Khi giới thiệu ra thị trường mẫu máy ảnh số ống kính rời đầu tiên mang tên Lumix DMC-L1, Panasonic đã đặt rất nhiều hy vọng vào chiếc camera này, nhưng rốt cuộc thứ mà họ nhận được lại là một sự thất vọng tràn trề. Với việc tung ra L10 trong năm nay, Panasonic đã thể hiện quyết tâm lấy lại hình ảnh đã mất. Nói một cách ví von, nếu L1 thể hiện sự rón rén của Panasonic khi nhúng chân vào thị trường máy ảnh số ống kính rời, thì L10 đã cho thấy những bước đi mạnh dạn hơn, tự tin hơn của hãng máy ảnh mới nổi này. Tuy nhiên, L10 sẽ thành công hay thất bại, câu hỏi đó vẫn còn cần phải chờ thời gian mới có được câu trả lời.
Lumix DMC-L10 là mẫu D-SLR thứ 2 của Panasonic. Ảnh: Fotoaparat. |
Panasonic tự nhận L10 là một model D-SLR tầm thấp (entry-level), do đó, ngoại hình của máy cũng được thiết kế với mục đích phục vụ tối đa nhu cầu của những người dùng phổ thông. Máy được trang bị màn hình LCD có thể lật ra và xoay 270 độ, hỗ trợ tính năng ngắm ảnh sống qua màn hình. Cách bố trí các phím bấm cũng khá giống với những chiếc máy ảnh siêu zoom hay những mẫu máy compact thông thường. Phần lớn các phím được đặt ở bên phải thân máy, giúp người dùng dễ dàng thao tác với ngón tay cái và ngón trỏ.
Giống với những mẫu D-SLR mới được tung ra thị trường trong thời gian gần đây, phần tay cầm của L10 khá ngắn. Tuy nhiên, phần dành cho ngón giữa được Panasonic thiết kế hơi lõm vào một chút, trong khi ở mặt sau máy cũng có một khu vực được viền cao su, dành riêng cho ngón tay cái, mang lại cảm giác vô cùng chắc chắn cho người dùng khi cầm máy.
Bên cạnh các phím bấm, L10 còn có hai bánh xe điều khiển, bánh trước để điều chỉnh độ mở trong chế độ chỉnh tay, bánh sau dùng để điều chỉnh tốc độ trập. Ở những chiếc D-SLR chỉ có một bánh xe điều chỉnh, nếu muốn thay đổi độ mở và tốc độ trập trong chế độ chỉnh tay, người dùng sẽ phải thao tác khá khó khăn và phức tạp hơn. Tuy nhiên, một điều rất đáng ngạc nhiên ở Panasonic L10 là chiếc máy này không được trang bị tính năng chỉnh tay bù độ phơi sáng.
Các phím điều khiển được bố trí giống với ở những mẫu máy compact. Ảnh: Letsgodigital. |
Do nhắm tới đối tượng khách hàng là những người mới chuyển sang dùng D-SLR nên Panasonic trang bị cho mẫu máy mới của mình khá nhiều tính năng quen thuộc. Một trong số đó là tính năng ngắm ảnh sống qua màn hình (live view), giống với ở những mẫu máy ảnh compact. Nhờ đó, người dùng sẽ không còn cảm thấy quá bỡ ngỡ và khó khăn như thường gặp khi phải sử dụng kính ngắm.
Trong chế độ ngắm ảnh sống, L10 có hai cách lấy nét tự động: dựa trên độ tương phản và dựa trên độ lệch pha. Khi sử dụng máy với ống kính Leica D Vario-Elmar 14 - 50 mm, f3,8 - f5,6, hoặc những ống kính tương đương tận dụng từ đời L1, máy sẽ lấy nét dựa vào độ tương phản. Nếu sử dụng loại ống kính khác, máy sẽ tự động chuyển sang chế độ lấy nét tự động dựa trên độ lệch pha, cơ chế mà máy thường sử dụng khi thực hiện chụp thông qua kính ngắm.
Màn hình của Panasonic L10 có khả năng lật, xoay 270 độ. Ảnh: Macnn. |
Hệ thống dò tìm mặt ở chiếc máy ảnh này chỉ có trong chế độ live view và đòi hỏi máy phải lấy nét dựa trên độ tương phản. Do đó, người dùng buộc phải sử dụng một trong hai loại ống kính kể trên nếu muốn máy tự động dò tìm mặt. Có thể, trong tương lai sẽ có thêm nhiều mẫu ống kính mới tương thích với chế độ live view, nhưng nếu xét ở thời điểm hiện tại, việc bị hạn chế về ống kính đã làm giảm khá nhiều điểm của L10 trong con mắt người tiêu dùng. Dẫu vậy, chế độ live view của Panasonic L10 có hiệu quả hoạt động khá cao, tuy rằng các bức ảnh chụp bằng chế độ này vẫn bị nhiễu hơn so với khi sử dụng kính ngắm.
Cũng giống như những thế hệ D-SLR entry-level mới, L10 đã được Panasonic loại bỏ màn hình phụ, thường dùng để hiển thị trạng thái máy. Thay vào đó, người dùng có thể biết được những thông số cài đặt của máy thông qua màn hình LCD chính.
Khi xem lại ảnh, L10 cũng cho phép người dùng có thể sử dụng zoom tự động. Sau khi trên màn hình hiển thị bức ảnh bạn vừa chụp xong, nếu được cài chế độ zoom tự động, máy sẽ tự động phóng to bức ảnh lên 4 lần, giúp bạn kiểm tra ảnh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chế độ zoom tự động này có nhược điểm là chỉ phóng đại điểm ở giữa bức ảnh, mà đây lại thường không phải là vị trí tốt nhất để có thể kiểm tra xem máy đã lấy nét chuẩn hay chưa. Thay vào đó, người dùng có thể sử dụng chế độ zoom thông thường, cho phép phóng đại bức ảnh lên mức 16x và có thể di chuyển tới tất cả các vị trí trong bức ảnh.
