S1050 khiến nhiều người thất vọng với tốc độ và chất lượng ảnh. |
Thông thường, khi mua máy ảnh, việc bỏ ra một khoản tiền lớn hơn cũng đồng nghĩa với việc sẽ nhận được một chiếc camera mạnh mẽ hơn về tính năng, với tốc độ chụp nhanh hơn và chất lượng ảnh đẹp hơn. Tuy nhiên, điều đó không hề đúng một chút nào trong trường hợp của Samsung S1050. Với giá tiền cao hơn và độ phân giải của cảm biến lớn hơn S850, nhiều người mong đợi chiếc máy ảnh mới sẽ ưu việt hơn so với đời trước. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, đó hoàn toàn chỉ là ảo tưởng.
Thiết kế
Samsung S1050 có vẻ bề ngoài gần giống với người anh em S850. Trên thân hình vuông vức, chắc chắn của máy, ống kính nhô ra khá nhiều, giống như đã từng thấy ở NV5 và NV7 OPS, dẫu cho độ nhô ra của ống kính ở chiếc máy ảnh dòng S này không nhiều bằng hai sản phẩm thuộc dòng NV. Các phím bấm của S1050 được thiết kế khá nhỏ và gần như không gồ lên một chút nào so với bề mặt sau của máy. Mặc dù vậy, khoảng cách giữa các phím có vẻ như vẫn không đủ rộng để có thể tạo ra sự thoải mái tuyệt đối cho những người có ngón tay to.
Ống kính của máy nhô ra khá nhiều. Ảnh: Cnet. |
Một bánh xe điều khiển ở mặt trên của máy cho phép người sử dụng có thể lựa chọn tất cả các chế độ chụp. Tuy nhiên, bánh xe này khá trơn, rất dễ khiến cho người dùng vô tình chuyển sang chế độ chụp khác khi đang cầm máy theo chiều dọc để ngắm và thực hiện thao tác chụp hình.
Tính năng
Giống như S850, chiếc S1050 này sở hữu một số tính năng phù hợp với những người chụp đã có chút ít kinh nghiệm, như các chế độ chụp program, ưu tiên độ mở, ưu tiên màn trập và các tính năng tùy chỉnh độ phơi sáng. Samsung S1050 cũng được trang bị một ống kính 38 – 190 mm, tương đương zoom quang 5x, giúp tăng khả năng chụp xa nhưng lại hơi hạn chế trong chụp góc rộng.
Hệ thống ổn định ảnh điện tử mang tên Advanced Shake Reduction của Samsung S1050 có thể tự động tăng độ nhạy sáng và tăng tốc độ trập để đảm bảo chất lượng cho những bức ảnh sử dụng zoom xa hay chụp những vật thể đang chuyển động. Trong một số trường hợp cụ thể, công nghệ này cho thấy hiệu quả khá cao, nhưng vẫn không thể sánh được với hệ thống ổn định ảnh quang hoặc ổn định ảnh kiểu cơ.
Ống kính của S1050 có zoom quang 5x. Ảnh: Cnet. |
Bên cạnh việc tăng độ phân giải từ 8 lên 10 Megapixel, S1050 còn có nhiều cải tiến khác so với S850. Màn hình của S1050 có đường chéo 3 inch, trong khi S850 chỉ được trang bị màn hình 2,5 inch. Chiếc màn hình LCD cỡ lớn này vô cùng hữu ích, trong bối cảnh mà S1050 không được Samsung trang bị cho kính ngắm quang. Không những thế, chiếc máy ảnh mới còn không có khả năng tự động lấy nét nhờ cơ chế dò tìm mặt, hay khả năng tự động điều chỉnh độ phơi sáng.
Dẫu vậy, các chế độ chụp AF/AE ở chiếc máy ảnh này vẫn có thể giúp ích khá nhiều trong những trường hợp chụp đông người như chụp ảnh gia đình, đặc biệt là khi vị trí đứng và góc chụp không thuận lợi. Trong những tình huống như vậy, hệ thống tự động lấy nét hoặc hệ thống đo tiêu cự thường không nhận diện được hết tất cả các khuôn mặt có trong khung hình, mà chỉ có thể tập trung vào những điểm gần trung tâm, và lấy nét ở điểm gần nhất mà chúng có thể nhận ra. Hệ thống dò tìm mặt ở Samsung S1050 hoạt động với hiệu quả khá cao, nhưng vẫn gặp khó nếu chụp trong điều kiện thiếu sáng, thậm chí trong một số trường hợp, máy còn không thể nhận ra bất cứ một khuôn mặt nào có trong khung hình.
S1050 có màn hình LCD 3 inch. Ảnh: Cnet. |
Hoạt động
Xét về tốc độ hoạt động, S1050 bị mất điểm khá nhiều do thời gian chờ giữa hai lần chụp và trễ mở cửa trập quá lâu. 2,4 giây để khởi động và chụp xong bức ảnh đầu tiên đã là chậm, nhưng tốc độ chụp sau đó của S1050 còn đáng thất vọng hơn nhiều. Trung bình, nếu không bật flash, cứ 3,1 giây, máy mới chụp xong được một bức ảnh. Còn nếu bật flash, khoảng thời gian này tăng lên mức 4,6 giây.
