Trẻ em luôn thích khám phá đồ chơi. Trẻ tò mò về tất cả những gì thấy và nghe được, có xu hướng sờ, cắn và ngửi bất kì thứ gì trong tầm tay. Đồ chơi ngoài giải trí còn có thể giúp trẻ phát triển nhiều kĩ năng và trí thông minh.
Đồ chơi được phân loại theo nhóm tuổi và tính cách. Đồ chơi cho trẻ chập chững khác với đồ chơi của trẻ sắp đến trường. Các bé gái ưa thích đồ chơi khác với bé trai.
Rất nhiều người cho rằng đồ chơi chỉ là những vật giải trí để giữ trẻ yên lặng hay tập trung. Thực tế, đồ chơi tốt có thể giúp trẻ định hình sở thích và từ đó góp phần vào lựa chọn nghề nghiệp và nhiều quyết định khác trong cuộc sống sau này.
Dưới đây là 6 gợi ý khi chọn đồ chơi cho trẻ mà phụ huynh có thể cân nhắc.
1.Hãy chọn đồ chơi có nhiều cách chơi
Những đồ chơi “mở” có thể chơi bằng nhiều cách là một lựa chọn thông minh của cha mẹ. Trẻ sẽ không chỉ chơi mà còn nghiền ngẫm và khám phá nhiều cách chơi với món đồ này. Trẻ có thể tách, mở, lắp ghép và dựng nhiều hình dạng khác nhau. Trẻ từ 3-5 tuổi rất thích lắp ráp và tháo rời đồ chơi. Nắm bắt được sở thích này, cha mẹ hãy mua những đồ chơi đáp ứng được điều đó. Những đồ chơi lắp ráp bằng gỗ hay nhựa, có thể tạo hình người, ngôi nhà hay con vật là những ví dụ phù hợp.
2. Hãy chọn đồ chơi phát huy khả năng giải quyết tình huống
Có nhiều đồ chơi khiến trẻ suy nghĩ cách giải quyết, từ đó phát huy kĩ năng suy luận logic của trẻ và trẻ sẽ hưởng lợi từ điều này khi đến tuổi đi học tiếp thu kiến thức. Một món đồ chơi không nên chỉ là một vật vô tri làm để giết thời gian của trẻ. Trước khi mua, cha mẹ hãy nghĩ về tác dụng đa chiều có thể đem lại cho trẻ. Thông qua đồ chơi, trẻ có thể học những kĩ năng phối hợp và tổng hợp cơ bản.
3. Hãy chọn đồ chơi khơi gợi tính sáng tạo
Cha mẹ hãy chọn cho trẻ món đồ chơi kích thích ý tưởng mới và khả năng sáng tạo của trẻ. Giúp trẻ tưởng tượng và hình dung sự vật, sự việc. Trí tưởng tượng làm tăng khả năng sáng tạo và suy nghĩ đa chiều, giúp não bộ phát triển và hoạt động tối đa.
4. Hãy chọn đồ chơi mô phỏng đồ vật thường ngày
Có nhiều đồ chơi mô phỏng đồ vật thường ngày như điện thoại đồ chơi, điều khiển đồ chơi, bộ nấu bếp, v..v..v. Khi trẻ chơi những đồ chơi mô phỏng, trẻ sẽ làm quen và nhớ được tên cũng như tính năng của các đồ vật xung quanh. Ngoài ra, trẻ sẽ tò mò và hiếu kì và tăng độ quan sát của người lớn khi sử dụng đồ hàng ngày, khiến trẻ cảm thấy trẻ có thể hoàn toàn sử dụng được như người lớn. Những đồ chơi điện tử phù hợp với trẻ trên 5 tuổi. Cha mẹ không nên cho trẻ chơi đồ điện tử quá sớm, điều này có thể ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ sau này.
5. Hãy chọn đồ chơi thông minh
Có nhiều đồ chơi tập trung giúp trẻ phát triển khả năng suy nghĩ logic, hay còn gọi là đồ chơi thông minh. Đồ chơi thông minh giúp trẻ vừa học vừa chơi, kích thích trẻ tìm tòi và suy nghĩ. Dù bạn chọn đồ chơi nào cho trẻ, hãy chắc chắn rằng kĩ năng trẻ đạt được có thể áp dụng chứ không chỉ để giải trí và ngắm nhìn. Một ví dụ nhỏ, nếu bạn mua cho trẻ một con búp bê, hãy mua một con búp bê có thể cử động hoặc mô phỏng được các bộ phận cơ thể chứ đừng mua một con búp bê cứng và không thể xoay chuyển.
6. Lưu ý đến chất liệu của đồ chơi
Hầu hết đồ chơi cho trẻ em được làm bằng nhựa hoặc sợi. Hãy rất cẩn thận với những đồ chơi nhựa rẻ tiền vì chúng thường chưa chất hoá học nguy hiểm. Trẻ em có xu hướng cho đồ chơi vào miệng như một bản năng. Chất hoá học từ nhựa sẽ đi vào cơ thể trẻ và gây ra tác hại nghiêm trọng. Hãy chắc chắn bạn mua đồ chơi chất lượng từ những hãng uy tín và đọc thật kĩ thành phần của chất liệu.
Một số trẻ dị ứng với những thành phần nhất định. Khi trẻ có dấu hiệu dị ứng, hãy dừng ngay tất cả đồ chơi cùng chung chất liệu và để chúng tránh xa trẻ. Một lưu ý nữa đó là hãy chọn đồ chơi đảm bảo không dễ vỡ vì điều này gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Hãy chọn đồ chơi chống cháy và chất liệu không độc hại để bảo đảm an toàn. Đồ chơi có tiếng động quá lớn cũng cần tránh vì chúng sẽ làm giảm khả năng nghe của trẻ.