Những tháng đầu đời là rất quan trọng đối với sức khỏe của bé yêu, nên cha mẹ cần phải đặc biệt chú ý cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
1. Sao con khóc nhiều thế?
Theo nghiên cứu về hội chứng rung lắc ở trẻ em, khóc lớn và nhiều là biểu hiện phát triển bình thường của trẻ sơ sinh. Giai đoạn này có thể bắt đầu ở tuần thứ 2 và kéo dài đến khi bé 5 tháng tuổi.
Các nhà khoa học khuyên rằng khi bé yêu trải qua quãng thời gian này, mẹ nên bình tĩnh, “điều đó là bình thường ở trẻ nhỏ, hãy bế bé đi lại trong vài phút”. “Đôi khi các bé khóc chỉ vì chúng cần thoát năng lượng ra ngoài”.
2. Bao nhiêu lâu cho con ăn một lần?
Nếu có thể bạn nên cho trẻ dùng sữa mẹ, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé trong những năm tháng đầu đời. Thông thường, với trẻ sơ sinh nên cho con bú khoảng 12 lần một ngày. “Mặc dù là hơi nhiều nhưng bất cứ khi nào các bé đói, mẹ nên cho bé bú. Đừng cố hạn chế với bé”. Mỗi lần cho con bú thường kéo dài khoảng 10 đến 15 phút. Hãy cho trẻ dùng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu trước khi cho bé ăn dặm.
3. Trẻ ngủ bao nhiêu là đủ?
Vì sau khi chào đời, trẻ sơ sinh thường bị giảm cân, nên cha mẹ cần lưu ý giúp con tăng cân trở lại, đó là lí do tại sao mẹ nên cho trẻ ăn thường xuyên. Khi đã bắt kịp với cân nặng, giấc ngủ của bé có thể kéo dài trên 4 giờ mỗi lần.
Nếu lo lắng rằng con chưa tăng đủ cân, trong một vài tuần đầu, mẹ có thể đánh thức con dậy để cho ăn thêm nhưng sau này không cần thiết duy trì. Khi bé yêu phát triển tốt, hãy để cho bé ngủ và thức giấc một cách tự nhiên.
Theo các chuyên gia, bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh tốt là để để bé ngủ và thức dậy một cách tự nhiên (Ảnh minh họa)
4. Cách vỗ cho bé hết trớ?
Sau khi ăn, cha mẹ nên vỗ nhẹ vào lưng bé bằng cách bế bé áp vào ngực, đặt cằm bé tì lên vai mẹ. Sau đó nhẹ nhàng vỗ lên lưng bé để giúp bé hết trớ. Ngoài ra, mẹ có thể bế bé trong lòng, vuốt nhẹ trước ngực cho bé.
5. Quấn tã cho trẻ?
Quấn tã giúp bé ngủ thoải mái hơn vì nó giúp bé có cảm giác dễ chịu như khi còn trong bụng mẹ. Trên thực tế, có rất nhiều tranh cãi về vấn đề này, điều mấu chốt là đến thời điểm nào thì các mẹ nên ngừng quấn tã cho trẻ.
Khi bé yêu của bạn có thể chất tốt để lẫy, khoảng đến tháng thứ 4 là mẹ nên ngừng quấn tã. Nếu khi trẻ biết lẫy mà bạn vẫn dùng tã cho trẻ, điều đó sẽ khiến cho trẻ khó thở hoặc gặp khó khăn khi lẫy”.
6. Khi nào thì nên cho bé tiêm vắcxin?
Tất cả các bé nên được tiêm viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi sinh để giúp bé tránh khỏi các bệnh truyển nhiễm. Khi bé khoảng 2 tháng tuổi, mẹ nên cho bé tiêm mũi vắc xin đầu tiên để ngăn ngừa các bệnh như bệch hầu, uốn ván, ho gà, viêm phổi, bệnh bại liệt và một số các bệnh khác. Bên cạnh đó, vào khoảng thời gian này, mẹ cũng cần cho bé tiêm mũi viêm gan B thứ 2.
7. Có nên bổ sung thêm Vitamin cho bé?
Nên cung cấp thêm vitamin D cho bé, vì sữa mẹ không cung cấp đủ lượng cần thiết. Khi em bé được 6 tháng tuổi, mẹ có thể chuyển sang bổ sung vitamin tổng hợp bao gồm vitamin D và sắt. Nếu cho bé dùng sữa ngoài, thì không cần phải bổ sung thêm vitamin, bởi trong sữa bột công thức có chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng dành cho bé.
8. Có nên bế bé ra ngoài?
Các chuyên gia khuyên chị em nên bế bé đi dạo bên ngoài để hít thở bầu không khí trong lành. Khi được ra ngoài, bé sẽ được tiếp xúc với cảnh vật và các âm thanh khác nhau, điều này tốt cho sự phát triển trí não và thính giác của bé. Một nguyên tắc nhỏ khi bế trẻ ra ngoài, mẹ nên cho bé ăn mặc thoải mái, không nên mặc quá nhiều. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi không nên dùng kem chống nắng, vì vậy mẹ nên tránh những lúc trời nắng.
Bế bé đi dạo bên ngoài là cách chăm sóc trẻ sơ sinh giúp cho sự phát triển trí não và nhận thức (Ảnh minh họa)
9. Nên làm gì khi không hài lòng với bác sĩ nhi khoa của con?
Nếu bạn cảm thấy bác sĩ nhi khoa của con không cung cấp những thông tin tốt và hữu ích nhất, hãy nói chuyện thẳng thắn với họ hoặc có thể thay đổi bác sĩ khác. Đây là việc các mẹ nên làm vì nó ảnh hưởng trược tiếp đến sức khỏe của con.
10. Nên làm gì khi có trường hợp khẩn cấp?
Những tháng đầu đời là rất quan trọng đối với bé, do đó mẹ nên thường xuyên gọi điện hỏi tư vấn từ các bác sĩ khoa nhi. Nếu bạn không thể liên lạc được với họ, hoặc con cần chăm sóc ngay, hãy đưa con đến phòng khám. Đặc biệt khi bé bị sốt cao, hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.