Chăm sóc trẻ sơ sinh là thiên chức mà mỗi người phụ nữ khi bước vào giai đoạn làm mẹ, đều sẽ phải trải qua. Mỗi người mẹ sẽ có “vũ khí bí mật” riêng, để chăm sóc cho đứa trẻ của mình phát triển tốt nhất. Tuy nhiên để lựa chọn được phương pháp đúng đắn, không làm hại đến con thì không phải người mẹ nào cũng làm được.
Thực tế, nhiều bà mẹ lần đầu có con đã bộc lộ ra vẻ lúng túng và vụng về của mình. Với sự bỡ ngỡ và “túi khôn” kinh nghiệm chưa sâu, việc các bà mẹ mắc sai lầm trong khâu chăm sóc trẻ sơ sinh, khiến sức khỏe của trẻ gặp vấn đề là một chuyện khó tránh khỏi.
Vì vậy, mẹ cần phải có sự chuẩn bị chu toàn về kiến thức và kĩ năng, để có thể phân biệt được thói quen nào là tốt và thói quen nào sẽ gây hại đến trẻ. Từ đó, tìm ra được cách khắc phục hiệu quả những sai lầm mà bản thân thường mắc phải. Làm được điều này, em bé của bạn chắc chắn sẽ khỏe mạnh lớn lên.
Thường xuyên đeo bao tay cho trẻ
Đeo bao tay, bao chân cho trẻ là hành động mà mỗi bà mẹ vẫn thường thực hiện, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Lợi ích đến từ việc làm này là giữ ấm cho cơ thể vốn còn khá yếu, và nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Đồng thời, hạn chế được việc trẻ tự cào vào mặt, gây trầy xước trong trường hợp móng tay mọc dài và nhọn. Lúc này, hành vi vung vẩy của trẻ được thực hiện khi trẻ chưa có sự hoàn thiện về phương hướng. Thế nên, không thể tránh được việc trẻ vô tình quơ tay trúng vào mặt.
Đối với thói quen đeo bao tay cho trẻ, mặc dù không hoàn toàn sai nhưng nó vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Nó là “con dao hai lưỡi” đối với mỗi đứa trẻ, nếu như bố mẹ không dành sự quan sát và theo dõi kỹ vấn đề này.
Thực tế đã chứng minh, có một vài trường hợp những sợi chỉ, len bên trong của nó rơi ra đã quấn vào tay trẻ. Trong tình huống trẻ vận động nhiều, những sợi chỉ, len sẽ càng siết chặt tay, chân trẻ, khiến cho quá trình lưu thông máu bị cản trở. Nếu không phát hiện kịp thời, hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh là giai đoạn đang phát triển mạnh mẽ các giác quan. Nếu bố mẹ đeo bao tay, bao chân cho trẻ thường xuyên thì sẽ làm hạn chế sự phát triển xúc giác của trẻ.
Bao tay sẽ làm cản trở hoạt động của trẻ, đồng thời sợi chỉ, len bên trong có thể khiến trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm.
Dùng đèn flash để chụp ảnh trẻ
Vì được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu ánh sáng ở trong bụng mẹ một thời gian khá lâu, nên trẻ sơ sinh khi mới chào đời thường rất nhạy cảm với ánh sáng. Khả năng thích nghi còn hạn chế, vậy nên phải mất một thời gian để trẻ làm quen từ từ. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh thường hay nhắm chặt mắt để tránh ánh sáng càng nhiều càng tốt.
Trong quá trình hoàn thiện và phát triển thị giác, nếu bố mẹ dùng đèn flash để chụp hình cho trẻ với tần suất nhiều, điều này sẽ vô tình khiến cho đôi mắt của trẻ gặp vấn đề.
Bởi vì ánh sáng mạnh từ đèn flash của điện thoại, khi được chiếu thẳng vào mắt, thị giác của trẻ sẽ bị kích thích, gây ảnh hưởng đến võng mạc. Lúc này, thị giác nhạy cảm của trẻ sơ sinh có thể bị yếu đi. Để tránh tác hại từ việc làm sai lầm của bố mẹ và bảo vệ tốt đôi mắt cho trẻ, hành động trên nên được chấn chỉnh ngay từ bây giờ.
Cho trẻ bú nằm
Tình trạng nôn trớ, sặc sữa ở trẻ sơ sinh xảy ra rất phổ biến. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho hiện tượng này, trong đó tư thế cho trẻ ăn uống, bú sữa mẹ không đúng cách cũng là một nguyên nhân lớn.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, thói quen cho trẻ bú khi nằm ngửa là vô cùng nguy hiểm, nếu không kịp thời chỉnh sửa sẽ dẫn đến hậu quả rất khó lường.
Hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh đang trong quá trình hoàn thiện, vì thế nó không thể hấp thụ nhanh chóng lượng sữa lớn được dung nạp vào. Từ đó, trẻ có nguy cơ bị sặc sữa gây ra hiện tượng sữa chảy ngược vào mũi, họng khiến cho trẻ bị ngạt thở. Trường hợp thời gian cấp cứu kéo dài, trẻ sẽ bị đột tử.
Bệnh trào ngược dạ dày, thực quản ở trẻ cũng xuất phát từ tư thế sai khi cho trẻ bú hay ăn uống của mẹ. Vì vậy, để không đưa trẻ rơi vào các mối nguy hiểm trên thì mẹ nên cẩn trọng hơn trong tư thế cho con bú của mình.
Giải pháp để giảm thiểu tình trạng trớ sữa ở trẻ sơ sinh, đó là tư thế đúng khi cho con bú của mẹ.
Thường xuyên quấn khăn cho trẻ
Phương pháp quấn khăn để giữ ấm và giúp em bé sơ sinh ngủ ngon, được áp dụng khá rộng rãi ngày nay. Khi quấn khăn cho trẻ, bé sẽ có cảm giác an toàn như khi ở trong bụng mẹ, vì thế mà giấc ngủ của trẻ sẽ sâu hơn, ít bị giật mình.
Đồng thời, thói quen quấn khăn cũng sẽ giúp mẹ cố định được tư thế nằm ngửa ở trẻ sơ sinh, tránh hành động trẻ lật sấp, dẫn đến khó thở.
Tuy nhiên, thói quen này chỉ hợp cho những em bé mới sinh. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên thì cần phải hạn chế lại. Theo các kết quả nghiên cứu sức khỏe ở trẻ sơ sinh, việc mẹ quấn khăn thường xuyên sẽ làm sức đề kháng của trẻ giảm, đồng thời sự phát triển của các cơ xương và các giác quan cũng bị cản trở.
Bởi vì giai đoạn này, nhận thức của trẻ sơ sinh đang dần phát triển, trẻ sẽ cảm nhận được mọi thứ xung quanh qua xúc giác tay, chân. Nếu nó bị kìm hãm thường xuyên, đồng nghĩa với việc nó sẽ không có cơ hội để phát huy chức năng một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, khi mẹ bao bọc trẻ trong khăn thường xuyên hoặc quấn khăn quá chặt, mồ hôi của trẻ sẽ tiết ra nhiều, nhưng không có đường thoát ra bên ngoài. Dẫn đến tình trạng trẻ bị cảm lạnh hoặc bị nổi mụn cộp.
Quấn khăn thường xuyên không chỉ khiến trẻ khó chịu, mà còn kìm hãm sự phát triển của trẻ.