Các bậc bố mẹ đều mong muốn giáo dục con cái trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện và sống tình cảm. Nhưng tâm lý của trẻ ở mỗi giai đoạn sẽ có sự chuyển biến khác nhau, không phải lúc nào cũng cố định, đặc biệt là trẻ đến độ tuổi dậy thì. Nhiều bố mẹ cảm thấy rất đau đầu và vô cùng bất lực trong thời kỳ giáo dục trẻ ở độ tuổi này. Bởi vì, so với những độ tuổi khác thì tuổi dậy thì khó dạy bảo hơn.
Tâm sinh lý của trẻ thường xuyên thay đổi thất thường, nhiều khi bố mẹ không kịp nắm bắt, sẽ rất khó để giáo dục. Lúc này, trẻ sẽ hình thành những nét cá tính riêng, đưa ra quan điểm và lựa chọn của mình để chứng minh bản thân.
Để bảo vệ những điều đó, trẻ có thể bộc lộ mạnh mẽ thông qua lời nói và hành động có tính chống đối, khi bố mẹ không đồng tình với điều gì đó mà trẻ mong muốn. Trong hoàn cảnh này, hầu hết các bậc phụ huynh đều cảm thấy rất buồn lòng, lúng túng vì không biết phải giải quyết như thế nào?
Nhận thấy được những nỗi lo chung của các bậc bố mẹ có con cái trong độ tuổi dậy thì, các nhà tâm lý đã gợi ý 4 phương pháp sau, bố mẹ có thể tham khảo để thuận tiện hơn trong vấn đề giáo dục trẻ.
Duy trì tâm trạng ổn định
Mọi đứa trẻ trong thời kỳ nổi loạn đều có tính khí thất thường “lúc nắng, lúc mưa”, đôi khi sẽ khiến bố mẹ khó chịu và bực bội. Tuy nhiên các chuyên gia không khuyến khích bố mẹ có những lời nói hay hành vi tiêu cực đối với trẻ trong giai đoạn này. Bởi vì nó không mang lại hiệu quả mà còn phản tác dụng, khiến tính cách của trẻ ngày càng bướng bỉnh, khó dạy bảo. Đồng thời, những cuộc cãi vã sẽ không đi đến hồi kết, chỉ vì “không ai nhường ai”.
Bố mẹ khôn khéo sẽ biết cách điều khiển cảm xúc của bản thân, duy trì tâm trạng ổn định, thể hiện thái độ tôn trọng trẻ trong mọi tình huống. Khi trẻ nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, trẻ cũng sẽ làm điều ngược lại.
Bố mẹ cần hiểu, độ tuổi dậy thì là quy luật phát triển tự nhiên ở mọi đứa trẻ khi đến giai đoạn nhất định đều phải trải qua. Phụ thuộc vào môi trường giáo dục mà mỗi đứa trẻ sẽ có mức độ nổi loạn khác nhau. Lúc này, sự bình tĩnh và cân bằng trạng thái tâm lý ổn định, sẽ giúp bố mẹ sáng suốt để đưa ra cách giải quyết mọi tình huống hợp lý nhất.
Muốn hiểu được tâm lý của con thời kỳ này, bố mẹ nên có thái độ mềm mỏng thay vì gắt gỏng.
Thay đổi cách giao tiếp
Giao tiếp là nhân tố quyết định rất lớn đến việc gắn kết mối quan hệ bố mẹ và con cái thêm bền chặt hơn. Trẻ trong độ tuổi nổi loạn, nếu bố mẹ có cách giao tiếp với con hiệu quả thì bố mẹ sẽ càng có cơ hội để hiểu con. Từ đó, quá trình giáo dục con trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện sẽ đỡ vất vả, khó khăn hơn.
Thực tế đã chứng minh, không có một đứa trẻ tuổi dậy thì nào muốn được bố mẹ đối xử như một em bé. Bởi vì tâm sinh lý trẻ lúc này đã có sự thay đổi lớn.
Trẻ có tư tưởng và quan điểm cá nhân rõ ràng, vậy nên trẻ mong muốn nhận được công nhận của bố mẹ về sự trưởng thành của mình. Lúc này, nếu bố mẹ không dừng ngay cách giao tiếp trước đây và thay đổi bằng một cách giao tiếp mới, phù hợp với tâm lý và tính cách của trẻ, bố mẹ sẽ rất khó để tạo ra sự kết nối với trẻ.
Thay vì ra lệnh và buộc trẻ phải làm theo ý mình, sự mềm mỏng, ôn hòa mới là cách giao tiếp hiệu quả đối với trẻ ở độ tuổi nổi loạn. Ngoài ra, việc bố mẹ thường xuyên lắng nghe và cảm nhận những suy nghĩ của trẻ, sẽ khiến trẻ cảm nhận được sự chân thành, tôn trọng từ bố mẹ. Nhờ vậy mà giao tiếp giữa con cái và bố mẹ càng có sự gắn kết để hiểu nhau hơn.
Con cái đến tuổi dậy thì thường sẽ không muốn bố mẹ sử dụng cách giao tiếp như khi còn bé.
Công nhận nỗ lực của trẻ
Trẻ sẽ vô cùng hạnh phúc và biết ơn khi được bố mẹ công nhận. Bởi vì ở giai đoạn dậy thì, nhu cầu được thể hiện và chứng minh năng lực bản thân đang ngày càng trở nên mạnh mẽ bên trong trẻ. Bằng nhiều cách khác nhau, trẻ sẽ nỗ lực để tạo ra những thành tựu, khiến bố mẹ “nở mày nở mặt” và cảm thấy tự hào về đứa con của mình.
Tuy nhiên, nhiều ông bố bà mẹ sẽ thấy không tin tưởng với những việc trẻ làm, vì nghĩ rằng trẻ trong giai đoạn này thường sẽ rất cứng đầu và không tuân thủ các quy tắc. So với những điều tích cực trẻ làm được thì tiêu cực lại nhiều hơn. Chính vì vậy mà bố mẹ đã thường xuyên phớt lờ đi những ý chí và nỗ lực của trẻ.
Nhưng sự thật là, để trẻ có thể vượt qua thời kỳ nổi loạn với một trạng thái ổn định nhất thì sự khích lệ và động viên từ bố mẹ là rất cần thiết. Nó giống như một liều thuốc bổ dành cho tinh thần. Khi sức khỏe tinh thần được đáp ứng, trẻ sẽ trở nên tự tin và biết ơn hơn.
Trẻ tuổi dậy thì có nhu cầu được thể hiện bản thân mạnh mẽ, vì muốn được bố mẹ công nhận.
Trở thành tấm gương tốt cho con
Con cái chính là sự phản ánh của bố mẹ. Nếu trẻ được nuôi dạy trong một gia đình có bố mẹ thông thái, đứng đắn trong mọi lời nói và hành vi của mình, trẻ cũng sẽ học tập và trở thành một hình tượng như thế. Ngược lại, việc bố mẹ thường xuyên sử dụng lời nói và hành động tiêu cực, ví dụ như la mắng, chửi bới và thậm chí là dùng bạo lực để tương tác với trẻ, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách và lối sống của trẻ trong tương lai.
Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi dậy thì sẽ có sự nhạy cảm nhất định. Sự quan sát của trẻ để học tập và bắt chước bố mẹ thường diễn ra mạnh mẽ.
Vậy nên, bố mẹ cần phải có sự chuẩn chỉnh trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Điều này sẽ giúp bố mẹ xây dựng được chỗ đứng của mình đối với trẻ. Mọi lời nói và hành động của bố mẹ trở nên có sức nặng hơn, và nhờ vậy mà bố mẹ có thể giáo dục trẻ dễ dàng và hiệu quả cao.
Hình tượng của trẻ trong tương lai, chính là "bản sao" của bố mẹ hiện tại. Muốn tốt cho con, bố mẹ phải trở thành một tấm gương hoàn hảo.