Dưới đây là bài chia sẻ của thạc sĩ Heather Steiger, một giáo viên tiểu học, nhà văn, bà mẹ có ba con, về những câu hữu ích bạn nên nói với con để bé ngay lập tức ngưng mè nheo, đòi hỏi vô lý:
Tuần trước, lúc ở trong siêu thị, khi đang nghe tiếng bíp bíp từ máy thanh toán, một âm thanh mới ngay lập tức đập vào tai tôi. Đó là một em bé, tuổi mẫu giáo, đang mè nheo đòi mẹ mua cho những chiếc kẹo mút, vị anh đào.
"Mẹ, con lấy những chiếc này nhé", bé gái hỏi.
"Không, con yêu", người mẹ mỉm cười.
"Nhưng mẹ ơi, con chưa có cái nào".
"Chúng mình có rất nhiều kẹo ở nhà rồi con ạ", người mẹ nhắc lại.
"Nhưng con chưa có cái nào như thế này", bé gái tiếp tục.
"Mẹ đã nói là không", người mẹ đáp, trong lúc lướt qua một tờ tạp chí.
Thấy có vẻ không thể thay đổi quyết định của mẹ bằng lời nói, cô bé thay đổi chiến thuật. Mặt bé đỏ lên và tuôn một tràng về sự bất công, vô lý của mẹ. Cuối cùng, cô nàng quay ra gào khóc, giãy giụa.
"Nào, thế nhặt vào giỏ đi", người mẹ nhượng bộ. "Nhưng con không được ăn cho tới khi xong bữa tối đấy nhé".
"Con chỉ cắn một miếng khi vào ô tô được không ạ?", cô gái nhỏ hỏi. "Chúng ta sẽ nói về chuyện đó khi vào xe", người mẹ nói. Những giọt nước mắt ngay lập tức biến thành nụ cười trong vòng chưa tới một phút khi cô bé có được thứ mình muốn.
Ảnh minh họa: Forbes. |
Tôi không phải là một bà mẹ hoàn hảo nhưng tôi biết rằng điều bà mẹ này vừa làm: tránh cơn thịnh nộ của con bằng màn chấp nhận mặc cả như trên là không đúng. Khi trẻ ngày càng lớn lên, bạn sẽ tiếp tục nhân nhượng như vậy ư? Và quan trọng hơn, con bạn sẽ không hiểu được rằng, cuộc đời nó sẽ có rất nhiều lần không thể có được điều mình muốn.
Tôi muốn dành cho bà mẹ này và các bạn 5 cách hiệu quả hơn, để tránh những cơn mè nheo của trẻ. Mỗi cách trong số này đều tốt và bạn có thể chọn cách nào tùy thuộc vào tâm trạng của mình.
Điều quan trọng là, dù dùng cách gì, cũng hãy luôn kiên định. Nếu bạn nói không thì có nghĩa là không. Nếu bạn thay đổi, trẻ sẽ đạt được không chỉ là một mẩu kẹo mà còn là nhận thức rằng bạn có thể dễ dàng bị lung lay.
Dưới đây là những cụm từ bạn có thể thực hành ngay:
1. "Đã hỏi và đã trả lời"
Câu đơn giản này có hiệu quả rất lớn. Và bạn phải nhớ, hãy nhắc đi nhắc lại "câu thần chú" này một cách nhất quán.
Bé: Mẹ, mua cho con cái này nhé?
Mẹ: Không, con yêu.
Bé: Nhưng mẹ ơi, con chưa có cái nào cả.
Mẹ: Con đã hỏi và mẹ đã trả lời rồi nhé.
Bé: Mẹ chẳng bao giờ mua cho con cái gì.
Mẹ: Đã hỏi và đã trả lời.
Nếu trẻ tiếp tục mè nheo, bạn hãy trở thành một chiếc robot, lặp đi lặp lại câu này.
2. Mẹ đã bàn về việc này rồi.
Trẻ: Đêm nay bạn An ngủ ở nhà mình mẹ nhé?
Mẹ: Không, bạn ấy vừa qua đêm ở nhà mình tuần trước rồi.
Trẻ: Mẹ đồng ý đi mà.
Mẹ: Mẹ không bàn về chuyện này nữa.
Trẻ: Nhưng...
Sau đó, mẹ đừng nên nói thêm câu gì. Hãy dịu dàng mỉm cười, nghiêng đầu nhẹ, ánh mắt bình thản nhất có thể rồi đi ra chỗ khác.
3. Dừng chuyện này ở đây
Bé: Con đi xe đạp mẹ nhé?
Mẹ: Không con ạ, ngoài trời đang mưa.
Bé: Nhưng con mặc áo mưa và trời chỉ mưa bé thôi.
Mẹ: Dừng chuyện này ở đây
Bé: Nhưng con muốn đi xe đạp.
Mẹ: Con đã hỏi và mẹ đã trả lời.
Nếu trẻ tiếp tục mè nheo, bạn lại sử dụng chiến thuật trở thành robot: Nhắc đi nhắc lại.
4. Đừng nói lại chuyện này nữa
Bé: Con muốn đôi giày này.
Mẹ: Không, nó quá đắt.
Bé: Nhưng con không thích đôi kia.
Mẹ: Chính con đã chọn đôi kia và bỏ vào giỏ. Thế là xong. Đừng nói về việc này nữa.
Bé: Con cần đôi giày này!
Mẹ: Con nói lại chuyện này nữa là con mất món tráng miệng cho tối nay đấy!
Với phản ứng này, bạn có thể khiến con tức giận, thậm chí khóc lóc, nhưng hãy nhớ là: Cần phải giúp con hiểu việc làm mẹ của bạn là một hành trình dài, không phải cuộc đua nước rút.
5. Đã quyết định xong. Nếu con hỏi lại lần nữa thì sẽ có hậu quả đấy.
Bé: Con xem iPad nha mẹ?
Mẹ: Không, con biết là con không được phép đụng tới điện thoại, iPad khi ngồi vào bàn ăn mà.
Bé: Con sẽ không ăn gì nữa!
Mẹ: Đã quyết định xong. Nếu con đòi thêm lần nữa, con sẽ chịu hậu quả đấy.
Bé: Nhưng con chơi một chút thôi.
Mẹ: Mẹ bảo con đừng nhắc lại việc đó nữa. Sẽ không được đụng tới iPad một chút nào từ giờ tới hết ngày.
Khi thực hành những câu "thần chú" trên, bạn cũng cần chuẩn bị đón nhận những cơn thịnh nộ của trẻ, cho tới khi bé học được rằng không phải lúc nào chúng cũng đạt được điều mình muốn. Đây là một bước tập dượt cho cuộc sống thực sự của trẻ sau này.
Con bạn thậm chí sẽ nhận ra rằng không điều gì có thể thay đổi được quyết định của mẹ. Đây là cách khiến trẻ tôn trọng bạn và thiết lập một mối quan hệ mà trẻ chấp nhận quyết định của bố mẹ.
Ngoài việc áp dụng các câu trên, bạn cũng đừng quên điều quan trọng: Hãy luôn lắng nghe con, trở thành người bạn tốt nhất của con, và khi cần phạt, hình thức cho bé đứng riêng một góc vẫn hiệu quả.
Sau nhiều năm sử dụng những cụm từ này với con, tôi gặt hái được nhiều thành quả mỗi ngày mà không cần những trận chiến nước mắt hay các màn đấu khẩu với chúng.
Đây là một cuộc đối thoại của tôi với cô con gái 4 tuổi, trong lúc tôi viết bài báo này:
Con gái: Con ăn một chiếc bánh quy nha mẹ?
Tôi: Được, con có thể ăn một chiếc.
Con gái: Con lấy 3 cái được không?
Tôi: Chuyện này đã nói xong rồi.
Con gái: Tất nhiên, con sẽ bẻ nó ra làm đôi, vậy là con có hai chiếc.
Chắc chắn, tôi thấy trong câu cuối của con ẩn chứa sự khó chịu nhưng tôi vẫn thắng trong "trận" này. Con hài lòng ăn một chiếc bánh và tôi vui vẻ tiếp tục công việc của mình. Bạn cũng có thể luôn tránh những màn mè nheo, đòi hỏi của con nếu áp dụng 5 câu như trên. Có thể khó lúc đầu nhưng thực sự nhận được thành quả xứng đáng.
Vương Linh (Theo Yourtango)