T20 cách tân so với T10 cả về thiết kế lẫn tính năng. Ảnh: Dpreview. |
Thông thường, để sở hữu một chiếc máy ảnh ultracompact dòng T của Sony, người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra một khoản tiền kha khá. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi với model mới nhất của dòng máy ảnh thời trang này. Giá bán của T20 chỉ bằng khoảng một nửa so với những chiếc máy cùng dòng trước đây, trong khi những tính năng đỉnh nhất vẫn được giữ nguyên.
Những thông số như cảm biến ảnh 8,1 Megapixel, zoom quang 3x, ống kính 38 – 114 mm, f3,5 - f4,3 và màn hình 2,5 inch của T20 không có gì đặc biệt. Nhưng bên cạnh đó, chiếc máy ảnh này còn sở hữu hệ thống ổn định ảnh quang Super Steady Shot của Sony, hệ thống dò tìm mặt và độ nhạy sáng lên tới 3200. Ngoài ra, Cyber-shot DSC-T20 còn cung cấp một cổng ra cho các tín hiệu 1080i HD, cho phép kết nối với màn hình TV độ nét cao HD thông qua dây cáp hình VMC-MHC1 hoặc bộ giải mã Cyber-shot CSS-HD1 của Sony.
T20 có 4 lựa chọn về màu sắc. Ảnh: Fotopolis. |
Thiết kế
Ở chiếc T10, do vị trí đèn flash quá gần với ống kính nên gây ra rất nhiều hệ lụy, như hiện tượng mắt đỏ và bụi bẩn. Rút kinh nghiệm, ở chiếc T20, Sony đã dịch chuyển vị trí của đèn flash ra xa ống kính hơn. Tuy hiện tượng mắt đỏ vẫn chưa thể được khắc phục hoàn toàn, cũng như bụi vẫn còn tồn tại, nhưng tình hình đã khá hơn rất nhiều so với T10.
Phần còn lại của thân máy, T20 được thiết kế giống với những chiếc máy ảnh dòng T khác của Sony. Ở mặt trên máy có nút bật/tắt và nút xem lại. Các phím điều chỉnh đều nằm ở mặt sau, với duy nhất phím zoom nằm ở phía trên, còn phía dưới là các phím còn lại. Tuy nhiên, hai phím Menu và Home được thiết kế quá nhỏ và không nhô lên nên khiến cho nhiều người phải dùng móng tay mới bấm được những phím này.
Đèn flash đã được đặt ra xa ống kính hơn so với ở T10. Ảnh: Cnet. |
Tính năng
Hệ thống menu đã được thiết lập lại hoàn toàn so với chiếc T10 trước đây. Khi bấm phím Menu, máy có thể chuyển tới danh mục những thiết lập mặc định cho chế độ chụp hình hoặc chuyển tới chế độ xem lại ảnh, tuỳ thuộc vào việc lúc đó, người dùng đang để máy ở chế độ nào. Nếu bấm phím Home, máy sẽ chuyển tới những danh mục cài đặt chung, cho phép người dùng có thể chọn chế độ chụp hay xem lại, hoặc cũng có thể điều chỉnh một số chức năng khác.
Các phím bấm đều nằm bên phải màn hình. Ảnh: Dpreview. |
Nếu đã quen với một hệ thống menu khác, người dùng nên thử nghiệm qua một lượt tất cả các danh mục này để làm quen, hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, bởi có một số chức năng không nằm ở những vị trí thông thường. Ví dụ, người dùng T20 có thể bấm phím Home để format lại thẻ nhớ, trong khi chức năng này ở các máy ảnh khác thường là nằm trong danh mục Play.
Các tin liên quan |
*12 'chấm' chưa phải đã hay |
*Sony W90 - nhỏ, tài, sang |
*Máy ảnh Cybershot zoom quang 6x |
Nói chung, hệ thống menu của T20 đã được Sony thiết kế khá tốt. Menu chụp hiển thị tất cả những chức năng mà T20 có ở bên phía trái màn hình, còn những danh mục lựa chọn được xếp dọc bên phải màn hình. Trong chế độ chụp tự động, người sử dụng có thể điều chỉnh được tất cả các chức năng như độ nhạy sáng, độ phơi sáng, cân bằng trắng và các chức năng khác.
