Máy ảnh chuyên nghiệp ít chết CCD hơn máy du lịch. Ảnh : Hoàng Hà. |
Theo thống kê của ông Thanh Hải, thợ sửa máy ảnh số tại phố Vọng Đức (Hà Nội), số lượng camera chết CCD (Charge Coupled Device) chiếm đến 80%. 20% còn lại là các bệnh khác nhau.
Các bài liên quan |
*Lợi thế và hạn chế từ máy ảnh D-SLR |
*Bảo quản pin máy ảnh số đúng cách |
*Vài thủ thuật chụp đẹp ảnh số |
Đối với máy ảnh số, bộ cảm biến CCD rất quan trọng trong việc làm nên một bức hình đẹp, nó làm nhiệm vụ chuyển ánh sáng thành dòng điện qua một con chip thông qua tế bào quang điện và chuyển đổi thành dạng số, sau đó dùng các transitor tại mỗi điểm ảnh khuếch đại và di chuyển lượng điện tích này qua hệ thống truyền dẫn.
'Tai nạn' này thường chỉ xảy ra đối với các loại máy ảnh du lịch, đối với dòng bán chuyên và chuyên nghiệp (ống kính rời) thì hiếm khi mắc phải. Loại camera 'prồ' thường xuyên chết CCD nhiều nhất là Fuji Pro S2. Tuy nhiên, dòng máy này đã lỗi thời và thay vào đó là các series mới như Pro S3, S5. Nhiều thợ sửa máy ảnh cho rằng, "hàng" của Nikon, Canon chết CCD ít hơn. Anh Hải cho biết, anh cũng đã từng sửa Nikon D70 hỏng CCD do người dùng bảo quản không tốt.
Những nguyên nhân của tai nạn này chủ yếu do người dùng sử dụng không đúng cách hoặc bảo quản không cẩn thận. Để máy ở nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, thậm chí đánh rơi, CCD cũng bị ảnh hưởng. Theo anh Thành, một phó nháy chuyên nghiệp ở phố Lê Thái Tổ (Hà Nội), cách tự "sát hại" CCD nhanh nhất ở bất kỳ dòng máy nào dù du lịch hay chuyên nghiệp là hướng thẳng máy vào mặt trời chụp. "Ngay cả việc để quên hay nhầm ISO cao ( khoảng 1.600 trở lên) mà chụp trời nắng to cũng có thể làm chết bộ cảm biến này ngay lập tức.
Load ảnh trực tiếp bằng dây cáp có thể gây hỏng máy. Ảnh : Hoàng Hà. |
Những "bệnh" khác
Ngoài ra camera số còn dễ bị hỏng bo mạch. Cũng là do bảo quản hoặc quá trình load, copy ảnh từ máy vào PC chưa hoàn thiện. Với nhiều loại máy, không nên copy trực tiếp bằng dây cáp dẫn vì nguồn điện không tương thích. Nó có thể bị 'xộc' điện gây nên cháy mainboard bất cứ lúc nào, nhất là với các loại chuyên nghiệp như Nikon D80, D100, D200, Canon 30D, 400D... Theo các nhiếp ảnh gia kinh nghiệm, tốt nhất nên dùng đầu đọc thẻ nhớ để load hình vào PC.
Ngoài hai vấn đề trên, máy ảnh số còn có thể gặp các bệnh như đứt dây zoom và các lỗi không thể xác định. Với dòng máy du lịch có zoom quang học, người sử dụng cũng không nên bật tắt liên tục, vì dễ giảm tuổi thọ của zoom.
Riêng dòng máy ảnh số chuyên nghiệp, lỗi thường gặp phải nhiều nhất là cửa trập. Bộ phận này do phải làm việc nhiều nên tuổi thọ chỉ có giới hạn, nó phụ thuộc vào từng loại máy, khoảng vài trăm nghìn kiểu ảnh và sau đó sẽ nhão rồi hỏng.
Về vấn đề phần mềm của digital camera, các 'bác sĩ số' cũng tiết lộ là không mấy khi lỗi. Người sử dụng có thể yên tâm về vấn đề này.
Hoàng Hà