Bữa sáng rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, tuy nhiên hiện nay nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn mà thường cho trẻ ăn sáng vội vàng, điều này dẫn đến việc trẻ có thể thiếu hụt dinh dưỡng vã vô tình tạo ra một số tác động khác đến sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Theo chuyên gia, 4 kiểu ăn sáng dưới đây không lành mạnh đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần chú ý nhằm điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con.
Đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ
Đồ chiên rán luôn rất hấp dẫn đối với trẻ nhỏ, đặc biệt quẩy, gà rán, xúc xích là món ăn sáng khoái khẩu được nhiều bậc phụ huynh cho trẻ ăn kèm với sữa đậu nành, bánh canh, các món nước bất kỳ.
Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, tiêu thụ đồ ăn rán vào buổi sáng thường xuyên có thể ảnh hưởng đến dạ dày, khiến trẻ chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ.
Nếu trẻ ăn nhiều món nhiều dầu mỡ và nhiều chất béo trong thời gian dài vào buổi sáng, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của trẻ, tăng gánh nặng cho tỳ vị và dạ dày.
Lượng dầu ăn hàng ngày của người lớn bình thường nên dưới 25g, chức năng dạ dày và lá lách của trẻ em không tốt bằng người lớn, lượng dầu ăn hàng ngày của trẻ nên dưới 15g.
Nếu trẻ ăn nhiều món nhiều dầu mỡ và nhiều chất béo trong thời gian dài vào buổi sáng, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của trẻ, tăng gánh nặng cho tỳ vị và dạ dày, dễ gây tích tụ thức ăn, khó tiêu.
Trứng lòng đào
Trứng đã trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của nhiều gia đình, đồng thời cũng là thực phẩm được nhiều bà mẹ lựa chọn để cho con sáng, bởi trứng chứa lượng protein cao, chỉ đứng sau sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu chế biến trứng không đúng cách, có thể khiến trẻ không hấp thụ được chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Trong đó, trứng lòng đào được nhiều bậc phụ huynh dùng để cho con ăn sáng, tuy nhiên phương cách này không được các chuyên gia khuyến khích, bởi dinh dưỡng trong trứng luộc có thể đạt 98% khả năng hấp thụ, trong khi trứng lòng đào chỉ có thể hấp thụ 81%.
Người lớn hay trẻ nhỏ ăn phải trứng nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể dễ dàng bị bội nhiễm vi khuẩn, bị viêm dạ dày ruột, sốt thương hàn, nhiễm trùng huyết.
Theo CDC Hoa Kỳ, những quả trứng có bề ngoài bình thường vẫn có thể chứa một loại vi trùng gọi là Salmonella. Nếu ăn những quả trứng chưa được nấu chín hoàn toàn có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Người lớn hay trẻ nhỏ ăn phải trứng như vậy có thể dễ dàng bị bội nhiễm vi khuẩn, bị viêm dạ dày ruột, sốt thương hàn, nhiễm trùng huyết, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Thức ăn cay nóng nhiều gia vị
Lá lách và dạ dày của trẻ nhỏ chưa phát triểm, trong giai đoạn này cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống khoa học nhằm tốt cho sức khỏe.
Những món ăn cay, nóng đậm gia vị cũng có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt vào buổi sáng mùa đông lạnh giá, nếu ăn thực phẩm vị cay, chua, nồng, có thể cảm giác người ấm lên, nhưng bữa sáng kiểu này không được khuyến khích cho trẻ em, vì dễ kích thích dạ dày của trẻ và làm tổn thương đến hệ tiêu hóa.
Đồng thời, trẻ nhỏ ăn nhiều các loại gia vị cay nóng, ớt khi dạ dày rỗng dễ làm kích ứng thành dạ dày, dẫn tới phản ứng acid, sôi bụng, có thể gây khó tiêu.
Thức ăn để qua đêm
Hiện nay vẫn có nhiều gia đình giữ thói quen hâm nóng các món ăn qua đêm để dành cho bữa sáng, cách làm này tưởng chừng như tiện lợi nhưng thực tế lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Thức ăn để qua đêm, được đun nấu nhiều lần sẽ khiến các chất dinh dưỡng biến mất, thậm chí còn chuyển hóa thành chất độc hại, có nguy cơ gây ra nhiều bệnh như đau dạ dày, viêm ruột, ngộ độc thực phẩm, thậm chí là ung thư.