Tốc độ trập có khá khẩm hơn chút ít, với khoảng thời gian từ khi bấm máy cho tới khi máy thực hiện chụp, trong điều kiện độ tương phản cao là 0,9 giây. Ngược lại, nếu độ tương phản thấp, khoảng thời gian đó tăng lên mức 1 giây. Đây là một trong những điểm đáng được biểu dương ở chiếc máy ảnh Samsung này, khi mà tất cả các thông số khác về tốc độ đều rất chậm.
Các tin liên quan |
*Samsung 10 chấm giá vừa |
*Samsung GX-10 cho ảnh đẹp |
*Samsung Digimax S600 |
Trong chế độ chụp liên tiếp, S1050 có thể chụp được 9 bức ảnh ở độ phân giải 10 Megapixel trong 10,9 giây, tương đương với tốc độ vừa phải 0,83 khung hình/giây. Nếu so với người anh em S850 có độ phân giải 8 Megapixel, S1050 tỏ rõ sự yếu thế, khi mà S850 có thời gian đóng cửa trập là 0,5 giây và tốc độ chụp trung bình 2,1 giây/bức ảnh. Có thể nhiều người cho rằng, độ phân giải cao của S1050 cũng là một tác nhân khiến cho tốc độ của máy giảm xuống. Nhưng ngay cả khi so với những đối thủ 10 Megapixel khác như Casio Exilim EX-Z1050 và Kodak EasyShare V1003, tốc độ của S1050 vẫn không khá hơn là bao.
Tốc độ hoạt động của S1050 là một nỗi thất vọng lớn. Ảnh: Cnet. |
Chất lượng ảnh
Chất lượng ảnh chụp bởi Samsung S1050 cũng rất đáng thất vọng, khi nhiễu đã xuất hiện ngay từ mặc định độ nhạy sáng thấp nhất là ISO 80. Dẫu cho những chi tiết nhiễu ấy chỉ được phát hiện khi xem ảnh trên màn hình máy tính, còn trong các bức ảnh in ra, mắt thường không thể nhìn thấy, thì việc có nhiễu ngay từ ISO 80 cũng là điều không thể chấp nhận được, với một model máy ảnh mới ra. Không dừng lại ở đó, sự thất vọng về chất lượng ảnh tiếp tục tăng lên khi đến ISO 400, mắt thường cũng đã có thể nhìn thấy nhiễu trong những bức ảnh in. Đến ISO 800 và ISO 1.600, bức ảnh trông không khác gì màn hình TV khi không có tín hiệu.
Tệ hơn nữa, chính lượng nhiễu nhiều đã khiến cho khả năng tái tạo màu sắc trong các bức ảnh của S1050 kém một cách kinh ngạc. Thông thường, một trong những lợi ích lớn nhất của độ phân giải cao chính là khả năng in được những bức ảnh cỡ to với chất lượng tốt. Nhưng điều đó không đúng trong trường hợp của S1050. Ảnh cỡ to dường như là một thứ xa xỉ đối với chiếc máy ảnh Samsung này. Khi so với S850, dù có độ phân giải thấp hơn, nhưng lượng nhiễu ít vẫn cho phép người dùng chiếc máy ảnh này có thể in ra những bức ảnh xem được ở những kích cỡ mà ảnh chụp bởi S1050 đã bắt đầu bị hỏng.
Ngay từ ISO 80, nhiễu đã xuất hiện trong các bức ảnh chụp bởi S1050. Ảnh: Pma-show. |
Lượng nhiễu nhiều của S1050 còn tạo ra khá nhiều tua, diềm trong các bức ảnh chụp được. Mép của các vật thể có độ tương phản cao, như một tòa nhà màu xám trên nền trời xanh, hay một mảnh giấy trắng trên mặt bàn màu tối, trông nhợt nhạt hơn về màu sắc và không được sắc nét. Những tua, diềm này có thể làm nhiều người cảm thấy phát ngán, nhưng so với lượng nhiễu, thì nỗi thất vọng đó cũng chưa thấm vào đâu.
Tóm lại, Samsung S1050 đã cho thấy sự thua kém hoàn toàn so với người anh em S850 trong hầu hết tất cả các mặt. Cho dù có độ phân giải lớn hơn, màn hình rộng hơn và tính năng dò tìm mặt tiên tiến, nhưng những điểm yếu của nó đáng thất vọng hơn rất nhiều so với S850. Những bức ảnh chụp được bị nhiễu nhiều hơn, tốc độ chụp chậm hơn, trong khi giá thành lại đắt hơn S850. Nếu muốn sở hữu một chiếc máy ảnh giá rẻ với những tính năng tùy chỉnh độ phơi sáng, có lẽ S850 đáng được lựa chọn hơn.
Anh Linh (theo Cnet)