Thực hiện những lời khuyên dưới đây, bố mẹ sẽ giúp trẻ có “hứng” ăn hơn vào mùa nóng:
1. Ăn sáng đủ dinh dưỡng
Hiện nay, chế độ ăn uống của nhiều gia đình không đáp ứng đủ chất xơ cần thiết, nhất là hàm lượng dinh dưỡng vào bữa sáng không được đảm bảo. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh bận rộn, nếu có quá ít thời gian để chuẩn bị bữa sáng cho trẻ thì các loại bánh có thành phần chính từ các loại ngũ cốc giàu chất xơ là một lựa chọn hợp lý vừa nhanh gọn lại đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Ảnh minh họa: Webphunu. |
2. Hạn chế đồ uống lạnh và kem
Trong những ngày nắng nóng, nhiều trẻ em thích uống nước lạnh. Về điểm này, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, uống nhiều đồ uống lạnh và kem sẽ khiến nồng độ glucose tăng cao, có thể gây ảnh hưởng đến chế độ ăn uống bình thường của trẻ.
Đồ ăn vặt chỉ nên cho trẻ ăn với một lượng vừa phải và không nên thay thế các bữa ăn chính. Việc ăn vặt của trẻ trước bữa ăn sẽ làm giảm sự thèm ăn trong các bữa ăn chính. Do vậy, cha mẹ không nên cất trữ quá nhiều đồ ăn nhẹ trong nhà.
3. Bổ sung vitamin tự nhiên
Mùa hè, cơ thể trẻ có thể bị thiếu vitamin, trong đó các vitamin B1, B2, B6, C và PP bị tiêu hao rất nhanh. Trẻ có thể ham chơi mà quên mất ăn nhẹ hay uống nước khiến chúng dễ bị cảm, mệt và suy giảm miễn dịch.
Trái cây là một nguồn cung cấp khá nhiều vitamin và dưỡng chất, chất xơ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống được các bệnh mùa hè. Những loại quả như dưa hấu, dâu tây, bơ, đu đủ hay dứa... rất phổ biến trong mùa hè mà lại tốt cho sức khỏe của bé, có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.
4. Đừng ép trẻ ăn
Khi cho con ăn, các mẹ hãy tạo cảm giác thoải mái khi như đang chơi với bé vậy. Đừng ra lệnh cho con là phải ăn như thế nào, ăn bao nhiêu hay nói với bé những câu đại loại như: “Con phải ăn hết phần rau này của con” khiến bé cảm thấy áp lực.
5. Thực đơn phong phú
Thời tiết nắng nóng nên rất cần dinh dưỡng giải nhiệt cho cơ thể. Hãy cho trẻ ăn nhiều hơn ngày thường với nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt (rau bí, rau rền… ), bổ sung bữa ăn bằng những bữa ăn phụ bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua,…Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thêm từ một đến hai hũ sữa chua mỗi ngày để giúp tiêu hóa tốt và uống thêm 400-500ml sữa mỗi ngày, có thể uống sữa tươi hoặc sữa bột nguyên kem.
Khi chế biến thức ăn vào mùa nóng nên giảm lượng chất béo, hạn chế nấu các món xào rán để giảm lượng, nên ăn các món luộc như thịt, cá, đậu luộc… hay thịt, tôm rim ăn cùng các món canh rau.
6. Lưu ý khi cho trẻ uống nước
Không cho trẻ uống nước để trong tủ lạnh, nước đá, vì dễ gây viêm họng, thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh thân thể sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy, bệnh truyền nhiễm...
Cho trẻ uống đủ nước, khoảng 100ml một kg cân nặng mỗi ngày. Cho trẻ uống thức uống có giá trị dinh dưỡng như sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua, sinh tố, nước ép trái cây.
Theo Webphunu