Canon PowerShot A1100 IS với những đường cong gợi cảm. Ảnh: Cnet. |
PowerShot A1100 IS là thế hệ máy ảnh thuộc dòng A được Canon giới thiệu nhằm thay thế model PowerShot A1000 IS xuất hiện cách đây một năm. Tiếp tục kế thừa dáng vẻ thon mảnh, gợi cảm với những đường cong nằm phía gờ phải của "bậc tiền bối", A1100 đem lại cho người dùng trải nghiệm hoàn toàn mới trên nền công nghệ tiên tiến của Canon với bộ vi xử lý DIGIC 4, cảm biến CCD 1/2,3 inch độ phân giải "khủng" so với các máy dòng A (12,1 Megapixel) và zoom quang 4x.
Giống như hầu hết các thế hệ máy ảnh compact trước đó của Canon, PowerShot A1100 IS được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng hình ảnh cũng như độ tiện dụng. Lỗ cắm chân máy vốn là điểm gây khó chịu ở dòng PowerShot A do nằm lệch về bên trái đã được Canon thiết kế cho nằm về giữa, tuy nhiên, vẫn làm bằng nhựa, tạo cảm giác không chắc chắn cho lắm. Ngăn chứa pin AA nằm cùng với khe cắm thẻ nhớ, điều này đôi khi cũng gây bất tiện, vì pin có thể dễ dàng trượt ra ngoài khi thay thẻ. Tuy nhiên, những nhược điểm nhỏ này không thể phủ nhận chất lượng mà A1100 đem lại.
Mặt sau máy với các phím điều khiển đơn giản và màn hình 2,5''. Ảnh: Cnet. |
Có 11 phím điều khiển nằm trên mặt máy đóng vai trò thay đổi các thông số. Màn hình LCD 2,5 inch tỏ ra lép vế trước các đối thủ khác, tuy nhiên, cũng không thể đòi hỏi hơn ở dòng máy giá rẻ này. Bù lại, kính ngắm quang vẫn được Canon ưu ái giữ lại, bộ phận này tỏ ra tương đối hữu dụng. Trong trường hợp chụp ở môi trường nhiều ánh sáng, màn hình LCD trở nên vô tác dụng. Hệ thống Menu đơn giản kết hợp với bánh xe lựa chọn chế độ nằm trên thân máy khiến việc sử dụng trở nên tiện lợi. Nhìn chung, thân máy cầm khá chắc chắn, nhưng sẽ hơi trơn nếu tay người dùng ra nhiều mồ hôi. Máy sử dụng 2 pin AA khiến mép bên phải, nơi có ngăn chứa pin bị phình ra và tăng đáng kể khối lượng nên sẽ khá khó khăn nếu bạn muốn nhét máy vào túi. Tuy nhiên, pin AA kiềm hay pin Ni-MH sạc có dung lượng lớn và khá dễ kiếm nên tương đối thích hợp đối với người hay đi du lịch.
Ảnh chụp bởi A1100 tại các mức ISO khác nhau. Nhiễu tại ISO 400 trở lên tương đối dễ nhìn đặc biệt tại ISO 1600, hầu như các chi tiết trên ảnh bị mất. Ảnh: Cnet. |
Chất lượng ảnh chụp bởi A1100 IS khá tốt. Ống kính 4x (tương đương dải tiêu cự 35-140mm trên máy phim) cho rất ít quang sai màu, ngoại trừ một chút xíu viền tím nằm tại mép những vật thể có độ tương phản cao. Hệ thống chống rung quang với ba chế độ: chống rung liên tục, chống rung khi chụp và chống rung khi lia máy tỏ ra khá hữu dụng trong hầu hết các trường hợp, như chụp thiếu sáng, chụp với zoom cực đại. Hỗ trợ hệ thống chống rung là công nghệ nhận diện chuyển động (Motion Detection) giúp tăng ISO và giảm đến tối đa thời gian phơi sáng nhằm "đóng băng" ngay tức thì chuyển động của sự vật, hạn chế nhòe ảnh. Bạn cũng có thể chụp macro với khoảng cách tối thiểu 3 cm, chất lượng ảnh macro rất khá so với mặt bằng chung. Đèn flash làm việc tốt khi chụp trong nhà, cho bức ảnh sáng đều, không có chi tiết bị cháy hay quá bết. Công nghệ khử mắt đỏ tự động được Canon tích hợp trong máy cũng là một điểm đáng ngợi khen vì đa số người dùng không chuyên rất ngại phải xử lý chúng bằng phần mềm.
