảnh không dây đến smartphone hay máy tính bảng. Tuy vậy, các tính năng thông minh dựa trên kết nối này chưa được khai thác để mang đến nhiều tiện ích hơn. Ví dụ như Sony QX100 có thể chụp ảnh, điều chỉnh thông số, xem ảnh Live View thông qua kết nối Wi-Fi với smartphone.
Tuy rằng những người dùng chuyên nghiệp sẽ không thật sự cần thiết đến tính năng này, song việc tích hợp kết nối Wi-Fi sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu suất làm việc. Với người dùng phổ thông, việc chia sẻ ảnh lên mạng xã hội từ DSLR sẽ nhanh chóng và tiện lợi.
GPS
Tương tự kết nối Wi-Fi, tính năng định vị gps cũng cần thiết trên máy ảnh DSLR. Người dùng có thể dễ dàng đánh dấu vị trí của bức hình, theo dõi những địa điểm đã chụp và đặc biệt hữu ích với các nhiếp ảnh gia phong cảnh, thám hiểm.
Tuy vậy, ngoài mức giá đắt đỏ, GPS trên máy ảnh DSLR bộc lộ những hạn chế về thời lượng pin và tốc độ định vị. Một ý kiến được đưa ra là sử dụng dữ liệu GPS từ smartphone truyền đến máy ảnh DSLR theo thời gian thực để khắc phục hạn chế trên.
Nhận diện khuôn mặt
Nhận diện khuôn mặt là một trong những tính năng không thể thiếu trên máy ảnh máy ảnh du lịch cũng như camera của smartphone. Với tính năng này, máy ảnh sẽ thiết lập các thông số giúp cho ra các khuôn hình mà các gương mặt đều sắc nét. Trên máy ảnh DSLR, vì thiếu tính năng này mà đôi khi người chụp hình đánh lỡ những khoảnh khắc hạnh phúc.
Có thể lập trình
iPhone ra đời kéo theo kho ứng dụng App Store phát triển không ngừng từ năm 2008 đến nay. Bên cạnh trình chụp hình có sẵn, người dùng có thể tải thêm rất nhiều phần mềm chụp ảnh khác. Trên máy ảnh DSLR, người dùng trông đợi các nhà sản xuất sẽ phát triển kho ứng dụng cho máy ảnh để khai thác tốt hơn các tiện ích từ bên thứ ba.
Lấy nét khi quay video
Hệ thống lấy nét theo pha bổ sung khả năng lấy nét trong khi quay phim cho máy ảnh DSLR. Tuy vậy, nhược điểm của hầu hết máy ảnh DSLR trang bị lấy nét này là khả năng bắt nét kém, nhất là trong chế độ Live View.
Fujifilm đã phát triển hệ thống lấy nét lai hay lấy nét theo pha dựa trên cảm biến giúp khắc phục nhược điểm trên. Tuy nhiên, Canon hay Nikon lại chưa thúc đẩy tính năng này trên máy ảnh DSLR của mình. Thay vì nâng cao độ phân giải 2K, 4K hay 8K, các nhà sản xuất nên tập trung hoàn thiện tính năng lấy nét trong khi quay video.