Ống kính tương thích với L10 có định dạng 4:3. Ảnh: Shutterphoto. |
Mặc dù L10 là một chiếc máy ảnh sử dụng định dạng 4:3, tương thích với tất cả các loại ống kính 4:3 của Olympus cũng như của các nhà sản xuất ống kính khác như Sigma hay Tamron, nhưng Panasonic lại chỉ bán L10 đi kèm với ống kính chứ không bán riêng thân máy. Tuy chiếc ống kính đi kèm có chất lượng rất tốt, nhưng nhiều người dùng vẫn thích được mua mình thân máy hơn.
L10 cũng được Panasonic trang bị cho khá nhiều chế độ cảnh mặc định. Đặc biệt, máy còn có tính năng hướng dẫn người dùng. Theo đó, khi người dùng cuộn con trỏ tới vị trí của bất kỳ chế độ nào thì ngay lập tức, trên màn hình sẽ hiện ra những chỉ dẫn về cách chụp sao cho có được những bức ảnh đẹp nhất. Ví dụ, với chế độ chụp chân dung ban đêm (Night Portrait), máy sẽ đưa ra hướng dẫn hết sức ngắn gọn là: "người chụp phải giữ chắc máy, vật thể cần chụp cũng phải ngồi yên trong vòng ít nhất là 1 giây".
Panasonic L10 được bán kèm với một ống kính Leica. Ảnh: Dpreview. |
Khi chụp qua kính ngắm, tốc độ hoạt động của Lumix DMC-L10 khá tốt, nhưng không quá ấn tượng. Máy cần tới 0,8 giây để khởi động và chụp xong bức ảnh đầu tiên, trong khi con số đó ở Nikon D40x chỉ là 0,2 giây. Tốc độ chụp trung bình của máy là 0,8 giây một ảnh trong trường hợp không dùng flash, và 1,1 giây khi bật đèn flash. Tốc độ chụp các bức ảnh RAW cũng tương tự như trên. So với các đối thủ cùng tầm, tốc độ như vậy không vượt trội hơn, thậm chí là còn chậm hơn một chút.
Tốc độ trập của máy đo được trong điều kiện độ tương phản cao, nhiều ánh sáng là 0,5 giây, còn trong điều kiện ngược lại là 1,3 giây. Tuy nhiên, đôi khi L10 không thể lấy nét được trong điều kiện ánh sáng yếu. Vì vậy, tuy tốc độ trập 1,3 giây không phải là kém, nhưng nhiều lúc người dùng vẫn sẽ cảm thấy thất vọng bởi máy không thể tự động lấy nét trong những tình huống mà người chụp cũng không thể tự mình lấy nét bằng tay.
Panasonic L10 có hai chế độ chụp liên tiếp, bao gồm một chế độ 2 hình/giây và một chế độ 3 hình/giây. Trên thực tế, khi sử dụng chế độ 3 hình/giây, tốc độ của máy đo được còn cao hơn, lên tới 3,1 hình/giây, nhưng như thế cũng chỉ được đánh giá ngang bằng với các đối thủ cùng tầm.
Tốc độ hoạt động và chất lượng ảnh của L10 không vượt trội hơn các đối thủ cùng tầm. Ảnh: Letsgodigital. |
Chất lượng những bức ảnh chụp bởi DMC-L10 rất tốt, với khả năng tái tạo màu sắc chuẩn và hệ thống cân bằng trắng tự động làm việc rất hiệu quả. Các bức ảnh chụp dưới ánh sáng mạnh, ánh sáng mặt trời hay thậm chí là dưới ánh sáng đèn huỳnh quang có độ trung hòa màu rất cao. Tuy nhiên, giống với Olympus E-510 và E-410, Panasonic Lumix DMC-L10 thường phơi sáng không chuẩn khi sử dụng chế độ chụp tự động hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc, các chi tiết bóng thường bị biến mất, tuy rằng sau đó có thể khôi phục lại bằng cách sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh. Tuy nhiên, nếu người dùng tự chỉnh độ phơi sáng, vấn đề trên sẽ được giải quyết một cách dễ dàng.
Các tin liên quan |
*Panasonic FZ18 - máy ảnh compact 'hạng nặng' |
*Chiếc D-SLR thứ hai của Panasonic |
*Panasonic sản xuất máy ảnh D-SLR giá thấp |
Panasonic Lumix DMC-L10 cũng có khả năng kiểm soát nhiễu rất tốt, dẫu cho ở mức ISO cao nhất là 1.600, ảnh chụp được không tránh khỏi việc bị nhiễu, nhất là khi chụp dưới ánh sáng màu vàng quá nóng của đèn vonfram. Tuy nhiên, có một điều mà Panasonic cần lưu ý, đó là dù cho L10 là một model entry-level, nhưng hãng cũng nên trang bị cho máy một mức ISO cao hơn, như 3.200 chẳng hạn.
Tóm lại, Panasonic Lumix DMC-L10 rất giống với chiếc Olympus E-510. Cả hai đều được trang bị cảm biến LiveMOS, do đó đều có tính năng ngắm ảnh sống qua màn hình LCD. Cả hai cũng có tốc độ hoạt động và chất lượng ảnh tương đương nhau. Tuy nhiên, sản phẩm của Panasonic được xếp cao hơn một chút về thiết kế body và màn hình có khả năng xoay, lật. Nếu giá cả không phải là vấn đề, thì bạn nên chọn Panasonic Lumix DMC-L10.
Giá tham khảo: 1.304 USD.
Anh Linh (theo Cnet)