Sản phẩm là thành quả của sự hợp tác giữa công ty SM Instrument và Giáo sư Suk-Hyung Bae đến từ Viện khoa học và Công nghệ cao Hàn Quốc. Mẫu camera hình ngũ giác seesv-s205 trọng lượng khoảng 1,78 kg này được trang bị 3 tay cầm ở mặt sau cho phép người dùng sử dụng chỉ với một tay khá dễ dàng. Mặt trước camera là một hệ thống 30 micro độ nhạy cao (có tác dụng dò tìm các nguồn âm thanh khác nhau) sắp xếp theo hình xoắn ốc với tâm điểm là cụm ống kính quang học có thể ghi hình với tốc độ lên đến 25 khung hình/giây.
SeeSV-S205. Ảnh: gizmag. |
SeeSV-S205 không được tích hợp màn hình LCD cho phép xem lại trực tiếp các ảnh chụp. Thay vào đó những dữ liệu thu được từ hệ thống micro tích hợp và cụm ống kính sẽ được hiển thị trực tiếp trên một máy tính được kết nối với thiết bị. Những dữ liệu này sẽ được kết hợp lại với nhau – hình thành một hình ảnh thực tế về vật mẫu cần chụp với một “bản đồ” mô phỏng chính xác vị trí mà tại đó cường độ lớn nhất dưới dạng màu sắc khác nhau. Trong “bản đồ” chỉ báo tiếng ồn bằng màu sắc, màu xanh được dùng để chỉ những vùng ít tiếng động nhất; và màu đỏ tương ứng với vùng phát ra nhiều tiếng động nhất.
Hình ảnh chụp từ SeeSV-S205 hiển thị chính xác vị trí phát ra tiếng ồn từ động cơ xe ô tô dưới dạng màu sắc rất trực quan. Ảnh: gizmag. |
Theo ông Suk-Hyung Bae, sở dĩ SeeSV-S205 có ngoại hình nhỏ gọn và có tính di động cao là vì thiết bị không được thiết kế để phát hiện tất cả các tần số âm thanh. “Những tiếng động bất thường phát ra từ các thiết bị công nghiệp thường có tần số cao hơn”, vị Giáo sư này cũng cho biết thêm. Và việc thiết kế SeeSV-S205 chỉ hỗ trợ phát hiện các tần số từ 350Hz đến 12.000Hz là khá dư giả.
Tương lai, SeeSV-S205 sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi trong các trạm sửa xe ô tô – giúp các kỹ thuật viên dễ dàng phát hiện các tiếng động lạ trong cụm động cơ hơn thay vì cách nghe bằng tai truyền thống. Mẫu camera từng đạt giải thưởng danh giá về thiết kế Red Dot hồi tháng 2/2013 này vẫn chưa có giá bán cụ thể cũng như thời điểm thương mại hóa sản phẩm.
Quỳnh Lâm