Tiếp theo phần 1 và phần 2, phần 3 và cũng là phần cuối cùng của loạt bài chọn mua máy ảnh sẽ bàn về các yếu tố cần quan tâm bao gồm cân bằng trắng, khả năng quay phim, zoom, hệ thống ổn định ảnh.
Cân bằng trắng
Thực ra đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong nhiếp ảnh. Cân bằng trắng là việc căn chỉnh sao cho màu trắng trên hình đúng nhất với màu trắng mà mắt người cảm nhận được. Cân bằng trắng sẽ làm thay đổi toàn bộ màu sắc của bức ảnh và nhiệm vụ của người chụp là làm sao cho tổng thể màu sắc đúng với thực tế nhất. Quá trình này được thực hiện ngay sau khi ảnh được định màu trên bộ xử lý ảnh.
Sử dụng cân bằng trắng ra sao sẽ quyết định đến chất lượng của bức ảnh. Các máy ảnh hiện nay mặc định sẽ để cân bằng trắng tự động (Auto White Balance – AWB). Với các thuật toán được lập trình sẵn, máy ảnh sẽ phân tích và định ra cân bằng trắng tốt nhất cho bức hình. Hiện nay AWB đáp ứng hầu hết các nhu cầu sử dụng tuy nhiên máy móc không phải lúc nào cũng đúng và đó là lúc bạn phải can thiệp vào. Trước hết là các tùy chọn cân bằng trắng theo hoạt cảnh tức là máy lập trình sẵn một số chế độ cân bằng trắng như ánh sáng ban ngày, chụp trời mây, chụp ánh đèn huỳnh quang,… Thiết lập nâng cao là sử dụng Custom White Balance.
Về cân bằng trắng, chúng tôi đã có một bài viết khá chi tiết về vấn đề này. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Khả năng quay phim
Tính đến thời điểm hiện tại, đây không phải là một yếu tố quá quan trọng vì…hầu hết máy ảnh hiện nay đều được tích hợp tính năng quay phim. Cũng đã từ lâu rồi với những người dùng máy du lịch thì mặc định máy ảnh sẽ có chức năng quay phim.
Khi đến các thiết bị cao cấp hơn là máy SLR thì mọi chuyện lại khác. Bạn sẽ phải đầu tư một thiết bị tương đối nếu muốn quay phim trên nó và học cách kiểm soát. Đầu tiên là một thiết bị cồng kềnh, khối lượng không hề nhỏ (kèm ống kính) thì việc giữ trên tay để quay liên tục sẽ không phải là ý kiến hay (chưa tính đến yếu tố rung, thẩm mỹ). Bạn cũng phải làm quen với việc vừa quay phim, vừa điểu chỉnh zoom và lấy nét. Hơn thế, cớ chế lấy nét tự động khi quay cũng khá ồn áo do motor của ống kính. Tuy nhiên quay phim trên SLR cũng mang lại hiệu quả ấn tượng. Bạn sẽ có một kiệt tác với bokeh tròn lộng lẫy hay làm chủ thể trở nên nổi bật hơn khi làm mờ sau đó lấy nét. Nếu quan tâm đến tính năng quay phim thì chiếc Canon 60D và ống kính góc rộng sẽ là lời khuyên cho bạn.
Zoom (độ phóng đại)
Zoom là một khái niệm đơn giản và sử dụng rất phổ biến. Nó có nghĩa là mang vật thể lại gần người chụp mà không cần phải di chuyển nhưng vẫn đảm bảo tính toàn vẹn của bức hình. Zoom được thể hiện bằng hệ số phóng đại X (lần). Một ống kính 28mm và có zoom tối đa 10x sẽ đưa vật thể lại gần hơn (280mm). Như vậy số X càng lớn thể hiện khả năng phóng đại hình ảnh càng cao.
Tuy nhiên bạn sẽ gặp phải những trở ngại với máy ảnh zoom lớn thì khó có khả năng ổn định hình ảnh khi ở cực đại. Cũng như đã nói từ đầu về ống kính máy ảnh, bạn sẽ phải hi sinh điều gì đó để nhận lại, ở đây zoom sẽ hi sinh chất lượng quang học của ống kính.
