Máy ảnh D-SLR được tiêu thụ rất mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không nhiều người nhận ra hết các thế mạnh của dòng này và cũng không nhận thức rõ đây là một công cụ chụp ảnh nâng cao.
Thế nào là máy ảnh D-SLR?
SLR vốn là viết tắt của Single Lens Reflex (phản xạ ống kính đơn). Điều này có nghĩa là có một chiếc gương ở phía sau ống kính để phản xạ ánh sáng vào trong. Thực tế, ánh sáng phản xạ còn đi vào một lăng kính rồi tới kính ngắm. Khi bấm nút chụp, chiếc gương được rút lên để ánh sáng chiếu thẳng vào vùng nhạy sáng của máy, nơi diễn ra việc bắt hình. Trong thế giới máy phim, các phim âm bản hoặc phim trong slide được dùng làm công cụ bắt ảnh, nhưng trong máy ảnh số bộ phận bắt hình là các cảm biến CCD hoặc CMOS.
Như nguyên tắc chung của máy film SLR, các máy ảnh D-SLR cũng cho phép hoán đổi các ống kính khác nhau với máy. Điều này đối lập với dòng compact là chỉ sử dụng một ống kính cố định.
Lợi thế của máy D-SLR
Các tính năng cơ bản của máy D-SLR. Ảnh: Cnet. |
Phản xạ nhanh, trễ ngắn: Người từng dùng máy compact sẽ nhận thấy rõ nhất điều này. Sau khi các cài đặt được chọn và hình được ngắm và lên khung; bạn nhấn nút chụp nhưng phải một lúc sau máy mới có đáp ứng, một phần là do hệ thống điện tử phức tạp và bộ xử lý ảnh chậm chạp. Do đó, nhiều khi vì sự chậm trễ này mà khoảnh khắc vàng có thể bị bỏ lỡ.
Các bài liên quan |
*Doanh số máy ảnh D-SLR tăng đột biến |
*Canon, Pentax, Fujifilm đua máy D-SLR |
*Top 5 máy ảnh D-SLR cơ bản |
Nhưng các máy ảnh D-SLR lại hơn hẳn về mặt này. Khi hệ thống ngắm là kiểu quang học và không phụ thuộc vào mặt điện tử, thời gian đáp ứng nhanh hơn hẳn và trễ mở cửa trập (khoảng thời gian từ khi nhấn nút chụp tới khi ảnh chính thức được bắt hình) cũng ngắn hơn. Phản xạ của hệ thống quang học và bộ xử lý cao cấp giúp nhanh chóng bắt kịp chủ thể hoạt động, điều này được gói gọn trong cụm từ WYSIWYG (What you see is what you get), tức là “Bạn thấy trong ống ngắm thế nào thì hình ảnh chụp được sẽ như vậy”. Loại bỏ được trễ đáp ứng của hệ thống ngắm điện tử (EVF) trong máy ảnh compact là một ưu điểm lớn của máy D-SLR.
Trong phần điện tử điều khiển, máy ảnh D-SLR thường được trang bị công nghệ xử lý mới nhất nên thời gian đáp ứng nhanh hơn. Việc xử lý ảnh và viết vào thiết bị nhớ cũng nhanh hơn nhiều so với máy compact. Hơn nữa, việc xem lại và xử lý ảnh cơ bản ngay trên máy cũng tốc độ hơn.
Kích thước cảm biến lớn dần theo từng loại máy ảnh và loại tốt nhất là có kích thước trùng với cỡ phim 35 mm. Ảnh: Cnet. |
Cảm biến càng lớn càng tốt: Cảm biến ảnh của máy D-SLR càng lớn thì nhiễu điện tử càng ít nên bạn có thể dùng các mức nhạy sáng cao hơn mà không lo ngại nhiễu ảnh.
Ví dụ, hầu hết máy ảnh nghiệp dư chỉ có mức nhạy sáng tối đa là ISO 400 hoặc 800, nhưng ở đa số máy D-SLR là 1.600; 3.200, thậm chí là 6.400. ISO càng cao cho phép chụp trong nơi thiếu sáng tốt hơn; đặc biệt là ảnh hành động hoặc thể thao, cần tốc độ chụp nhanh hoặc “đóng băng” lập tức hình ảnh.
Việc lấy nét cũng nhanh chóng hơn với máy D-SLR. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các máy ảnh compact đều lấy nét chậm chạp mà khoảng cách này càng gần ở các model mới đến.
Kích thước cảm biến ảnh càng lớn chất lượng ảnh càng tốt. Cụ thể, dù lượng điểm ảnh (pixel) ít hơn, nhưng một cảm biến cỡ lớn sẽ cho dải động rộng và độ nét ảnh cao hơn. Vì vậy, mặc dù số pixel của nó làm cỡ ảnh in ra hạn chế nhưng chất lượng ảnh tạo ra bởi máy D-SLR thường là tốt hơn.
D-SLR cũng có khả năng nhớ đệm file kích thước lớn nhanh hơn. Điều này cho phép máy chụp liên tiếp tốc độ cao khi CPU còn bận xử lý các bức ảnh trước đó. Ngược lại, dòng máy ảnh compact thường chụp liên tiếp chậm vì bộ xử lý ”rùa” và bộ nhớ đệm còn mải xoá các bức trước để dành không gian cho bức tiếp theo.
