Ngay từ những ngày đầu tập nói, bé đã bắt đầu biết quan sát và học hỏi từ chính ba mẹ của mình, ngay cả khi ba mẹ không gặp, không nói chuyện với bé trong vòng một tháng. Đồng thời, bé cũng sẽ thể hiện ra cho ba mẹ thấy bé đang cảm thấy như thế nào ngay cả khi chưa biết nói.
Đó là lý do tại sao ba mẹ nên chú ý và tương tác thường xuyên với con nếu muốn con hiểu, học hỏi và biết nói chuyện, biết thế hiện qua lời nói của mình.
Thông thường, trẻ từ 3 – 6 tháng nói được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”. Từ 6 – 9 tháng: nói được 2 âm khác nhau như “ma ma”, “da da”. Từ 9 – 12 tháng: trẻ phát âm “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ.
Trẻ từ 3-6 tháng đã bắt đầu tập nói. Ảnh minh họa
Tùy theo mỗi trẻ, khi được khoảng 11 tháng hay 1 tuổi có trẻ nói được khoảng 2 – 3 từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà. Từ 12 – 15 tháng: trẻ có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục. Từ 15 – 18 tháng: sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau.
Từ 2 – 3 tuổi: nói rất nhiều, biết từ 50 – 200 từ, tự nói chuyện khi chơi. Sau 2 tuổi mà trẻ chưa thể nói tròn vành rõ chữ thì rất có thể bé đang gặp tình trạng chậm nói, cha mẹ cần lưu ý.
Để con tập nói nhanh và chuẩn từng câu chữ, cha mẹ cần lưu ý:
Nói chuyện, nói chuyện, nói chuyện
Cha mẹ hãy nói chuyện với con hàng ngày, ngay cả khi con chưa biết nói. Cha mẹ có thể nói với con những điều giản đơn nhất, ví dụ như "Bây giờ chúng ta sẽ đi tắm, tắm xong chúng ta sẽ cùng đi bộ nhé!”.
Đọc, đọc, đọc
Không bao giờ là quá sớm để đọc cho con nghe những câu chuyện cổ tích. Khoảng thời gian cha mẹ đọc sách cho con sẽ có thể tạo ra một nhân tố tài năng trong tương lai.
Có thể bắt đầu bằng những quyển sách đơn giản, những cuốn truyện tranh và những câu chuyện dài hơn khi con lớn thêm một chút. Từ đây, tình yêu của con với sách cũng dần được hình thành.
Cha mẹ cũng có thể xây dựng các câu chuyện phức tạp với các nhân vật, tình tiết mâu thuẫn, phiêu lưu và một kết thúc có hậu để kể cho con nghe. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng những câu chuyện phù hợp với sở thích của con và không quá đáng sợ đối với trẻ nhỏ.
Cha mẹ nên nói chuyện và đọc sách cho con nghe thường xuyên. Ảnh minh họa
Cùng con nghe nhạc
Trẻ nhỏ rất yêu âm nhạc và các hoạt động khác. Những bài hát sống động sẽ giúp con tìm hiểu về thế giới xung quanh và làm quen với tính nhạc của ngôn ngữ.
Làm theo chỉ dẫn của con
Nếu con bạn tỏ ra thích thú với một bức tranh trong một cuốn sách nào đó, hãy dẫn dắt và nói với con về bức tranh ấy. Nếu con bị thu hút bởi một chiếc thuyền, cha mẹ hãy nói cho con nghe về những chiếc thuyền. Thậm chí, bạn có thể ghi âm lời nói và mở lại cho con nghe.
Không bao giờ chỉ trích cách phát âm hay cách diễn đạt của con
Thay vì chỉ trích khi con phát âm hay diễn đạt chưa đúng, cha mẹ có thể lặp lại các nhận định của mình với con bằng cách phát âm chính xác hoặc sử dụng từ phù hợp để con nghe và làm theo. Và quan trọng nhất là hãy cho con thật nhiều lời khen ngợi cho những điều con đã nỗ lực làm được.
Trên đây là một vài cách mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng trong quá trình dạy con học nói. Những phương pháp này được các chuyên gia đánh giá là có hiệu quả và hữu ích rất lớn giúp trẻ không chỉ nhanh biết nói, nói đúng mà còn nói với nhiều từ ngữ đa dạng và ý nghĩa.
* Bài viết tham khảo thông tin từ Parent, WebMD, Babycentre