Với máy ảnh SLR và ống kính thay thế bạn sẽ khó zoom hơn thay vì dùng phím bấm như trên máy compact. Bạn sẽ phải làm quen với việc zoom sao cho mượt mà nhưng vẫn kiểm soát được hình ảnh. Và zoom trên máy SLR thì hoàn toàn phụ thuộc vào ống kính bạn sử dụng chứ không hề có tác động từ máy.
Cũng phải nói thêm về vấn đề “zoom kỹ thuật số”. Thực chất nó là việc bạn phóng to bức hình lên bằng cách cắt xén lại khung hình. Các nhà sản xuất thường nói đến zoom kỹ thuật số bằng cách nhân các điểm ảnh lên để đảm bảo độ nét nhưng tất cả chỉ là lời quảng cáo. Bạn có thể làm điều này tốt hơn trên một chiếc máy tính với các phần mềm chuyên dụng thay vì phó mặc cho chiếc máy ảnh trong lòng bàn tay. Vì vậy hãy bỏ qua thông số zoom kỹ thuật số khi chọn mua máy ảnh, tôi chắc chắn nó chẳng có ý nghĩa gì với bạn.
Hệ thống ổn định ảnh
Ổn định ảnh được nhắc đến trong bài là hệ thống ổn định quang học IS (Image Stabilization). Nếu yếu tố gây rung đến bức hình thì hệ thống sẽ tạo ra một chuyển động nhỏ theo hướng ngược lại nhằm triệt tiêu. Mỗi hãng sản xuất lại có một ký hiệu về tính năng nay ví dụ như Nikon là Vibration Reduction cho phép chụp ảnh ở tốc độ thấp hơn. Chẳng hạn bình thường bạn chụp ở tốc độ 1/40 thì với việc trang bị VR chất lượng chụp ảnh tại 1/25 cũng cho chất lượng tương đương. Bạn có thể bắt gặp thông số này ở Canon là IS hay OIS (Optical Image Stabilizer) hay Panasonic là MegaOIS.
Sony và Olympus lại xây dựng hệ thống ổn định ảnh vào bên trong thân máy DSLR của mình làm đơn giản hóa thiết kế ống kính và có thể yên tâm sử dụng bất kỳ ống kính nào. Dù được thực hiện theo cách nào, tính năng ổn định hình ảnh cũng là cần thiết khi bạn cần chụp ảnh ở tốc độ cao, chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng và nhất là dùng với một ống zoom lớn.
Tổng kết
Chọn mua một thiết bị công nghệ chẳng bao giờ là dễ dàng cả và máy ảnh cũng không phải là ngoại lệ. Vấn đề ở đây ngoài việc kiến thức bạn có được thì cũng rất khó để quyết định bởi đôi khi biết nhiều bạn lại càng cố gắng đi tìm kiếm sự hoàn hảo. Cuối cùng để quyết định chọn chiếc máy ảnh nào hãy dựa vào những gì bạn đang có và bạn cần.
Nếu bạn cần một thiết bị nhỏ gọn và cồng kềnh thì DSLR không phải lựa chọn của bạn rồi. Hãy thử nghĩ đến những chiếc máy ảnh không gương lật như Panasonic GX1 hay thậm chí là một máy PnS như Canon S110. Bạn cũng thử suy nghĩ xem mình có thật sự cần một máy ảnh hay đơn giản là chiếc điện thoại chụp hình tốt. Nếu vậy hãy chắc chắn rằng bạn chọn được một thiết bị chụp hình tốt như Nokia Lumia 1020 hay iPhone 5. Xét về DSLR hiện tại, mức giá cũng đã phù hợp hơn với nhiều đối tượng và những gì nó mang lại có lẽ không phải bàn cãi nhiều: chất lượng hình ảnh, kiểm soát các chế độ chụp và hệ thống ống kính chất lượng, phong phú.
Sẽ là chiếc máy ảnh phù hợp với bạn nếu bạn cảm thấy hài lòng. Những bức ảnh chất lượng có thể đến từ bất kỳ thiết bị nào vị vậy hãy cẩn thận với những lời quảng cáo vì không phải lúc nào nhiều tiền và số “chấm” lớn cũng mang lại kết quả như mong muốn. Hơn tất cả, hãy để cảm xúc của bạn hòa vào nhiếp ảnh.
Chúc bạn chọn được chiếc máy ảnh như mong muốn!
Theo Genk.vn
Có thể bạn quan tâm: