Nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh vốn dĩ không phải là một việc dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Mỗi ngày, những ông bố bà mẹ phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết để chăm lo cho trẻ từng bữa ăn và giấc ngủ.
Nếu con ăn không ngon, ngủ không yên thì bố mẹ liền lo lắng đến “nóng cả ruột”. Đặc biệt, khi trẻ thường xuyên gặp phải ác mộng, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất lực và loay hoay không biết phải giải quyết tình trạng này như thế nào?
Trẻ nhỏ thường có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, nhận thức và sự tò mò về thế giới xung quanh ở trẻ ngày càng mở rộng. Điều này đã một phần tác động đến “bức tranh trong mơ” của trẻ.
Vì vậy, không phải lúc nào giấc ngủ của trẻ cũng sẽ yên lành với những giấc mơ tuyệt đẹp. Ngược lại, có những giấc mơ khi ngủ sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái sợ hãi, người ta thường gọi đó là cơn ác mộng.
Nếu bố mẹ không kịp thời xoa dịu, thậm chí là ngăn chặn chúng xâm nhập vào giấc ngủ của trẻ thì giấc ngủ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Khi giấc ngủ của trẻ không được chăm sóc tốt thì sức khỏe của trẻ sẽ gặp vấn đề nguy hại.
Để tránh những tác nhân gây cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ, các chuyên gia “mách” bố mẹ những biện pháp giúp trẻ vượt qua nỗi sợ gặp ác mộng, đồng thời cải thiện giấc ngủ ngon cho trẻ.
Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ cho trẻ
Trong cuộc sống hằng ngày, bố mẹ nên rèn luyện cho trẻ một lối sống tích cực. Bố mẹ tạo điều kiện để trẻ tự do vui chơi, học tập, phát triển trong môi trường mà trẻ mong muốn. Thay vì áp đặt những chuẩn mực cao, nghiêm khắc trong việc dạy dỗ thì sự mềm mỏng của bố mẹ sẽ khiến cho trẻ tự tin trưởng thành.
Bởi vì khi bố mẹ tạo cho trẻ quá nhiều áp lực, trẻ sẽ cảm thấy bị bức bối và lo lắng. Nếu không thể giải tỏa, trẻ sẽ mang tinh thần tiêu cực đó đi vào giấc ngủ. Điều này sẽ là nguyên nhân khiến cho trẻ gặp ác mộng.
Ngoài ra, trẻ đến độ tuổi đi học thì đồng nghĩa với việc vòng tròn xã hội của trẻ sẽ ngày một rộng ra. Mỗi ngày, trẻ sẽ có sự giao tiếp với nhiều người khác nhau. Lúc này, trẻ hoàn toàn không có khả năng chống chọi với những điều tiêu cực từ xung quanh tác động đến.
Vì vậy, trẻ sẽ ôm sự buồn bã, những vấn đề không vui trở về nhà và bắt đầu suy nghĩ lung tung. Đó là lý do mà bố mẹ cần dành thời gian để quan tâm, chia sẻ với trẻ nhiều hơn để giúp trẻ xoa dịu những cảm xúc tiêu cực.
Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ sẽ giúp trẻ có một giấc ngủ ngon với nhiều giấc mơ ngọt ngào.
Tạo môi trường, tư thế ngủ phù hợp và thoải mái
Một căn phòng ấm áp, xinh xắn và đầy đủ đồ dùng cần thiết sẽ là một nơi lý tưởng để trẻ có được những giấc ngủ yên lành. Bố mẹ hãy cho trẻ cảm nhận được hơi ấm gia đình và sự an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Từ đó, những ác mộng sẽ không bao giờ tìm đến trẻ.
Nếu trẻ sợ bóng tối, bố mẹ đừng do dự mà lắp cho trẻ một chiếc đèn ngủ phù hợp. Đồng thời, hãy để những “người bạn thân cận” của trẻ gần bên cạnh để trấn an chúng như: gấu bông, gấu ôm, đồ chơi yêu thích,... Trong trường hợp trẻ bị ác mộng đánh thức, bố mẹ nên đảm bảo kịp thời xuất hiện bên trẻ và thể hiện những hành động âu yếm để vỗ về và xoa dịu trẻ.
Ngoài ra, tư thế ngủ đúng đắn cũng là một nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Việc bố mẹ đắp quá nhiều đồ lên người trẻ trong khi ngủ, là một hành động chưa thực sự đúng đắn.
Đặc biệt là phần đầu và ngực của trẻ, nếu bị đè ép nhiều thì trẻ sẽ cảm thấy bức bối, khó chịu. Điều này vô tình lại khiến cho trẻ dễ rơi vào trạng thái gặp ác mộng khi ngủ.
Môi trường và tư thế ngủ rất quan trọng để cải thiện cho trẻ một giấc ngủ chất lượng.
Hạn chế để trẻ vận động với cường độ cao sát giờ đi ngủ
Mặc dù việc trẻ tăng cường vận động, rèn luyện thể dục thể thao là rất tốt cho sự phát triển thể chất và trí não của trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần giúp trẻ phân bổ thời gian biểu hợp lý. Đặc biệt trước giờ đi ngủ khoảng 1 tiếng, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ vận động mạnh. Đối với các trò chơi căng thẳng, càng hạn chế để trẻ tham gia càng tốt.
Bởi vì trước khi ngủ, não bộ của trẻ cần được làm dịu lại để nghỉ ngơi. Trẻ sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn khi có sự chuẩn bị với một tinh thần thoải mái.
Nếu trẻ đang hoạt động mạnh nhưng lại đột ngột bị bắt leo lên giường đi ngủ, lúc này tế bào thần kinh của trẻ vẫn chưa kịp trở lại trạng thái bình thường, mà tiếp tục giữ sự hưng phấn quá độ thì trẻ sẽ dễ rơi vào giấc ngủ mơ hồ và gặp ác mộng sau đó.
Cơ thể của trẻ cần được "làm dịu" để chuẩn bị cho một giấc ngủ sau thời gian miệt mài hoạt động.
Không kể cho trẻ nghe những câu chuyện kinh dị
Trước khi ngủ, tinh thần của trẻ cần được “chữa lành” sau những khoảng thời gian học tập và vui chơi. Vì vậy, bố mẹ không thể để cho não bộ của trẻ lưu giữ những điều tiêu cực trước khi trẻ đi vào giấc ngủ.
Những câu chuyện ma kinh dị là thứ mà trẻ không nên được nghe, bởi vì trí tưởng tượng của trẻ là vô hạn. Nếu trẻ từ trong những câu chuyện đó, hình dung ra nhiều hình ảnh ghê rợn thì trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và hoảng loạn.
Lúc này, trẻ sẽ hoàn toàn mất đi dũng khí để bước lên giường và ngủ một mình trong căn phòng của mình. Khi trẻ không cảm nhận được sự an toàn mà ngược lại là những cảm xúc căng thẳng, việc trẻ mơ những giấc mơ xấu là một chuyện không thể tránh khỏi.
Mặc dù, theo các chuyên gia thì vấn đề trẻ gặp ác mộng khi ngủ là tương đối phổ biến trong thực tế. Nhưng vì sự phát triển lành mạnh của trẻ trong tương lai, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ thì bố mẹ nên có những cách phòng ngừa hợp lý.
Bố mẹ có thể giúp đầu óc của trẻ thư thái hơn bằng những giai điệu âm nhạc nhẹ nhàng, hoặc những câu chuyện cổ tích thần tiên trước khi ngủ.
Để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ, bố mẹ có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện nhẹ nhàng trước khi ngủ.