1. Đáp ứng tất cả nhu cầu của trẻ
Nếu bạn đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ và chăm sóc, nâng niu chúng mọi lúc mọi nơi thì sau đó chúng sẽ không bao giờ hiểu được giá trị của việc kiếm ra một cái gì đó. Khi trẻ cảm thấy rằng tất cả những gì chúng phải làm là yêu cầu cha mẹ, chúng không bao giờ hiểu được để kiếm được đồng tiền ít ỏi khó khăn và vất vả như thế nào. Vì vậy bạn hãy nhớ, có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của trẻ nhưng không phải tất cả những gì chúng muốn.
Ảnh: manitobaparentzone.ca. |
2. Không dành nhiều thời gian cho trẻ
Không thứ gì có thể thay thế cho khoảng thời gian mà bạn thực sự dành cho con. Vấn đề không phải là bạn đem lại cho trẻ bao nhiêu món quà, mua cho chúng bao nhiêu món đồ chơi. Nó sẽ chẳng là gì so với sự quan tâm trọn vẹn mà bạn dành cho trẻ. Với con bạn, điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong những năm đầu vì nó giúp hình thành và xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ lâu dài.
3. Tức giận vô cớ
Thật không công bằng khi bạn trút tất cả sự tức giận lên con cái, bất kể điều gì làm bạn tức giận. Nếu bạn có một ngày căng thẳng trong công việc hay đang có mâu thuẫn với bạn đời thì đó cũng không phải là cái cớ để đưa ra sự thất vọng của bạn về trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ hoang mang và cảm thấy như thể chúng là những lý do đằng sau sự tức giận và đau khổ của bạn.
4. Có những kỳ vọng không thực tế
Là cha mẹ, bạn có quyền mong đợi, kỳ vọng tích cực về con mình. Tuy nhiên, nếu mong đợi của bạn không hợp lý và vô cùng khó khăn để trẻ có thể đáp ứng thì có thể ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển tổng thể của trẻ về sau. Chúng sẽ lớn lên và cảm thấy mình không đủ tốt, không biết phải làm như thế nào để làm tốt những điều đó.
5. So sánh chúng với những đứa trẻ khác
Việc làm này sẽ gây tổn thương cho trẻ khi bạn tiếp tục so sánh chúng với những đứa trẻ khác. Hãy cố gắng để con bạn biết rằng chúng luôn là đứa trẻ đặc biệt và duy nhất với bạn. Những sự so sánh liên tục của bạn sẽ làm cho trẻ lớn lên trong sự ghen tị với những người khác, làm cho chúng hình thành và phát triển một thói quen xấu. Con bạn cuối cùng sẽ cố gắng đẩy những người khác xuống để chứng minh với bạn rằng chúng tốt hơn, giỏi hơn.
6. Không lắng nghe trẻ
Nói chuyện với con cái về một điều gì đó sẽ hoàn toàn khác biệt so với việc bạn thực sự chú tâm lắng nghe những gì trẻ nói. Chúng sẽ nói rất nhiều điều mà có vẻ như rất ngớ ngẩn trong những lần đầu tiên. Nhưng nếu quan sát kỹ cử chỉ đằng sau những lời nói đó, bạn sẽ có một cái nhìn sâu sắc về tâm hồn của chúng. Hãy mang lại cho con bạn một môi trường mà chúng biết đang được lắng nghe.
7. Bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo
Khi trẻ lớn lên, sẽ có nhiều giai đoạn khó khăn và tình huống khó xử mà chúng có thể phải đối mặt trong cuộc sống. Có rất nhiều đứa trẻ tự đánh mất bản thân và hình thành những thói quen xấu. Là cha mẹ, bạn phải có trách nhiệm nhận thức được con đường của con mình và làm cho chúng biết điều gì đúng điều gì sai. Nhiều lần chúng ta bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo này và nó thực sự ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của trẻ.
8. Không thực hành những gì bạn dạy trẻ
Một đứa trẻ sẽ không bao giờ học được điều gì nếu bạn không đưa ra ví dụ cụ thể. Ví dụ, nếu bạn dạy bé phải trung thực nhưng chính bạn lại giấu diếm những người khác điều gì đó, thì sau đó trẻ sẽ quan sát và làm theo bạn. Giá trị của sự khiêm tốn, làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn, sự chăm sóc, sự tha thứ… phải được thực hiện bởi cha mẹ đầu tiên. Chỉ như vậy sau đó trẻ mới tôn trọng bạn và lắng nghe những gì bạn dạy chúng.
9. Quá bảo vệ trẻ
Là cha mẹ, chúng ta buộc phải bảo vệ con mình. Nhưng nếu bạn luôn luôn đặt con dưới sự bảo đảm, sự bảo vệ và an toàn tuyệt đối thì có thể cản trở sự phát triển tự nhiên của trẻ. Biết rằng không có gì khó khăn khi bạn cố gắng để làm điều đó, nhưng bạn không thể bảo vệ con khỏi mọi nguy hiểm có thể xảy đến. Một ngày nào đó, con bạn sẽ phải đối mặt với thế giới của chúng và nó sẽ rất khó khăn để làm điều gì đó nếu bạn luôn luôn tạo cho trẻ một môi trường cực an toàn. Vì vậy, thỉnh thoảng hãy để cho con mắc sai lầm để chúng có thể học hỏi từ nó và mạnh mẽ hơn.
10. Không phải là bạn bè của trẻ
Nếu bạn luôn luôn nói chuyện với trẻ như một người mẹ, chúng sẽ không muốn chia sẻ mọi thứ với bạn. Khi trẻ lớn lên, bạn nên cư xử như một người bạn và làm cho chúng cảm thấy dễ chịu khi có sự hiện diện của bạn. Trẻ cần cảm thấy luôn an tâm khi thảo luận những điều chúng đang lo ngại, hy vọng, và những nghi ngờ với bạn. Điều này sẽ không chỉ tăng cường liên kết của bạn với trẻ mà còn đảm bảo chắc chắn rằng chúng không bao giờ tìm kiếm lời khuyên sai lầm từ những người khác.
Lan Lan (Theo MagforWomen)