Máy càng tương thích nhiều ống kính thì càng linh hoạt trong việc sáng tác. Ảnh: Photokina-show. |
Đổi ống kính linh hoạt: Việc hoán đổi ống kính giúp máy ảnh D-SLR có dải tiêu cự rộng hơn. Nhất là khi muốn chụp vô cực thì chỉ có các ống kính siêu tele hoặc ultra-wide mới đáp ứng được. Đây cũng là cách để có độ mở ống kính rộng hơn tức trường ảnh sâu (DoF) cũng như trong các điều kiện chụp nguồn sáng thấp hoặc chủ thể di chuyển nhanh. Vì cảm biến lớn hơn nên dù ống kính có độ mở tương đương, máy D-SLR cho trường ảnh sâu hơn máy ảnh nghiệp dư.
Hầu hết ống kính được thiết kế để lắp với máy phim 35 mm, nhưng cảm biến ảnh của máy kỹ thuật số thường nhỏ hơn khung phim nên ảnh hưởng tới dải tiêu cự. Đây chính là khái niệm của hệ số cắt (crop factor). Đơn cử chiếc Canon EOS 30D, nó có hệ số cắt là 1,6x, nghĩa là ống kính 100 mm trên máy D-SLR này sẽ tương đương với loại 160 mm trên máy phim 35 mm. Hệ số này càng lớn thì việc zoom xa càng tốt, nhưng bạn sẽ cần một ống kính góc rộng loại tốt để chụp toàn cảnh…
Máy càng tương thích với nhiều loại ống kính thì nó càng linh hoạt trong việc “sáng tác”. Không có sự lệ thuộc vào việc lấy nét hay chỉnh zoom trong máy, và người dùng hoàn toàn có thể tự mình canh nét nhanh chóng và chính xác. Do đó người dùng có thể một tay cài đặt và một tay lấy nét bức hình. Chỉnh tay các thông số khác cũng dễ dàng với máy D-SLR và ống kính của nó.
Ảnh RAW: Lợi ích khác của D-SLR chính là được sử dụng định dạng ảnh số RAW. Đây là định dạng ảnh đa dụng nhất trong việc điều chỉnh và hứa hẹn chất lượng ảnh ưng ý nhất, và chỉ có trong các dòng máy D-SLR và máy bán chuyên đầu bảng. Định dạng này cho phép chỉnh phơi sáng và cân bằng trắng chính xác hơn cũng như đưa ra một dải rộng lựa chọn xử lý “nguội” khi ảnh được tải về PC.
Hạn chế của máy D-SLR
Có nhiều loại ống kính cho máy D-SLR. Ảnh: Digitalsecrets. |
Tuy có nhiều thế mạnh, máy ảnh D-SLR không hẳn sẽ phù hợp với mọi giới người dùng bởi chúng cũng có những hạn chế.
Nhiều máy ảnh nghiệp dư được trang bị ống kính khẩu độ lớn tới f/2 đắt tiền, nhưng loại thường không được trang bị trên máy D-SLR. Ống kính của máy nghiệp dư còn được thiết kế riêng cho cảm biến CCD và nhìn chung thực thi tốt hơn ở các khẩu độ lớn so với các ống kính tương đương trên máy D-SLR.
Do nguyên tắc thiết kế và cấu trúc, máy D-SLR chỉ cho phép ngắm ảnh thực sau khi bấm nút chụp (trừ chiếc Olympus E-330 và các hậu duệ của nó cho phép ngắm ảnh sống với chức năng Live View), trong khi máy nghiệp dư để bạn ngắm ảnh sống qua LCD hoặc hệ thống ngắm điện tử. Vì thiết kế này mà thông thường máy ảnh D-SLR không có chức năng quay video trong khi hầu hết máy ảnh compact đều có.
Phần lớn các máy D-SLR đều to và nặng. Ảnh: Cybernetnews. |
To và nặng: Hầu hết máy ảnh không chuyên đều nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với máy D-SLR, lợi thế đặc biệt cho dân mê du lịch và chụp nghiệp dư. Ví dụ, chiếc Canon Ixus 850 IS nặng chỉ 150 gram cả pin, trong khi chiếc Canon 30D trên 700 gram với kit ống kính nhẹ nhất. Kích thước của máy D-SLR hiển nhiên cũng cồng kềnh hơn vì thân máy, ống kính và bộ phụ kiện kèm theo (pin dự phòng, ống kính hoán đổi, flash ngoài, thẻ nhớ…).
Các máy ảnh nghiệp dư (prosumer) thường có ống kính gắn cố định, nên không lo bụi bẩn lọt vào cảm biến. Còn với máy ảnh ống kính rời, bụi bẩn là vấn đề và yêu cầu phải được làm sạch thường xuyên, công việc cần thời gian và tính cẩn thận.
Chụp cận cảnh: Một máy ảnh “amateur” cho phép chụp siêu cận cảnh với ống kính cố định, trong khi máy D-SLR cần bạn sắm thêm ống kính macro đắt tiền và luôn phải mang nó bên mình. Hơn nữa, các máy ảnh “prosumer” có độ sâu trường ảnh rộng hơn và cảm biến nhỏ hơn hữu ích cho việc chụp macro. Máy ảnh nghiệp dư cũng không dùng cơ cấu gương động nên bớt đi nguồn gây rung và tiếng động như trên máy D-SLR. Vì vậy khi dùng máy “prosumer” ở tốc độ chớp sáng thấp và cầm chắc máy, bạn dễ dàng thu được bức ảnh cận cảnh của thế giới thiên nhiên nhỏ bé nhờ máy làm việc lặng lẽ.
T.B. (theo Cnet)