Nikon Coolpix S500 trông thật mạnh mẽ và cứng cáp. Ảnh: Dpreview. |
Coolpix S500 là một chiếc máy ảnh thời trang nhỏ, gọn, bắt mắt. Chiếc máy ảnh này sở hữu những nét cực kỳ độc đáo trong thiết kế, cộng thêm những tính năng thường thấy ở một chiếc điện thoại đời cao. Tuy nhiên, ngoại trừ vẻ bề ngoài và một vài tính năng lạ, chiếc Coolpix S500 không được đánh giá cao về tốc độ hoạt động và chất lượng ảnh.
Thiết kế và tính năng
Điểm đặc biệt nhất trong thiết kế và tính năng của chiếc máy ảnh này dường như chỉ là cảm biến ảnh 7 Megapixel và vỏ máy được làm từ chất liệu thép không gỉ. Thiết kế đơn giản dạng khối với vỏ ngoài bằng thép được mài vân khiến cho chiếc máy ảnh này trông khá thanh thoát và mạnh mẽ.
Vỏ máy của S500 được làm từ thép không gỉ. Ảnh: Cnet. |
Dĩ nhiên, S500 không phải là chiếc máy ảnh duy nhất có vỏ máy làm từ kim loại, nhưng đây là một trong số rất ít máy sử dụng chất liệu thép không gỉ. Khá nhiều những chiếc máy ảnh IXUS của Canon hay Cyber-shot dòng T của Sony sử dụng chất liệu nhôm cho vỏ máy. Chúng cũng có dáng vẻ rất sành điệu, nhưng không tạo sự yên tâm cho người sử dụng về độ bền.
Mặc dù có khung máy làm từ thép, nhưng tổng thể S500 vẫn khá nhỏ và nhẹ. Thân máy chỉ dày 22 mm, nặng 125 gram, là một trong những chiếc máy ảnh nhẹ nhất ra đời năm 2007. Thân hình mỏng và nhẹ của S500 mang lại sự tiện dụng rất lớn cho người sở hữu, bởi kích thước của nó có thể vừa với mọi loại túi, có thể thoải mái mang theo tới bất cứ nơi đâu.
Coolpix S500 chỉ dày 22 mm. Ảnh: Dpreview. |
Một bánh xe điều khiển dạng bấm giống như của iPod giúp S500 thực hiện các thao tác như hiển thị menu hay xem lại ảnh đã chụp trên màn hình một cách rất đơn giản và nhanh chóng. Điểm đặc biệt ở bánh xe này là người sử dụng có thể xoay tròn như ở các máy ảnh thông thường khác, cũng có thể bấm trực tiếp để lựa chọn các chế độ và chức năng khác nhau.
Ẩn chứa bên trong thân hình mượt mà và nhỏ gọn của S500 là một số tính năng vô cùng hữu ích. Máy sở hữu một màn hình LCD 2,5 inch. Ống kính của S500 có zoom quang 3x, tiêu cự 35 – 105 mm, độ mở tối đa từ f2,7 - f4,7. Máy được trang bị hệ thống ổn định ảnh, chống rung của Nikon, giúp giảm thiểu hiện tượng nhoè trong những bức ảnh chụp được.
S500 sở hữu màn hình LCD 2,5 inch. Ảnh: Letsgodigital. |
Khả năng dò tìm khuôn mặt và tự động lấy nét của S500 có thể nhận diện những gương mặt có trong khuôn hình và tự động điều chỉnh những chế độ mặc định trong khi thực hiện thao tác chụp. Độ nhạy sáng tối đa của máy cũng lên tới ISO 2000, cao hơn so với mức 1600 thường thấy ở những chiếc máy ảnh số khác.
Tốc độ hoạt động
Tốc độ trập của S500 quá chậm khiến cho khả năng thực hiện thao tác chụp của máy khá kém cỏi. Khi chụp ảnh ở điều kiện ánh sáng đầy đủ, độ tương phản cao, máy phải mất 1,1 giây mới đóng màn trập, trong khi ở điều kiện tương phản thấp, thời gian đó là gần 2 giây.
Phải mất tổng cộng 2,9 giây máy mới khởi động xong và chụp được bức hình đầu tiên. Sau đó, nếu không bật flash, trung bình chụp một kiểu phải mất 2,8 giây. Còn nếu bật flash, khoảng thời gian đó là 3,1 giây. Tuy nhiên, máy lại có khả năng chụp liên tiếp khá nhanh, khi chụp được 3 bức ảnh ở độ phân giải đầy đủ trong vòng chỉ có 1,1 giây, đạt tốc độ 2,8 khung hình/giây. Dẫu vậy, điểm yếu ở chế độ chụp liên tiếp của S500 là trong mỗi lần bấm máy, máy chỉ có thể chụp được liên tiếp 3 bức ảnh. Trong khi đó, các máy ảnh số khác có thể chụp liên tiếp được nhiều ảnh trong một lần chụp hơn.
Tốc độ thực thi của S500 khá chậm. Ảnh: Dpreview. |
Chất lượng ảnh
Mặc dù S500 có độ nhạy sáng tối đa là ISO 2000, nhưng người dùng được khuyến cáo không nên chụp ở mức ISO đó. Thậm chí ngay ở mức ISO 1600, những bức ảnh chụp được đã bị nhiễu rất nhiều. Những bức ảnh chụp ở ISO 1600 trông không khác gì những bức tranh được thêu trên thảm hoặc được vẽ bằng bút lông.
Các tin liên quan |
*P5000 - sự trở lại của Nikon |
*Coolpix S50c - 'bản sao' của S7c |
*Nikon D40x - tăng '4 chấm' |
Ở các mức ISO thấp hơn, chất lượng ảnh không tồi đến thế, nhưng vẫn bị nhiễu. Từ ISO 200, ảnh chụp được đã có nhiễu. Đến khi chụp ở ISO 400 thì khi xem ảnh trên màn hình máy tính đã thấy có nhiễu ở mức cao. Ở ISO 800, những chi tiết nhiễu phình to ra, làm màu sắc mờ đi và các chi tiết ảnh bị phá hỏng.
Nếu được chụp ở ISO thấp và trong điều kiện đầy đủ ánh sáng thì những bức ảnh thu được cho kết quả rất tốt. Các chi tiết đẹp sẽ hiện lên một cách vô cùng sắc nét, không bị ảnh hưởng bởi những chi tiết ảnh giả. Hình ảnh hiện lên sẽ có độ bão hoà cao. Dĩ nhiên, để có được kết quả này, nhất thiết phải chụp ở độ nhạy sáng thấp.
Chất lượng ảnh chụp từ S500 cũng đáng thất vọng. Ảnh: Letsgodigital. |
Nhìn chung, thân máy chế tạo từ thép không gỉ và bánh xe điều chỉnh có thể bấm trực tiếp là hai điểm mạnh ở một chiếc máy ảnh số bỏ túi, nhưng chừng đó là chưa đủ để khoả lấp những thiếu sót của chiếc Coolpix S500. Tốc độ chụp hình quá chậm. Hơn thế, ảnh bị nhiễu quá nhiều ngay ở mức ISO 400 là những nhược điểm không thể chấp nhận được. Có thể trong điều kiện ánh sáng tốt và tốc độ chậm, máy sẽ cho những bức ảnh khá đẹp, nhưng không thể chờ đợi nhừng bức ảnh đẹp với tốc độ chụp nhanh và trong điều kiện ánh sáng yếu từ chiếc máy ảnh này.
Giá tham khảo: 350 USD.
Anh Linh (theo Cnet)