Sau những cảm xúc vui mừng ban đầu khi được gặp con, nhiều cha mẹ phải đối mặt với những lúng túng, khó khăn khi lần đầu chăm sóc một đứa trẻ. Làm thế nào để bế con mà không làm bé đau, cho con ăn như thế nào thì vừa, tại sao trẻ lại bị sốt, tại sao da lại nổi mẩn đỏ….luôn là những câu hỏi làm “đau đầu” các ông bố bà mẹ trẻ.
Tôi và vợ cũng đã từng như vậy. Tuy nhiên, sau 3 tháng đầu chăm con, với nhiều ngày hoang mang, nhiều đêm hì hục tra google tìm cách chăm con, hai vợ chồng tôi cũng đã "sống sót" và trở thành những "chuyên gia" chăm con thực thụ.
Và đây, xin gửi tới các bậc phụ huynh mới lên chức 20 điều chi tiết mà những người mới làm cha mẹ cần biết khi chăm trẻ sơ sinh.
1. Nhiều cha mẹ đã sẵn sàng luyện con ngủ cũi riêng ngay từ khi mới sinh. Vậy nhưng có ai biết rắng cũi cho trẻ cũng cần có những chỉ số an toàn?
Thành cũi phải cao hơn 60cm để ngăn bé ngã xuống đất. Thanh dọc để làm tay vịn cho nôi cũng phải có khoảng cách ít nhất là 2,5 -6cm. Nếu khoảng cách giữa các thanh dọc quá nhỏ, bé có thể bị mắc kẹt tay và chân. Nếu khoảng cách quá lớn, bé có thể thò người qua, gây ra những tai nạn đáng tiếc. Mẹ cũng nên bọc quây cũi xung quanh để tránh bé va đập đầu hay chân tay gây đau đớn. Quây cũi và ga giường cần được giặt sạch thường xuyên.
2. Đệm cho trẻ sơ sinh không nên quá mềm. Đệm mềm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cột sống của bé.
3. Trên thị trường có rất nhiều loại gối đẹp, tuy nhiên gợi ý cho mẹ là không cần phải chọn bất cứ loại gối nào. Trẻ sơ sinh không cần gối. Khi ngủ, cột sống, lưng và đầu của trẻ nên ở trên cùng một mặt phẳng. Việc nâng cao gối không chỉ khiến trẻ dễ bị cong cổ mà còn gây khó thở.
4. Trẻ sơ sinh sẽ thấy bình yên khi ở trong lòng mẹ. Do đó, khi phải đối mặt với một môi trường xa lạ, đưa con đi xét nghiệm hay thăm khám, người mẹ nên ôm con để giải toả cảm giác lo lắng của bé, khiến con cảm thấy an toàn và thoải mái
5. Con ngủ trên tay mẹ rất đáng yêu nhưng đừng nên làm vậy quá lâu. Tạo cho con thói quen ngủ trong lòng mẹ sẽ gây bất lợi cho sự phát triển bình thường của xương. Nên để bé đi vào giấc ngủ theo một cách tự nhiên ngay từ thời thơ ấu: sau khi ăn, đặt bé trên một chiếc giường nhỏ, nhẹ nhàng vỗ mông và đưa con vào giấc ngủ.
6. Quần áo cho trẻ sơ sinh nên lựa chọn chất liệu cotton thoáng mát. Tuy nhiên cần đảm bảo phải thường xuyên thay giặt. Trẻ sơ sinh trao đổi chất nhanh, mồ hôi đổ ra dễ dàng, nước tiểu cũng thường xuyên tràn, sữa cùng có thể dính ra quần áo liên tục. Nếu không giặt sạch kịp thời, bé sẽ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí nhiễm trùng da.
7. Trẻ sơ sinh không bị lạnh như trí tưởng tượng của người lớn. Đừng cố quấn con hay ủ con quá chặt trong tầng tầng lớp lớp áo quần khăn xô. Quá nóng mới là lý do khiến bé bị đổ mồ hôi, thấm ngược lại cơ thể và gây viêm phổi.
