Nikon D5000 mang linh hồn của D90. Ảnh: Mydigitallife. |
Một cách vắn tắt, Nikon D5000 mang linh hồn của D90 - cảm biến CMOS, bộ vi xử lý và thuật toán xử lý tân thời, cơ phận đo nét multi-cam1000… giúp tăng cường các tính năng chuyên nghiệp như lấy nét nhanh và chính xác, cho chất lượng hình rất đẹp và dĩ nhiên, cả khả năng quay phim HD. Đồng thời chiếc máy ảnh này lại có tính năng thời thượng của máy compact - nhận diện khuôn mặt, khóa nét và bám theo chủ thể. Chức năng chỉnh sửa hình ngay trong máy rất phong phú. Màn hình xoay lật tiện cho chụp và quay ở những góc khó…, rất phù hợp với người dùng nghiệp dư.
Những người chuẩn bị sắm cho mình một chiếc máy ảnh hầm hố sẽ không thể không so sánh D5000 với những ứng cử viên khác trong "tầm ngắm" như Nikon D60, Nikon D90, Canon 500D, Panasonic GH1 và cũng có thể là Olympus E620.
So sánh với các đối thủ
Nikon D60 và ống kit 18 -55VR. Ảnh: Ermany. |
Bộ kit D5000 mang ống kính 18-55VR tương tự của Nikon D60 với cảm biến chuyển từ CCD sang CMOS, độ nhạy sáng tăng gấp đôi, tốc độ chụp lên tới 4 hình mỗi giây, thay vì 3 hình. Hệ thống tự động lấy nét phức tạp hơn (11 điểm thay vì 3 điểm). Màn hình rộng và xoay linh hoạt, bên cạnh khả năng nhận diện khuôn mặt và nhận dạng cảnh tốt. Máy có chế độ Live View, quay phim, cổng HDMI và có thể gắn thêm thiết bị định vị toàn cầu GPS để ghi lại tọa độ ảnh chụp.
Dĩ nhiên, nếu bạn không quan tâm đến những tính năng trên mà chỉ cần một chiếc DSLR khởi điểm đơn giản thì D60 hoặc D40x hay D40 vẫn là một lựa chọn tốt hơn, đặc biệt, giá của chúng còn hợp lý hơn khi D5000 được tung ra bán đại trà.
D5000 thấp hơn D90 một bậc. Ảnh: Uncrate. |
Nếu với D90 thì D5000 thấp hơn một bậc, nhưng lại thừa hưởng khá nhiều phẩm chất của D90 như cùng cảm biến, cùng hệ thống lấy nét, cùng khả năng Live View và quay phim, đều có các đường kẻ grid-line giúp bố cục tốt hơn và có thể gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS.
Thế nhưng, chiếc DSLR entry-level lại hơn "đàn anh" của mình ở màn hình xoay lật, khả năng nhận dạng cảnh chụp. D90, bù lại, ăn điểm ở ống ngắm quang sử dụng lăng kính 5 mặt sáng hơn, có độ phóng đại lớn hơn hẳn (0,94x thay vì 0,78x ở D5000). Màn hình 3 inch độ phân giải rất cao 920 nghìn điểm ảnh. Tốc độ chụp liên tiếp nhanh hơn, pin lâu hơn và có thể gắn tay nắm rời (grip).
Ngoài ra, D90 có màn hình phụ và bộ khung vững, những yếu tố mà D5000 chưa đạt được, nếu không kể thêm motor lấy nét ở D90 có thể tự động lấy nét được với cả các ống kính AF đời cũ.
Canon EOS 500D hơn D5000 ở nhiều điểm. Ảnh: Letsgodigital. |
Với đối thủ Canon EOS 500D, chiếc máy mới của Nikon thua ở độ phân giải (500D là 15,1 Megapixel, thay vì 12,3 ở D5000), ISO tối đa gấp đôi, độ sâu màu 14 bit thay vì 12 bit, độ phóng đại trên ống ngắm quang lớn hơn (0,87x thay vì 0,78x), quay phim Full HD 1080p (nhưng bị giới hạn ở 20 khung hình mỗi giây ở độ phân giải 1080p. Màn hình của Canon 500D có độ phân giải cao hơn và màn hình 3 inch có độ phân giải cao hơn (920 nghìn điểm) và sửa tối góc ngay trong máy. Nhiều người lại thích chuẩn quay của H.264 của Canon với 30 khung hình mỗi giây, nhưng Nikon quay phim cũng không phải là không có điểm mạnh.
D5000 ưu điểm ở màn hình xoay, tốc độ chụp nhanh hơn một chút (4 hình thay vì 3,4 hình một giây), hệ thống lấy nét 11 điểm tinh tế hơn, sửa viền tím ngay trong máy và nhiều chế độ đặt sẵn thuận lợi cho người mới sử dụng. Một số lại người thích chuẩn phim Motion JPEG bởi nó dễ chỉnh sửa hơn chuẩn H.264. của Canon
Có thể cho rằng Canon EOS 500D nhỉnh hơn D5000 một chút. Nhưng thực tế Nikon D5000 sẽ không hề thua kém bởi thêm một chút độ phân giải chưa thể khẳng định chất lượng ảnh tốt hơn. Vả lại, chế độ quay phim Full 1080p HD của Canon lại chỉ được 20 khung hình mỗi giây.
Panasonic GH1 không có gương lật như D5000. Ảnh: Displayblog. |
Tuy về mặt kỹ thuật, Panasonic GH1 không phải là DSLR bởi không có gương lật, nhưng với cảm biến lớn như DSLR, ống kính hoán đổi được, màn hình xoay linh hoạt và tính năng quay phim chuyện nghiệp, đây là đối thủ rất nặng ký cho những ai đặt nặng tính năng quay. Ngoài ra, chiếc máy này với cảm biến lớn còn cho phép chuyển tỷ lệ khung hình 4:3, 3:2 hoặc 16:9 linh hoạt.
Lợi điểm về phía D5000 gồm cảm biến lớn hơn (23,6 x 15,8 mm so với 17,3 x 13 mm của GH1 ở tỷ lệ 4:3). Tốc độ chụp liên tiếp nhanh hơn (4 thay vì 3), độ nhạy sáng tối đa gấp đôi (6400 ISO thay vì 3200 ISO). Pin tốt trong trường hợp không bật live view và có thêm tùy chọn GPS. Ngoài ra, số lượng ống kính sẵn có của Nikon cũng đã dạng hơn.
Với mức giá chỉ nhỉnh hơn những mẫu DSLR khởi điểm một chút, nhưng với hàng loạt các tính năng thời thượng, Nikon D5000 đang khẳng định một điều, sự tiện dụng và chất lượng hình vẫn có thể đi song hành. Đương nhiên, chiếc máy này đang nằm trong “vòng lấy nét” của rất nhiều khách hàng tiềm năng.
Nguyễn Nhật Thanh
* Xem các bài về Nikon D5000.