Khả năng sáng tạo là điều mà bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình có. Một số trẻ có sức sáng tạo nổi trội hơn hẳn các bạn cùng lứa. Chúng ta thường tự hỏi khả năng này là thiên bẩm, hay do tác động của giáo dục hay phương pháp cụ thể nào đó.
Thực tế, sáng tạo là kết quả của cách suy nghĩ và mọi tác động lên một cá nhân khi còn là đứa trẻ. Nếu cha mẹ có thể nuôi dưỡng khả năng đó, khi lớn lên trẻ sẽ vẫn giữ được sức sáng tạo và phát huy nhiều hơn nữa.
Tất cả mọi người đều được sinh ra với những khả năng thiên phú nhất định. Chỉ khi được phát hiện và nuôi dưỡng bởi cha mẹ, trẻ mới có thể bộc lộ chúng. Sự sáng tạo giúp chúng ta thực hiện các công việc hàng ngày một cách thoải mái nhất. Sức sáng tạo cao có thể giúp những đứa trẻ trở thành nhà khoa học, nghệ sĩ hay nhà phát minh.
Cha mẹ đóng vai trò lớn trong việc phát hiện ra khả năng của con mình và giúp con phát triển ở mức tốt nhất.
Có nhiều cách giúp phụ huynh nuôi dưỡng và ủng hộ trẻ sáng tạo. Chúng ta không thể ép trẻ có nhiều ý tưởng, nhưng có thể đem lại cho trẻ một môi trường kích thích sáng tạo và sự mới mẻ. Bạn có thể xem những cách dưới đây và áp dụng với trẻ.
1. Cho trẻ chơi đồ chơi nhiều hình khối và màu sắc.
Đây là một cách đơn giản giúp quan sát óc sáng tạo của trẻ. Bạn có thể dùng các hình khối hay mảnh ghép. Hãy quan sát trẻ chơi, đừng can thiệp hay chỉ dẫn.
Tự mày mò các trò chơi hình khối giúp trẻ thông minh hơn
2. Lắng nghe con của bạn
Sự lắng nghe của cha mẹ không nhất thiết phải qua giao tiếp thông thường, hãy để ý đến sở thích của con với những đồ vật, màu sắc và hình dáng. Tạo cho con môi trường kích thích sáng tạo tràn ngập sở thích của mình thay vì những đồ chơi đứa trẻ nào cũng có.
Trẻ sẽ thể hiện ý tưởng mới mẻ tốt nhất với những đồ vật yêu thích. Hãy thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với đam mê của mình, điều này sẽ phát triển sức sáng tạo tốt nhất. Những đồ chơi thông thường có thể thu hút tập trung của trẻ khi bạn dỗ trẻ ăn hay trật tự nhưng sẽ không giúp trẻ phát triển sự sáng tạo của mình.
Cha mẹ cần chú ý đến sở thích của trẻ để từ đó nuôi dưỡng đam mê
3. Hỏi trẻ về một số điều nhất định và hỏi nếu trẻ có suy nghĩ khác.
Khi kể một câu chuyện cổ tích, hãy hỏi trẻ kết cục nào chúng muốn, hay tình tiết nào chúng thích nhất hoặc muốn thay đổi. Suy nghĩ chính là quá trình thúc đẩy sáng tạo. Kể chuyện và hỏi han trẻ có thể mang lại lợi ích hơn nhiều so với việc kể một chiều bạn kể - con nghe.
Hãy thử hỏi trẻ nhắc lại tình tiết bạn vừa kể, hoặc thường xuyên hỏi lại tên nhân vật trong truyện. Sức sáng tạo không được xây dựng trong thời gian ngắn mà phát triển qua quá trình hoạt động hàng ngày. Dù trẻ có nói điều gì lạ hay không đúng với tự nhiên, đừng dẹp bỏ ngay mà hãy hướng trẻ suy nghĩ theo cách khác tốt hơn.
Thay vì mẹ kể - con nghe, hãy vừa kể và trò chuyện với bé về các tình huống, chi tiết trong truyện
4. Thành công không phải là cuối cùng trẻ có tạo được điều gì mới mẻ hay không, mà là quá trình suy nghĩ và tìm tòi.
Có thể trẻ sẽ không sáng tạo ra hình vẽ, hình khối hay điều gì mới mẻ, nhưng hãy trợ giúp trẻ làm những điều mới mỗi ngày. Hãy để chúng khám phá các đồ vật khác nhau, nghe nhiều loại nhạc, đến thăm nhiều nơi hơn, tất cả những điều nhỏ nhặt sẽ trở thành ngọn lửa sáng tạo lâu dài.
5. Hãy dạy trẻ làm một việc bằng nhiều cách
Gợi ý cho trẻ vẽ lại bức tranh, hay hát lại bài hát. Đưa cho trẻ những đồ vật cụ thể và hỏi trẻ làm sao để làm một vật giống như thế với đất sét hay đất nặn. Tất cả những cách này rất hiệu quả trong việc phát huy sức sáng tạo.
6. Đừng đánh giá trẻ khi chúng thể hiện sức sáng tạo.
Nếu con của bạn ngẫu hứng hát, đừng bắt con dừng lại nếu bạn nghĩ giọng hát dở tệ, thay vì đó bạn có thể gợi ý trẻ thử hội hoạ hay lắp ghép. Một sự đánh giá tiêu cực nhỏ có thể sẽ khiến trẻ không bao giờ thể hiện sáng tạo ở các lĩnh vực khác và mất đi sự tự tin.