Chăm trẻ sơ sinh không khó (ảnh minh hoạ)
8. Khi thời tiết tốt nên cho trẻ tắm nắng thường xuyên. Ánh nắng mặt trời không chỉ có thể ngăn chặn và chữa trị bệnh còi xương mà tia cực tím còn giúp diệt các vi khuẩn ngoài da cho bé. Khi tắm nắng mẹ đừng nên cho bé tắm nắng sau cửa kính, cần cho ánh nắng chiếu trực tiếp vào bé nhưng đồng thời cũng chú ý bảo vệ đôi mắt cho trẻ.
9. Chụp ảnh con để làm lưu niệm là rất tốt nhưng mắt trẻ sơ sinh còn yếu, đừng bật đèn flash khi chụp con.
10. Trẻ sơ sinh đi bơi không hề ốm, trẻ sơ sinh mới chào đời đã biết bơi…Mẹ có biết điều đó? Nếu có điều kiện, nên cho bé bơi trong nhà 1-2 lần/tuần. Bơi không chỉ giúp trẻ được vận động mà đồng thời còn làm tăng dung tích phổi, tim hoạt động tốt hơn và cải thiện khả năng chống cảm lạnh cũng như bệnh tật.
11. Sữa của mỗi bà mẹ được sản xuất ra theo thiết kế riêng phù hợp với em bé. Sữa mẹ là thức ăn trẻ em tự nhiên và tốt nhất. Nó không chỉ bổ dưỡng mà còn có chứa rất nhiều kháng thể và các chất miễn dịch để giúp hệ miễn dịch của bé được hình thành hoàn hảo, ngăn chặn một loạt các bệnh nguy hiểm. Nên cho con bú mẹ và bú mẹ hoàn toàn ít nhất tới 6 tháng tuổi.
12. Trẻ sơ sinh ngoài ăn thì cũng cần ngủ để lớn. Vậy nhưng nếu con ngủ quá 3 tiếng không dậy, mẹ cũng nên đánh thức và cho bé ăn một ít sữa dể tránh hạ đường huyết.
13. Nếu ai đó nói trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước thì chị em cũng đừng ngạc nhiên bởi đó là sự thật. Sữa mẹ có chứa một lượng lớn nước và trẻ bú mẹ hoàn toàn sẽ có số lần đi tiểu bình thường cũng như không cần nếm một giọt nước lọc nào trong vòng 4 tháng. Trẻ uống sữa công thức thì có thể uống kèm nước lọc giữa mỗi cữ ăn.
14. Cách kiểm tra con có ăn đủ sữa hay không dễ nhất là đếm số lần bé đi tiểu mỗi ngày cũng như thường xuyên kiểm tra tăng trường chiều cao cân nặng của bé. Nếu bé tăng hơn 600g một thánh thì hoàn toàn trong phạm vi bình thường.
15. Nhiều chị em lo lắng con không ăn đủ khi sinh ra đã 2,3 ngày nhưng không những không tăng cân mà còn giảm đi vài lạng. Thực tế đây là quá trình giảm cân sinh lý vì không có gì đáng lo lắng. Trẻ sẽ tăng cân trở lại trong vòng 1 tuần sau đó.
16. Để tránh con bị trớ sau khi ăn, mẹ nhất thiết phải bế dựng bé, ngực áp ngực rồi nhẹ nhàng vỗ lưng cho đến khi bé ợ. Sau đó, đặt con nằm ngang để ngăn sữa trào ra.
17. Mẹ có thể thấy trẻ sơ sinh có rất nhiều nốt nhỏ dày đặc trên má, mũi hoặc trán trông như..mụn trứng cá. Tuy nhiên đây chỉ là những mụn sữa nhỏ gây ra bới các tuyến bã nhờn và thông thường sau 1-4 tuần những nốt mụn này sẽ tự biến mất.
18. Trẻ sơ sinh đi tiêu bao nhiêu lần một ngày là bình thường? Câu trả lời là từ 2-5 lần một ngày, một số bé sẽ đi 7-8 lần trong 1,2 tháng đầu.
19. Nuôi con nhỏ thì chỉ cần thấy bé hắt hơi, chảy nước mũi là cha mẹ đã lo lắng. Tuy nhiên, trừ khi trẻ sốt cao trên 37,5 độ, cha mẹ không cần hoang mang, cũng không cần vội vàng cho con uống thuốc
20. Phân trẻ sơ sinh trong 1,2 tháng đầu sẽ có lẫn hạt nhỏ như hạt vừng, gọi là phân “hoa cà hoa cải”. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường chứ không phải là phân có lẫn tạp chất.