Đối với những người chụp đã có kinh nghiệm, hẳn họ sẽ thấy thích với những lựa chọn về khoảng cách lấy nét cố định ở chiếc T20 này. Qua đó, người dùng có thể thiết lập khoảng cách cố định cho việc lấy nét, như 0,5 mét, 1 mét, 3 mét, 7 mét, hoặc bất cứ khoảng cách nào mà họ muốn. Nhưng cũng giống như T10, chiếc T20 này có cơ chế lấy nét khá đặc biệt, gọi là prefocus. Theo đó, muốn lấy nét, người dùng bắt buộc phải bấm nhẹ tới nửa chừng rồi dừng lại, chờ tới khi máy lấy nét xong mới bấm tiếp để chụp. Những ai không thích sự phiền hà này thì có lẽ T20 không phải là chiếc máy ảnh lý tưởng dành cho họ.
Tốc độ hoạt động
Những kết quả chụp thử cho thấy tốc độ hoạt động của máy khá nhanh. T20 cần 1,3 giây để khởi động và chụp được bức hình đầu tiên. Sau đó, nếu không bật flash thì thời gian chờ giữa hai lần chụp là 1,3 giây, trong khi nếu bật flash, khoảng thời gian đó tăng lên 2,9 giây. Trong điều kiện độ tương phản cao, ánh sáng nhiều, thời gian đóng màn trập đo được là 0,4 giây. Còn trong điều kiện độ tương phản thấp, ánh sáng yếu, thời gian đóng màn trập là 1,3 giây. Trong khi đó, tốc độ chụp liên tiếp của máy đo được trong quá trình thử nghiệm là 2 khung hình/giây, đối với bất kỳ cỡ ảnh nào.
Tốc độ hoạt động của T20 khá nhanh. Ảnh: Wordpress. |
Chất lượng ảnh
So với những chiếc máy ảnh compact khác, chất lượng ảnh chụp bởi T20 là khá tốt khi màu sắc đạt độ bão hoà cao. Tuy nhiên, cần phải nói về mức độ nhiễu ở những bức ảnh chụp bằng T20, đặc biệt là khi máy đã được tăng độ phân giải cho cảm biến và sở hữu bộ xử lý ảnh mới Bionz do chính Sony phát triển, để dành riêng cho dòng DSLR-A100 Alpha.
Ngay từ mức ISO thấp nhất là 80, khi xem ảnh trên màn hình máy tính đã thấy xuất hiện nhiễu, dẫu là rất nhỏ. Tình hình cũng tương tự ở ISO 100, với lượng nhiễu ngày càng dễ thấy hơn.
Ở mức ISO 200, lượng nhiễu ở những bức ảnh chụp từ hai model T10 và T20 ngang bằng nhau, có thể nhìn thấy trên màn hình máy tính nhưng giảm đi rất nhiều khi in ra. Tuy nhiên, nếu so về độ bão hoà màu, T20 vẫn nổi trội hơn.
Ngoại hình T20 đẹp nhưng chất lượng ảnh không cao. Ảnh: Pdafrance. |
Mặc dù độ sắc nét đã bắt đầu kém đi ở ISO 200, nhưng người sử dụng vẫn có thể in được những bức ảnh cỡ lớn, với khá nhiều chi tiết đẹp. Tại ISO 400, các chi tiết nhiễu bắt đầu phình to ra, đặc biệt ở những mảng màu đậm. Một số chi tiết bóng bị mất dần đi, do đó làm giảm dải động tổng thể của bức ảnh và làm mất đi nhiều chi tiết đẹp.
Ở ISO 800, nhiễu đã xuất hiện nhiều thấy rõ với kích thước khá to. Rất nhiều chi tiết bóng và chi tiết đẹp bị mất đi, bức ảnh chụp trông không khác gì bức tranh vẽ bằng màu nước. Tình hình càng xấu hơn khi chụp ảnh ở ISO 1600 hay 3200. Do đó, người chụp được khuyến cáo không nên sử dụng T20 ở ISO 3200, tránh sử dụng ở ISO 1600 và tốt nhất là nên giữ ISO ở mức dưới 800.
Nhiễu xuất hiện ngay từ ISO 80 và càng ngày càng tăng. Ảnh: Dpreview. |
Tóm lại, Sony Cyber-shot DSC-T20 là một chiếc máy ảnh ultracompact chất lượng tốt với đầy đủ những tính năng cần thiết ở một chiếc máy ảnh số nghiệp dư thời trang. Tuy nhiên, một khi đã cố gắng tăng độ nhạy sáng, Sony cần phải làm tốt hơn trong việc kiểm soát lượng nhiễu cho bức ảnh khi chụp ở ISO cao. Bằng không, nhà sản xuất không nên cung cấp mức mặc định nhạy sáng quá cao như vậy, rồi quảng cáo nó như là một điểm mạnh của chiếc máy ảnh.
Giá tham khảo: 6.990.000 đồng.
Anh Linh (theo Cnet)