Dương cùng chiếc 'Cào cào' phân khối lớn đi khắp nơi. Ảnh : Trường Giang |
Hải Dương là trưởng phòng hệ thống trung tâm truyền thông tại công ty FPT Telecom, còn Vũ Phong làm quản lý một xưởng in tại phố Cát Linh. Hai nghề này chẳng liên quan gì đến nhiếp ảnh nhưng cứ đến cuối tuần là đôi bạn này lại rủ nhau đi đến những điểm có cảnh đẹp để chụp hình. Dương mới cầm máy được gần hai năm, còn Phong có "thâm niên" lâu hơn, đam mê của anh bắt nguồn từ khi ở Việt Nam mới xuất hiện máy ảnh số.
Các bài liên quan |
*Bảo quản pin máy ảnh số đúng cách |
*Máy ảnh ưa thích của phóng viên |
*Xu hướng chơi máy ảnh năm nay |
"Đồ nghề" của Dương khá "khủng" đối với một tay máy nghiệp dư. Thân máy Canon 10D, ống kính 70 - 200mm kèm theo một chiếc góc rộng 17- 40mm. Không thua kém các nghệ sĩ nhiếp ảnh, Dương đã đi gần hết các tỉnh miền Bắc để chụp hình sáng tác. Chỉ riêng việc đầu tư về phương tiện, Dương đã hơn khối người dân chuyên nghiệp. 2.000 USD được anh bỏ ra để "sắm" chiếc xe máy "cào cào", phân khối lớn, khỏe, dã chiến, tiện cho việc đi lại các tỉnh miền núi.
Còn Phong thì sở hữu chiếc Canon 350D, loại bán chuyên, nhỏ bé nhưng kèm theo đó là các loại ống kính có kích cỡ rất to và "prồ". Anh tâm sự, "tôi đang mê "con" Canon 5D khi có điều kiện về tài chính sẽ tậu ngay", Phong nói.
Với chiếc Canon 10D từ những ngày đầu tiên sáng tác. Ảnh : Trường Giang. |
Phúc, nhân viên kinh doanh một công ty phân phối sản phẩm của nước ngoài ở Hà Nội quyết định đổi cả bộ máy ảnh số gồm thân máy Canon 1D Mark II, một ống kính tele 70 - 200mm và một ống góc rộng 24 - 70mm có giá hơn 10.000 USD cách đây 2 tháng. Ngày ngày vác lên cơ quan khi đi làm trông như một phóng viên thực thụ “Em chụp chơi ấy mà, thích thì vác đi săn vài kiểu chơi”, Phúc kể.
Trước đó Phúc đã từng sở hữu một bộ Nikon D2x còn rất mới. Bộ này hồi đó Phúc cũng mua mới với giá gần 9.000 USD chỉ để chụp chơi trong vòng 5 tháng. Tâm sự về thú chơi của mình, Phúc nói, "mình biết chút chút về ảnh thôi, niềm đam mê của mình là sắm máy, cứ máy "xịn" là mình "chơi" thôi".
Sắm máy để "khẳng định" thương hiệu
Anh Huy, người chuyên bán máy ảnh số chuyên và không chuyên nghiệp tại nhà riêng ở phố Bồ Đề, cho biết, lượng khách hàng dùng máy ảnh xịn ngày càng đông. Khách đến nhà anh không chỉ là dân chuyên nghiệp mà còn có cả những người tậu máy về để chụp chơi. “Người không liên quan gì đến nghề ảnh mà sẵn sàng sắm máy đắt tiền sáng tác chơi cũng nhiều. Có ông khách mỗi năm đổi đến hai máy”, anh nói.
Dân nghiệp dư chụp ảnh số. Ảnh: Trường Giang. |
Anh Đông, một thợ chụp ảnh ở ngõ Văn Chương (Hà Nội), cho rằng, “nêu tài chính dư dả thì cứ đồ "xịn" mà dùng". Theo anh, "cầm một cái máy ảnh tốt ra đường cũng tự tin hơn hẳn, không phải che che giấu giấu khi gặp đối thủ có đồ khủng hơn". Anh Đông đang sở hữu chiếc Canon 5D (12,7 triệu điểm ảnh) giá 4.000 USD, niềm mơ ước đối với nhiều người.
Chiếc máy ảnh số tốt đối với dân chuyên nghiệp không chỉ phản ánh chất lượng tấm hình mà nó còn khẳng định thương hiệu của chủ nhân. “Cầm một chiếc máy nhỏ nhỏ kiểu du lịch thì vẫn chụp được nhưng không tạo được niềm tin đối với khách hàng. Cần phải đầu tư máy móc tốt mới có nhiều khách", anh Đông phân trần.
Các phóng viên ảnh cũng mơ ước có trong tay một bộ máy có "tầm". Hải, một phóng viên ảnh, vẫn phải dùng một máy bán chuyên cho mỗi lần tác nghiệp nên cảm thấy rất "khổ sở" vì chậm canh nét, chậm về tốc độ chụp. Theo anh, đã chấp nhận cầm chiếc máy ảnh làm nghề thì phải dùng loại trên 2.000 USD mới "ổn".
Trường Giang