Trẻ sơ sinh là đối tượng có sức đề kháng kém, khả năng chịu đựng yếu ớt và vì vậy mà dễ bị tấn công bởi những tác nhân có hại bên ngoài. Cha mẹ phải hết sức cẩn thận bởi có những hành động tưởng chừng vô hại mà có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ.
Ngủ chung cùng trẻ sơ sinh không đúng cách
Gần đây, thông tin Bé 10 tuần tuổi chết ngạt vì ngủ chung với mẹ đã gây xôn xao cộng đồng bởi hiểm họa không ngờ từ việc để trẻ sơ sinh ngủ chung với bố mẹ. Mặc dù ngủ chung giúp bố mẹ và bé liên kết, gắn bó tình cảm hơn, mang lại cho trẻ cảm giác yên tâm, an toàn hơn cũng như khiến bố mẹ dễ theo dõi tình hình của bé hơn nhưng nếu như không biết cách, chính cha mẹ sẽ trở thành thủ phạm gây nên cái chết thương tâm cho con mình.
Nghiên cứu của Đại học bang Pennsylvania cho biết việc ngủ chung trong một giường của người lớn không được thiết kế an toàn cho trẻ sơ sinh, gây ra nhiều tai nạn ngoài ý muốn cho trẻ như nghẹt thở, té ngã… Một nghiên cứu của CPSC công bố trên tờ Archives of Pediatics and Adolescent Medicine cũng cho biết việc ngủ chung với bố mẹ khiến trẻ có nguy cơ bị nghẹt thở do trẻ sơ sinh bị mắc kẹt trong gối, chăn, và các vật dụng khác hoặc ngạt thở do co thắt đường hô hấp khi nằm sấp. Những người hút thuốc lá, say rượu, dùng thuốc giảm đau, chất kích thích,... thường bị suy giảm nhận thức và ý thức nên không đủ tỉnh táo để chú ý tới con nên khi ngủ cùng con dễ gây nguy hiểm cho bé.
Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước
Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước để bổ sung chất lỏng là điều không cần thiết và còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. (Ảnh minh họa)
Sữa mẹ hoặc sữa công thức là thức ăn chính của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Trẻ ở độ tuổi này chỉ cần bú sữa là đã nạp đủ chất dinh dưỡng cũng như lượng nước cần thiết cho sự phát triển thể chất. Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước để bổ sung chất lỏng là điều không cần thiết, lại cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng (uống nước nhiều khiến trẻ giảm hứng thú bú sữa) và nồng độ natri trong cơ thể bị loãng, gây nhiễm độc nước và có thể đe dọa tính mạng trẻ.
Rung lắc trẻ sơ sinh quá mạnh
Dù bé có quấy khóc, trằn trọc đến mấy, bố mẹ nhớ đừng rung lắc con quá mạnh, quá nhiều, nhất là khi ru con bằng võng để dỗ con yên lặng. Hội chứng trẻ bị rung lắc xảy ra khi bé bị lung lay, đung đưa quá nhiều, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ trẻ, dễ gây chấn thương suốt đời như mù, liệt, thậm chí tử vong. Nhóm trẻ em tầm dưới 1 tuổi có nguy cơ này cao nhất.
Để bất cứ ai ôm, hôn con
Trường hợp Bé sơ sinh tử vong vì bị người đến thăm hôn đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những bất cẩn của cha mẹ khi để người khác tùy tiện tiếp xúc với con mình. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người trang điểm đậm, người hay hút thuốc lá hoặc bất cứ ai vừa chạm vào những khu vực bẩn thỉu như bàn phím, cầu thang, tiền,... mà chưa rửa tay,... là những đối tượng dễ mang đến nhiều mầm bệnh, cha mẹ cần học cách từ chối thẳng thừng, không để lại gần trẻ sơ sinh