Trẻ từ 3 tuổi ý thức về bản thân ngày càng rõ ràng, khả năng suy nghĩ độc lập, có chủ kiến và quan điểm riêng nên bắt đầu cố gắng tìm cách giữ vững “chủ quyền” của mình.
Giáo sư Li Meijin, nhà tâm lý học nổi tiếng của Trung Quốc cho biết, trẻ 3-6 tuổi là giai đoạn quan trọng để hình thành tính cách, lúc này cha mẹ nên liên tục hướng dẫn và sửa lỗi cho con, vì một phần tính cách ở độ tuổi này sẽ cùng trẻ đi suốt đời.
Đặc biệt, khi trẻ thể hiện 4 hành vi này quá thường xuyên, cha mẹ nên áp dụng biện pháp giáo dục nghiêm khắc.
Nếu trẻ mất bình tĩnh sẽ ném đồ đạc
Trẻ em rất hay cáu kỉnh, chỉ cần không đáp ứng yêu cầu là chúng dễ dàng khóc lóc, ăn vạ, ném đồ đạc. Cha mẹ hãy khoan cho rằng đó là dấu hiệu của một đứa trẻ hư. Trên thực tế, điều đó chứng tỏ trẻ không kìm nén cảm xúc của mình.
Đồng thời, một số trẻ dễ ném đồ đạc khi mất bình tĩnh có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường sống hoặc thông qua việc bắt chước (các tập phim truyền hình và bạn bè cùng trang lứa).
Khi sự nhận thức về bản thân của trẻ phát triển, trẻ bắt đầu có những cảm xúc của riêng mình, nhưng trẻ phải học cách trút bỏ đúng cách.
Phương pháp giáo dục
Theo giáo sư Li Meijin, trong trường hợp này cha mẹ nên xem xét mức độ hành vi của trẻ, từ đó có phương pháp uốn nắn phù hợp, tránh trường hợp cha mẹ cũng phản ứng giận giữ.
Nếu trẻ thỉnh thoảng nổi nóng và ném đồ đạc không có chủ đích, chỉ cần không thái quá là cha mẹ có thể bỏ qua. Khi trẻ cảm thấy buồn chán sau khi trút giận, trẻ sẽ dừng lại.
Khi trẻ mất bình tĩnh vì từ chối những yêu cầu vô lý, cha mẹ nên kiên định và không nên dễ dàng thỏa hiệp cho dù thế nào đi nữa. Nếu không, sau một hoặc vài lần, trẻ sẽ nghĩ rằng đây là cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
Khi trẻ nổi cơn tam bành, cha mẹ không nên xung đột trực tiếp với trẻ, nên kiên nhẫn đợi trẻ bình tĩnh trở lại. Sau khi trẻ bình tĩnh lại, hãy nói với trẻ rằng hành động đó là sai.
Trẻ hay khóc lóc, ăn vạ
Không ít cha mẹ phiền lòng khi con phút trước vui vẻ, phút sau có thể lăn đùng ra gào khóc, ném đồ đạc lung tung, không cho ai chạm vào người... Đây là hành vi thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ, khoảng thời gian này trẻ dễ trở nên bướng bỉnh và giận giữ vì không được đáp ứng nhu cầu hay sự việc không như ý muốn.
Phương pháp giáo dục
Muốn xử lý được cơn giận của con một cách hiệu quả, cha mẹ cần hiểu rõ nguồn cơn và biểu hiện của trẻ để đoán trước những tình huống có thể khiến trẻ bùng nổ. Ví dụ lúc trẻn mệt, buồn ngủ, đói thì rất dễ ăn vạ và khó dỗ.
Tiếp theo, cha mẹ cần đặt ra những quy tắc tốt cho trẻ (chẳng hạn như: Không chơi đùa trong bữa ăn, không ăn vặt trước khi ngủ, chỉ xem TV nửa tiếng...) và cho trẻ biết rằng nếu phạm phải có thể sẽ bị phạt. Sau một thời gian, trẻ sẽ hình thành nếp sinh hoạt tốt.
Cha mẹ cũng nên tăng cường trò chuyện với trẻ, việc giao tiếp tốt có thể khiến trẻ sẵn sàng tiếp nhận sự giáo dục, hiểu đúng sai và từ từ học cách thể hiện bản thân mà không làm người khác xấu hổ.
Trẻ thường xuyên nói dối
Nếu trẻ 3-4 tuổi nói dối, có thể kỹ năng ngôn ngữ của trẻ chưa đủ để diễn đạt chính xác sự việc, thường không thể phân biệt giữa nói dối và việc chơi những trò chơi tưởng tượng. Nhưng nếu trẻ có thói quen nói dối, cha mẹ nên điều chỉnh càng sớm càng tốt.
Phương pháp giáo dục
Cha mẹ cần hết sức lưu ý khi phát hiện con mình nói dối, nếu đó là một sai lầm không cố ý, chỉ cần nhắc nhở trẻ.
Nếu trẻ cố tình làm vậy thì cha mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn và giáo dục động cơ của trẻ. Quan sát xem trẻ có thừa nhận sai lầm và ăn năn hay không, hãy động viên kịp thời, tạo cho trẻ lòng tự tin để sửa chữa khuyết điểm.
Hơn nữa, cha mẹ nên làm gương trước mặt con cái, chú ý lời nói, việc làm và tu dưỡng bản thân của mình. Bởi hình ảnh của cha mẹ là cách giáo dục tốt nhất.
Ngỗ nghịch, hay đánh bạn
Một số trẻ sau khi đi học mẫu giáo rất khó hòa nhập với các trẻ khác, nguyên nhân là do trẻ quá ngỗ nghịch, không tôn trọng người khác, thích đánh nhau, la hét, không tuân theo kỷ luật.
Có thể cha mẹ sẽ nghĩ rằng đứa trẻ lúc này vẫn còn nhỏ và sẽ thay đổi khi lớn hơn. Nhưng thực tế, hành vi này cần được uốn nắn kịp thời, nếu không khi lớn lên trẻ chỉ trở nên ngỗ ngược, ngang tàng hơn.
Phương pháp giáo dục
Trước hết mọi thành viên trong gia đình phải làm tốt công tác truyền thông tư tưởng và cố gắng đạt được sự thống nhất trong vấn đề giáo dục con cái .
Trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn nhạy cảm về nhận thức khi được khoảng 2 tuổi, cha mẹ nên tôn trọng một số yêu cầu về và kịp thời trau dồi cho trẻ nhận thức về các quy tắc.
Cha mẹ hãy cùng trẻ đọc thêm những cuốn sách mới, đồng thời học hỏi thêm những quy tắc sống qua quá trình học hỏi và trải nghiệm. Thông thường, cha mẹ có thể đưa trẻ tiếp xúc nhiều hơn với các bạn đồng trang lứa, dạy trẻ một số phương pháp và kỹ năng giao tiếp.
Tương lai của một đứa trẻ còn nhiều ẩn số, nhưng từ thái độ học tập và hoàn cảnh sống của cha mẹ trong nửa đầu cuộc đời, có thể đoán được đại khái kết cục của nửa sau cuộc đời của đứa trẻ.
Nuôi dạy một đứa trẻ thực sự là một thực hành để cha mẹ phát triển cùng với con cái, cho đến khi trẻ hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/3-6-tuoi-la-giai-doan-ky-luat-tot-nhat-thay-con-co...Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/3-6-tuoi-la-giai-doan-ky-luat-tot-nhat-thay-con-co-4-thai-do-nay-phai-nghiem-khac-ngay-d299559.html

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn