Trong những năm 1970, những chiếc Olympus Pen EE từng nổi đình nổi đám bởi khả năng chụp tới 72 ảnh với cuộn phim 36 kiểu. Dĩ nhiên, Olympus nổi tiếng bởi chất lượng quang học mà một số nhà phê bình gọi là “Leica của Á Đông".
Máy ảnh SLR 35 mm đầu tiên của Olympus là FTL, ra đời vào năm 1971. Tuy nhiên, chiếc OM1 xuất hiện năm 1973 mới thực sự đi vào lòng các nhiếp ảnh gia bởi nó nhỏ và nhẹ nhất trong số SLR khi đó. Tới năm 2003, công ty giới thiệu E-1, là chiếc đầu tiên ứng dụng chuẩn Four Thirds (kích thước cảm quang 4/3 inch). Hệ thống này qua thử thách đã được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chấp nhận, có thể ứng dụng được trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, và cho tới nay vẫn được sử dụng. Bản cải tiến của nó là hệ Micro Four Thirds, cũng đang gây sóng gió trong làng nhiếp ảnh năm nay.
Olympus chính là công ty thiết kế cách làm sạch cảm quang rất đơn giản bằng cách tích hợp nó vào nút bật tắt. Lớp kính Super Sonic Wave (SSW - sóng siêu âm) sẽ rung ở tần số cao khi máy khởi động, hoặc tắt, giúp rũ bụi không cho hình bị lấm chấm. Nhiều máy được trang bị chống rung bằng dịch chuyển cảm quang, đây là một lợi thế lớn, vì chống rung sẽ hiệu quả ở bất kỳ ống kính nào.
Dưới đây là 4 mẫu máy tiêu biểu của Olympus.
Olympus E-450
E-450 là DSLR nhỏ nhất của Olympus. Ảnh: Techinfo. |
Trong các máy DSLR của Olympus, E-450 là chiếc nhỏ nhất, có trang bị chức năng Art Filter (hiệu ứng nghệ thuật). Chiếc máy ảnh nhỏ gọn này thích hợp cho những người hay đi du lịch mà không thích nặng nề. Tuy nhiên, nhược điểm là máy không có chống rung, nếu muốn chống rung phải bước tới E-520.
Olympus E-450 dành cho người mới chuyển từ máy ngắm chụp lên.
Ngàm ống kính: ngàm 4/3.
Olympus E-620
Olympus E-620 có tính năng chống rung trong thân máy. Ảnh: PMA-Show. |
Khi E-620 ra đời, nó được coi là chiếc máy ảnh DSLR nhỏ và nhẹ nhất với tính năng chống rung trong thân máy. Tuy nhiên, vị trí này đã bị soán ngôi bởi Sony A230. Tuy nhiên, E-620 với 12 megapixel vẫn có chỗ đứng bởi chức năng Art Filter với các hiệu ứng như chụp qua lỗ kim (Pinhole) hoặc tạo sạn như phim nhựa (Grainy Film) mà không cần qua chỉnh sửa trên máy tính.
E-620 nhắm tới những người không chuyên nhưng đam mêm nhiếp ảnh.
Ngàm ống kính: ngàm 4/3.
Olympus E-30
E-30 có chức năng Art Filter với 6 lựa chọn sáng tạo. Ảnh: Hardwarezone. |
E-30 mới được giới thiệu, là model tầm trung, giúp Olympus hoàn thiện bộ sưu tập của mình. E-30 có chức năng Art Filter với 6 lựa chọn sáng tạo mà không phải dùng tới máy tính. Sản phẩm này có thể gọi là phiên bản rút gọn của chiếc E-3.
Đối tượng mà E-30 nhắm tới là người không chuyên nhưng đam mê nhiếp ảnh hay dân chơi ảnh bán chuyên.
Ngàm ống kính: ngàm 4/3.
Olympus E-3
Olympus E-3, ngọn cờ đầu trong lĩnh vực DSLR của Olympus. Ảnh: iTechnews. |
Đây chính là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực DSLR của Olympus. E-3 chứa đựng nhiều tính năng nâng cấp so với tiền nhiệm E-1. Hệ thống tự động lấy nét chữ thập kép 11 điểm được hãng này cho là hoạt động nhanh nhất thế giới. E-3 với cảm biến 12 Megapixel còn có màn hình xoay lật 2,5 inch giúp chụp được ở những góc khó. Vỏ bọc bền thời tiết giúp các nhiếp ảnh gia hoạt động được trong các môi trường khắc nghiệt.
Đây là máy dành cho dân chơi ảnh chuyên nghiệp.
Ngàm ống kính: ngàm 4/3.
Nguyễn Nhật Thanh (theo Cnet)