Canon PowerShot A1100 IS tái hiện màu rất chuẩn xác, độ tương phản cao. Các thước chụp macro khá sắc nét. Ảnh: Cnet. |
Nhiễu ảnh (noise) là luôn là vấn đề nan giải đối với đa số dòng máy compact. 12,1 triệu điểm ảnh tích hợp trên một diện tích cảm biến quá nhỏ tưởng chừng như sẽ khiến chất lượng ảnh thu bởi A1100 trở nên tệ hại. Tuy nhiên, tại ISO 80 và 100, nhiễu hầu như không xuất hiện. Một vài vệt nhiễu nhỏ đã xuất hiện ở ISO 200. Từ ISO 800 trở lên, ảnh xuất hiện nhiều nhiễu nhưng cũng có thể sử dụng để in cỡ nhỏ. Những bức ảnh chụp bởi A1100 IS hơi soft một chút, tuy nhiên, bạn có thể tăng được độ nét với tùy chỉnh trong My Colors.
Vi xử lý DIGIC 4 của Canon. Ảnh: Opticsplanet. |
Màu sắc được tái hiện bởi A1100 rất xuất sắc do sử dụng vi xử lý DIGIC 4 mới nhất của Canon. Bộ xử lý này cũng đem lại khả năng chụp liên tiếp nhỉnh hơn bậc tiền bối A1000 với 1,1 ảnh trên giây. Tuy nhiên, máy tỏ ra chậm chạp khi mất tới 2 giây từ lúc khởi động mới chụp được bức hình đầu tiên, độ trễ cửa chập khoảng 0,6 giây và thời gian chờ chụp hai hình liên tiếp có flash lên tới 6 giây. Khả năng quay phim trên máy vẫn giữ nguyên với độ phân giải tối đa 640 x 480 pixel, 30 hình/giây. Công nghệ nhận diện khung cảnh (Scene Detection Technology) mới kết hợp chế độ Smart Auto cùng một loạt các cài đặt mặc cảnh có sẵn như chụp chân dung, chụp phong cảnh, chụp trẻ em và thú, chụp đêm, chụp dưới nước... khiến việc sử dụng chiếc máy này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Máy cũng có chế độ i-Contrast giúp tự động chỉnh sửa bức ảnh có vùng tương phản cao, tối ưu hóa màu sắc và giữ lại các chi tiết cần thiết.
Nhược điểm cố hữu không có chế độ chỉnh tay hoàn toàn trên dòng Axxx vẫn được giữ lại trên A1100. Lý giải cho điều này, Canon cho rằng sản phẩm hướng đến đối tượng là người dùng ít thời gian, mong muốn có ảnh đẹp mà ngại phải vọc các chỉnh sửa phơi sáng, độ mở... Nếu thích chỉnh tay mà vẫn muốn hưởng giá rẻ, bạn nên quan tâm đến PowerShot A590 IS.
Nhìn chung, bộ vi xử lý mới của Canon đã giúp nâng chiếc máy bình dân A1100 IS trở thành một sản phẩm thông minh với khả năng tự động cao mà chất lượng thu được thậm chí tuyệt vời hơn nhiều so với số tiền phải bỏ ra. Máy vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của đa số người dùng không chuyên dù tốc độ hơi chậm. Máy có 3 màu: xanh da trời, hồng và bạc.
Hiện tại Việt Nam, Canon PowerShot A1100 IS được bán với giá khoảng 190 USD (khoảng hơn 3 triệu đồng).
|
Trần Hạ tổng hợp