Thức ăn để qua đêm, được đun nấu nhiều lần sẽ khiến các chất dinh dưỡng biến mất, thậm chí còn chuyển hóa thành chất độc hại.
Thực phẩm để qua đêm cũng thường sản sinh ra loạt chất gây ung thư như nitrit, nitrat dù có hâm nóng lên cũng không thể loại bỏ được.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nitrit có thể bị phân hủy từ rau xanh sau khi để trên 6 giờ, do đó vì sức khỏe của trẻ, cha mẹ không nên cho trẻ ăn các món để qua đêm và các món đông lạnh.
Nhằm giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này và chuẩn bị những món ăn sáng phù hợp cho con, tiến sỹ, bác sĩ Trương Hồng Sơn đã có những chia sẻ hữu ích, các bậc phụ huynh nên tham khảo thêm.
Tiến sỹ, bác sĩ Trương Hồng Sơn.
Thưa bác sĩ, bữa ăn sáng có vai trò quan trọng thế nào đối với sức khỏe của trẻ?
Nghiên cứu trường Đại học King, London (Anh) khảo sát hơn 1.600 đối tượng trẻ em từ 4 - 18 tuổi cho thấy 14% bé trai và 19% bé gái không bao giờ ăn sáng, trong khi có khoảng 50% cả bé trai và bé gái đều bỏ bữa ăn này ít nhất 1 lần trong vài ngày.
Sau mỗi giấc ngủ dài từ 8-10 giờ, bữa sáng là nguồn cung cấp năng lượng chính của não, giúp bổ sung năng lượng cần thiết cho trẻ, thúc đẩy trí nhớ và khả năng tập trung tốt hơn nghiên cứu năm 2013 cho thấy, trẻ ăn bữa sáng thường xuyên có kết quả học tập tốt hơn trong các bài kiểm tra.
Bỏ bữa sáng có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc bồn chồn. Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) chỉ ra rằng việc bỏ bữa sáng có thể làm giảm lượng calo tổng thể lên đến 400 calo/ngày.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những đứa trẻ bỏ bữa ăn sáng dễ có nguy cơ bị thiếu hụt chất sắt, calci và i ốt. Một phần ba những người bỏ bữa ăn sáng thậm chí không đáp ứng được mức hấp thu dinh dưỡng được khuyến nghị thấp nhất, trong khi 1/5 đối tượng bị thiếu hụt calci và i ốt.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa tần suất ăn sáng và tình trạng dinh dưỡng của trẻ 6-17 tuổi ở Trung Quốc. từ 2010-2012 cho thấy Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ không ăn sáng trong tuần là 16. 5% (59/356), trẻ thấp còi và gầy còm là 5. 6% (20/358) và 11. 0% (39 / 356), cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trẻ ăn sáng hàng ngày.
Bữa sáng giúp kiểm soát cân nặng cho bé. Một số nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Khi không ăn sáng, cơ thể có nhu cầu bù đắp lại năng lượng thiếu hụt nên các em sẽ ăn nhanh, nhiều và no vào các bữa trưa, chiều tối. Năng lượng cung cấp quá nhiều vào cuối ngày nhưng không có hoạt động thể lực để tiêu hao sẽ tích lũy dưới dạng mỡ và gây thừa cân béo phì.
Ăn sáng thường xuyên có khả năng kiểm soát quá trình trao đổi chất tốt hơn, từ đó ngăn chặn các yêu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bữa sáng cũng có tác dụng tạo dựng những thói quen lành mạnh để xây dựng lối sống lành mạnh hơn.
Nhằm giúp trẻ phát triển tốt hơn, cha mẹ lưu ý gì khi chuẩn bị bữa sáng cho con?
