Hầu hết đứa trẻ nào cũng từng trải qua giai đoạn "nổi loạn", bướng bỉnh không nghe lời. Điều này làm không ít ông bố bà mẹ lo lắng. Thực tế, các chuyên gia cho biết, bố mẹ chỉ cần áp dụng thay đổi nhỏ trong cách trò chuyện, có thể điều chỉnh được hành vi, thái độ của trẻ.
Những lời nói yêu thương của bố mẹ có thể mang lại cho trẻ cảm xúc tích cực cho trẻ. Dưới đây là 3 câu nói nhẹ nhàng bố mẹ có thể áp dụng khi trẻ vô tình phạm lỗi.
"Con có thể lựa chọn làm điều mình thích, bố mẹ sẽ không ép buộc con"
Các chuyên gia cho biết, thay vì áp đặt hãy cho trẻ cơ hội lựa chọn và đưa ra quyết định. Điều này giúp trẻ hiểu rằng bản thân luôn được tôn trọng, trẻ dù còn nhỏ nhưng vẫn có cơ hội thể hiện mong muốn và khẳng định bản thân.
Thực tế trong những lúc nóng giận, trẻ đang rất xúc động, thậm chí là kích động và việc bố mẹ ép buộc trẻ nghe lời, có thể phản tác dụng.
Bố mẹ có thể cho trẻ đưa ra lựa chọn từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, khi trẻ đi siêu thị và bắt đầu chạy lại quầy bánh kẹo, hầu như tất cả các bé sẽ lựa chọn vài thứ các bé thích. Lúc này, bố mẹ có thể cho trẻ chọn 1 thứ trong số đó, nếu con không chọn, thì không mua thứ nào.
Về mặt tâm lý, nếu trẻ nổi loạn, thể hiện sự chống đối, bố mẹ không cần vội ép trẻ nghe lời, có thể nhẹ nhàng nói với trẻ: "Con có thể lựa chọn làm điều mình thích, bố mẹ sẽ không ép buộc con". Thực ra, khi lựa chọn, trẻ sẽ biết cách làm đúng luật, biết cách suy nghĩ, biết cách cân đo điều gì nên và không nên làm.
Sự thấu hiểu và ghi nhận cảm xúc này sẽ khiến cơn tức giận trong lòng trẻ dịu đi, làm giảm khả năng trẻ nói lại. Đồng thời, trẻ hiểu rằng bản thân được bố mẹ đối xử bình đẳng và yêu thương.
"Mẹ biết con đang cảm thấy tệ, hãy nghỉ ngơi một chút, chúng ta sẽ nói chuyện khi con ổn nhé!"
Hầu hết phụ huynh luôn muốn con ngoan ngoãn nghe lời, vì vậy đôi khi vô tình phớt lờ tâm trạng thực sự của con. Thực tế, mỗi đứa trẻ đều có những suy nghĩ và cảm xúc riêng đáng được tôn trọng.
Cha mẹ cần giúp con điều khiển cảm xúc bằng cách giúp trẻ bình tĩnh, hiểu rõ cảm xúc bên trong mình không có gì là sai trái khi có cảm xúc như vậy, tuy nhiên cách mà con đang hành động thì không đúng đắn.
Mẹ có thể nói với trẻ, "Mẹ biết con đang cảm thấy tệ, hãy nghỉ ngơi một chút, chúng ta sẽ nói chuyện khi con ổn nhé!" Bằng cách này, giúp trẻ bày tỏ cảm xúc theo hướng tích cực.
Khi bố mẹ giao quyền quyết định cho con, để trẻ học cách bộc lộ, điều chỉnh cảm xúc phù hợp, quá trình này sẽ giúp con trở nên ngoan ngoãn, có trách nhiệm hơn.
"Nếu con gặp khó khăn, hãy thoải mái nói với mẹ, mẹ luôn lắng nghe con"
Trong mỗi cuộc trò chuyện, lắng nghe là bước gợi mở đầu tiên, việc bố mẹ chú ý lắng nghe giúp con tự tin bộc bạch, thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc trải nghiệm của mình.
Ngược lại nếu cha mẹ không sẵn sàng lắng nghe con cái chia sẻ thì càng ngày đứa trẻ sẽ càng xa cách. Con rụt rè không dám thể hiện mình.
Đồng thời, việc lắng nghe là cách hữu hiệu để bố mẹ làm bạn với con, khi các mối quan hệ trong gia đình có đủ sự bình đẳng, trẻ sẽ dễ dàng bộc bạch, chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn.
Bác sĩ tâm lỹ gia đình, Rachel Andrew, từng cho biết: “Bố mẹ nên dành ít nhất 10 phút mỗi ngày để tham gia vào những hoạt động thường ngày của trẻ. Có rất nhiều môn thể thao hay các trò chơi mà bố mẹ và con cái có thể làm cùng nhau, ví dụ như chạy bộ, vẽ tranh, nấu ăn,…
Mục đích chính ở đây chính là tạo cho con một thói quen và khiến trẻ hiểu được tầm quan trọng của bản thân, đây là cách hữu ích để lắng nghe và làm bạn cùng con.”
Trong trường hợp trẻ thể hiện sự chống đối, bố mẹ có thể nhẹ nhàng nói "Nếu con gặp khó khăn, hãy thoải mái nói với mẹ, mẹ luôn lắng nghe con". Nhờ đó, trẻ cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng và nuôi dưỡng lòng tự tin. Mẹ sẽ biết bé tại sao lại ngang bướng và có phương pháp khiến con nghe lời phù hợp.