Nhìn trẻ quấy khóc không ngừng, không chỉ con mệt mà bố mẹ cũng vật vã, khổ sở. Dưới đây là những “chiêu” dỗ dành hiệu quả để ngăn chặn tức thì những giọt nước mắt của bé.
1. Sử dụng phương pháp da-tiếp-da
Phương pháp vô cùng đơn giản này lại có hiệu quả không ngờ giúp em bé đang quấy khóc bình tĩnh trở lại. Bố mẹ hãy cởi tã cho con và đặt con lên ngực của mình, để làn da của bé được tiếp xúc trực tiếp với làn da của bố mẹ. Bạn cũng có thể choàng thêm cho con bên ngoài một chiếc chăn nhỏ hoặc trong một chiếc áo mềm để bé cảm nhận được sự ấm áp. Tiếp xúc kiểu da-tiếp-da giúp tiết ra một loại hooc môn tên là oxytoxin, làm cả em bé và bạn đều cảm thấy an tâm, dễ chịu, giải tỏa căng thẳng, kiểm soát nhịp tim và nhiệt độ cơ thể.
2. Bế bé theo kiểu “Colic Carry”
Bế kiểu "Colic Carry" tạo ra một áp lực nhẹ nhàng lên dạ dày bé, làm dịu cơn đau bụng khó chịu của bé, giúp bé không còn quấy khóc nữa. (Ảnh minh họa)
“Colic Carry” là kiểu bế giúp làm xoa dịu những cơn khóc dai dẳng do đau bụng không rõ nguyên nhân ở trẻ. Cách bế như sau: Để mặt em bé áp dọc cánh tay của bạn, má của bé ở cùi chỏ của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể bế kiểu để đầu của bé áp dọc cùi chỏ hoặc lòng bàn tay của bạn. Vị trí này sẽ tạo ra một áp lực nhẹ nhàng lên dạ dày bé, làm dịu cơn đau bụng khó chịu của bé.
3. Cho bé đi tắm
Làn nước ấm nhẹ nhàng có thể giúp bé cảm thấy sảng khoái. Nếu có điều kiện, bạn nên vào trong bồn tắm cùng bé để thực hiện phương pháp da-tiếp-da: đặt bé lên ngực bạn để cơ thể bé ở dưới nước nhưng đầu bé vẫn phải an toàn trên mặt nước. Sự kết hợp hoàn hảo giữa việc tắm dưới nước và phương pháp da-tiếp-da sẽ khiến bé khoan khoái vô cùng.
4. Mát xa cho bé
Xúc giác là một trong những giác quan quan trọng nhất giúp các em bé khám phá thế giới xung quanh mình. Xoa bóp, chạm vào da bé có tác dụng làm tinh thần bé dịu xuống đáng kể. Nếu em bé đang bị táo bón, mát xa bụng đúng cách còn giúp hệ tiêu hóa của bé linh hoạt, dễ chịu hơn.
Xoa bóp, chạm vào da bé có tác dụng làm tinh thần bé dịu xuống đáng kể. (Ảnh minh họa)
5. Cho bé nghe nhạc
Tùy từng em bé khác nhau mà sở thích âm nhạc của các bé cũng khác nhau. Có bé thích nhạc sôi động, bé lại thích nhạc nhẹ nhàng, êm ái. Bố/mẹ có thể hát ru hoặc thì thầm khe khẽ với bé – tiếng nói của bố mẹ luôn luôn là một trong những âm thanh thân thương nhất đối với con. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé nghe nhạc cổ diển, nhạc thiếu nhi,... hoặc loại “tiếng ồn trắng” (loại âm thanh phát ra đều đều với tần số thấp như tiếng mưa rơi, nước chảy, quạt kêu,...) vì đây là âm thanh gợi nhớ đến môi trường ở trong tử cung mẹ khi bé còn là bào thai.
6. Cho bé ăn
Dạ dày các bé sơ sinh nhỏ xíu và vì thế bé cần được ăn thường xuyên. Kể cả khi bé không đói, cho bé ngậm núm vú mẹ cũng giúp bé cảm thấy dễ chịu và được kết nối. Khi bé có biểu hiện quấy khóc, việc đặt miệng bé vào đầu ti có vẻ sẽ gặp khó khăn nên mẹ hãy thử dùng da-tiếp-da trước cho bé mút.
7. Đưa bé đi khám
Nếu mẹ đã áp dụng đủ phương pháp mà con vẫn quấy khóc và nghi ngờ có điều gì lạ xảy ra với con, đừng chần chừ mà hãy gọi ngay cho bác sĩ. Thông thường, nếu bé không khỏe, bé sẽ khóc theo một kiểu khác hoàn toàn với những tiếng khóc đòi hỏi khác. Tiếng khóc có thể yếu hơn, liên tục hơn hoặc cấp bách hơn. Điều quan trọng là bố mẹ cần tinh ý nhận ra những sự bất bình thường trong hoạt động thường ngày của con để kịp thời xử lí.