Cha mẹ cần lưu ý một số điều sau khi chuẩn bị bữa sáng cho con:
Bữa sáng không ăn quá nhiều calo: Mỗi cơ thể sẽ có lượng calo tiêu thụ calo khác nhau tùy theo cơ địa và tuổi tác nhưng trong đó, lượng calo chiếm 1/4 năng lượng cần thiết mỗi ngày, khoảng từ 400 - 500 calo là thích hợp. Tránh ăn quá nhiều calo, thay vào đó là cần đa dạng các dưỡng chất khác như vitamin, protein, khoáng chất...
Bổ sung thêm sữa: Đây được xem là thời điểm tốt nhất để cơ thể có thể hấp thụ tốt nhất các dưỡng chất trong sữa, bao gồm canxi, protein, vitamin... Ngoài sữa tươi như sữa bò, sữa dê, bạn có thể thay thế bằng sữa chua (ít đường hoặc không đường).
Chọn thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa: Bữa sáng không nên ăn quá nhiều thức ăn giàu dưỡng chất, khó tiêu hóa. Cần chọn thức ăn nhẹ nhàng, đảm bảo dinh dưỡng nhưng dễ tiêu như cháo, súp, bánh mì, trứng luộc... tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn ngọt dễ dẫn đến nặng nề, buồn ngủ.
Ngoài ra, bữa sáng cũng là thời điểm tốt nhất để ăn hoa quả, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ để cung cấp vitamin, chất xơ giúp nhu động ruột hoạt động hiệu quả cho 1 ngày.
Uống nhiều nước vào buổi sáng: Sau một đêm ngủ dài, chúng ta thường rơi vào trạng thái thiếu nước, nguyên nhân là cơ thể đã dùng một lượng lớn nước cho việc tiêu thụ thức ăn và chuyển hóa dinh dưỡng
Cho trẻ ăn sáng đúng giờ: Tốt nhất là sau khi thức dậy 20-30 phút. Khi đó hệ tiêu hoá của trẻ đã “sẵn sàng” để chuẩn bị hoạt động cho một ngày dài và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể. Không nên cho trẻ ăn sáng muộn vì sẽ làm rối loạn nhịp sinh hoạt của cơ thể, làm mất cảm giác ngon miệng.
Bác sĩ có thể gợi ý những món ăn sáng phù hợp, cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ?
Sữa tươi hoặc sữa công thức: Cần luôn được duy trì vì sữa là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho mỗi bữa sáng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ chỉ uống một ly sữa buổi sáng sẽ vẫn không đủ năng lượng cho cả ngày học tập ở trường của trẻ, cần cho trẻ ăn thêm các món ăn khác kèm theo để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Yến mạch: Giúp trẻ thông mình mà còn rất tốt trong việc giảm cholestorel trong máu, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa chứng ung thư. Chỉ mất khoảng 15 phút để nấu yến mạch cán mỏng mỗi sáng là mẹ đã có một bát cháo yến mạch hoặc yến mạch trộn sữa công thức (sữa tươi) ngon lành cho bữa ăn sáng của trẻ.
Trứng chín: Trứng có chứa nguồn protein và vitamin D dồi dào, là thực phẩm lý tưởng cho ngày mới tràn đầy năng lượng
Sữa chua: Một ly sữa chua trộn trái cây mà trẻ yêu thích vào buổi sáng sẽ là gợi ý tuyệt vời cho trẻ một nguồn dinh dưỡng và năng lượng dồi dào.
Các bé lớn, bước sang tuổi thanh thiếu niên sẽ cần cung cấp nhiều canxi, các nhóm vitamin và khoáng chất thiết yếu để cơ thể phát triển mạnh về chiều cao, thể lực và trí tuệ.
Bữa sáng cho bé nên có 1 ly sữa hoặc các chế phẩm từ sữa, 1 lượng thích hợp rau xanh hoặc hoa quả tươi, 100 gram tinh bột (bánh mỳ, bánh bao, cơm, bún, phở,…) hoặc các thực phẩm giàu carbonhydrate khác
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/4-kieu-an-sang-khien-tre-cham-lon-bs-goi-y-mon-an-...Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/4-kieu-an-sang-khien-tre-cham-lon-bs-goi-y-mon-an-de-lam-du-chat-cho-con-d298491.html
Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn