Ngôn ngữ là phương tiện cơ bản nhất để trẻ giao tiếp với bố mẹ. Thông qua ngôn ngữ, trẻ có thể diễn đạt được suy nghĩ và bày tỏ được nhu cầu của bản thân, đồng thời hiểu được lời mà bố mẹ hay những người xung quanh nói.
Ngôn ngữ càng phong phú, chứng tỏ IQ của trẻ đang phát triển vượt trội. Ngược lại nếu ngôn ngữ của con có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là khi trẻ đủ 3 tuổi, bố mẹ cần đưa ngay trẻ đến bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để điều trị, càng sớm càng tốt.
Bởi vì sự phát triển của một đứa trẻ bình thường từ đủ 3 tuổi trở lên, trẻ đã có thể có được kha khá vốn từ vựng. Sự tò mò về thế giới xung quanh sẽ kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ, khiến trẻ thường xuyên đặt câu hỏi và bi bô nói suốt ngày.
Tuy nhiên, đối với trẻ đang gặp rào cản về ngôn ngữ, mặc dù vẫn nói được nhưng trong quá trình giao tiếp với mọi người sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như trẻ không hiểu người khác đang nói gì hoặc trẻ muốn bộc lộ suy nghĩ của bản thân nhưng câu từ rối loạn, khó hiểu,...
Khả năng giao tiếp bằng mắt kém
Trước khi biết nói và sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, trẻ nhỏ sẽ được học về giao tiếp phi ngôn ngữ. Đặc biệt ở giai đoạn sơ sinh, trẻ thường xuyên có sự tiếp xúc ánh mắt với người khác để nhận diện và tương tác. So với những đứa trẻ còn lại, điều này sẽ giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ tốt hơn.
Tuy nhiên đối với một số trẻ nhỏ, khả năng giao tiếp bằng mắt thực sự rất kém, thậm chí gần như không xảy ra, bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ và kéo dài cho đến lúc trẻ lớn lên.
Dựa trên kết luận của các bác sĩ, nguyên nhân hàng đầu giải thích cho tình trạng trên chính là chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em. Trẻ tự kỷ gặp khá nhiều khó khăn khi giao tiếp bằng mắt, bởi vì sự tập trung ở trẻ không cao.
Thông thường khi trò chuyện cùng trẻ tự kỷ, những tác động từ môi trường xung quanh sẽ lập tức phân tán sự chú ý của trẻ, vậy nên trẻ rất hiếm khi nhìn lâu vào mắt đối tượng giao tiếp.
Ngoài ra, bệnh tự kỷ còn kèm theo tình trạng trẻ sợ người lạ, không muốn giao tiếp với người lạ, thích chơi một mình và các vận động của cơ thể cũng diễn ra chậm chạp. Nếu bố mẹ phát hiện một trong những vấn đề trên ở trẻ diễn ra với tần suất cao, sự can thiệp của bác sĩ là vô cùng quan trọng.
Trẻ gặp "rào cản" ngôn ngữ thường có biểu hiện né tránh ánh mắt của người khác trong khi giao tiếp.
Phản ứng ngôn ngữ chậm
Sơ dĩ trẻ có phản ứng chậm với ngôn ngữ, là vì khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin gặp vấn đề. Hay cụ thể hơn là trẻ đang không hiểu, không có đủ lượng từ vựng để hiểu nội dung mà đối tượng giao tiếp muốn truyền tải. Đó là lý do vì sao phải mất một khoảng thời gian, trẻ mới có phản ứng lại. Thậm chí là bố mẹ phải nhắc lại lời nói đó nhiều lần thì trẻ mới kịp tiếp nhận nó.
Trẻ trước một tuổi nếu tình trạng trên xảy ra, có thể trẻ đang mắc các bệnh về thính giác. Khi thính giác bị tổn thương, nó sẽ không còn nhạy bén với âm thanh, vì vậy mà đường truyền vào không thể được chuyển nhanh chóng đến não bộ, để kích thích phản ứng từ não bộ.
Nhưng trường hợp thính giác của trẻ vẫn bình thường, không xuất hiện vấn đề xấu nào, vậy mà trẻ vẫn phản ứng chậm với ngôn ngữ thì bố mẹ đừng lơ là.
Đối với trẻ từ 3 tuổi, vốn từ vựng đã lên đến vài trăm từ, thậm chí là hơn, vì vậy trẻ hoàn toàn có thể hiểu được lời người khác nói với mình. Ngược lại, nếu trẻ vẫn không hiểu và không có bất kỳ động thái nào, chứng tỏ ngôn ngữ của trẻ đang gặp rào cản, mẹ cần cảnh giác.
Phải mất một khoảng thời gian trẻ chậm ngôn ngữ mới tiếp nhận thông tin, xử lý và phản hồi.
Chỉ nói được câu đơn và rối loạn trong sắp xếp từ ngữ
Thực tế, có một vài đứa trẻ không gặp vấn đề trong việc lĩnh hội ngôn ngữ khi được mọi người xung quanh chỉ dạy, tuy nhiên trẻ vẫn không thể phát âm chuẩn và ghi nhớ tốt.
Thường thì trẻ sẽ chỉ lặp lại được chính xác những từ quen thuộc, còn hầu như những từ khác, trẻ không thể nói được. Theo các chuyên gia, trường hợp này cũng được xếp vào một trong những biểu hiện trẻ đang gặp vấn đề về ngôn ngữ.
Trẻ khi bị rối loạn ngôn ngữ sẽ không thể hiểu được bản thân đang nói gì, đồng thời người nghe cũng sẽ không hiểu được rõ ràng nội dung từ câu nói của trẻ. Bởi vì lúc này, khả năng sắp xếp câu từ của trẻ bị hạn chế, nên nó sẽ không theo một trật tự đúng, ngược lại nó sẽ được diễn đạt hết sức lộn xộn và phi logic.
Bên cạnh đó, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng không thể nói được một câu với số lượng từ nhiều, thay vào đó trẻ chỉ sử dụng câu đơn. Thậm chí, ngay cả những câu cơ bản nhất trẻ cũng không thể nói được một cách tròn vành rõ chữ, chẳng hạn như “con yêu mẹ” hoặc “con đói bụng quá”,... Dù bố mẹ có ép buộc hoặc xúi giục trẻ như thế nào, trẻ cũng rất khó để đáp ứng.
Chính vì lẽ đó, trẻ ngày càng có biểu hiện lười, tránh né giao tiếp với mọi người. Nếu bố mẹ không quan sát trẻ thường xuyên và nhận thấy những thay đổi trong vấn đề phát triển ngôn ngữ ở trẻ, để từ đó có lộ trình chữa trị kịp thời thì trẻ sẽ gặp rất nhiều trở ngại khi giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Sau này, khi trẻ trưởng thành cũng khó có thể gặt hái được thành tựu lớn, chỉ bởi vì rào cản ngôn ngữ còn hạn chế và không được trôi chảy của mình.
Khả năng sắp xếp câu từ logic của trẻ chậm ngôn ngữ rất kém, bởi vì lượng từ vựng giới hạn và phát âm chưa tròn chữ.