Nếu bạn là một phụ huynh và đang đọc bài viết này, hẳn bạn là một người cha/người mẹ tốt và chỉ muốn dành những điều tốt nhất cho con cái mình. Bạn muốn dùng kinh nghiệm của mình để bảo ban, dạy dỗ trẻ một cách tốt nhất có thể. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày, có đôi lúc những lời bạn nói với trẻ trở nên không có tác dụng, hay vô tình làm tổn thương trẻ mà bạn chẳng hề nhận ra.. Hãy đọc 7 lời nói phổ biến của các bậc phụ huynh dưới đây, tìm hiểu xem tại sao chúng lại có tác động tiêu cực đến trẻ, và tìm ra cách phù hợp nhất để ứng xử khi bạn gặp phải tình huống này lần sau.
1. Đừng lề mề nữa
Nhiều khi, bạn cần đưa trẻ đi đâu đó, nhưng bạn cảm thấy trẻ mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị và điều đó khiến bạn giận dữ và buông lời trách mắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lời chê trách trẻ lề mề sẽ khiến trẻ phải chịu những áp lực không cần thiết. Cách tốt hơn bạn có thể làm trong trường hợp này là, ví dụ, mở một cuộc thi xem ai sẽ là người xỏ giày nhanh hơn. Việc chơi trò chơi sẽ giúp trẻ nhận thức và phát triển được kĩ năng quản lí thời gian một cách hiệu quả.
2. Mình béo quá!
Đây không phải là một lời phê bình của bạn dành cho trẻ, mà là dành cho chính cơ thể mình. Tuy nhiên trẻ không cần thiết phải biết được về sự lo lắng ấy của bạn, bởi trẻ sẽ có xu hướng làm thế với chính cơ thể của chúng, đặc biệt nếu như trẻ hơi gầy hoặc mũm mĩm. Lời khuyên được đưa ra trong trường hợp này là bạn nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, và vì sao chúng ta cần ăn nhiều rau xanh.
3. Đừng nói chuyện với người lạ
Nếu bạn thường xuyên nói với trẻ điều này, có thể chúng sẽ lớn lên trong sự sợ hãi và nghi ngờ đối với thế giới xung quanh. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn dạy cho trẻ biết rằng, có nhiều người dù trẻ không quen nhưng vẫn có thể tin tưởng, như chú cảnh sát hay cô thủ thư. Và thay vì cảnh báo trẻ về người lạ nói chung, bạn nên dạy cho trẻ biết những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ xấu có thể xảy đến với trẻ, và cách để trẻ ứng phó với từng tình huống cụ thể.
Và thay vì cảnh báo trẻ về người lạ nói chung, bạn nên dạy cho trẻ biết những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ xấu có thể xảy đến với trẻ, và cách để trẻ ứng phó với từng tình huống cụ thể. (Ảnh minh họa)
4. Tí nữa con sẽ không được ăn kem đâu trừ khi bây giờ con ăn rau!
Sẽ thật không hay nếu bạn dùng đến sự đe dọa hay hối lộ trong bữa ăn của trẻ, vì điều đó có thể làm ảnh hưởng xấu đến cách con bạn nhìn nhận về việc ăn uống. Trong trường hợp này, bạn có thể nói với trẻ rằng: “ Món này ăn ngon lắm. Nó cũng gần giống như món X mà con thích…”
5. Đừng nghịch ngợm
Đừng làm đổ sữa! Đừng nghịch lửa! Đừng nghịch ổ điện! Là một phụ huynh, hẳn bạn đã từng dạy trẻ những điều như vậy. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là cách tốt nhất để dạy trẻ phòng tránh các mối nguy hại, bởi trẻ hầu như không biết trẻ cần làm gì khác và tại sao lại như vậy. Đôi khi những mệnh lệnh như vậy còn kích thích sự tò mò của trẻ, và điều đó sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Tốt hơn cả là bạn nên dạy trẻ hiểu về các mối nguy, và làm sao để tránh được điều đó.
6. Con phải trở thành tấm gương tốt cho em của con chứ!
Vấn đề ở đây là những đứa trẻ lớn hơn thường có xu hướng ghen tị với những đứa em của chúng. Điều này có thể khiến trẻ có những hành xử không hay. Thay vì chỉ trích trẻ như vậy, bạn có thể thường xuyên khen ngợi những điều trẻ làm tốt, kèm theo những điều kiểu như “Con biết không, em con hâm mộ con lắm đấy!”
7. Nếu con không dọn phòng, mẹ sẽ phạt con!
Đây có thể là một trong rất nhiều lời đe dọa bạn dành cho trẻ mà bắt đầu bằng từ “Nếu”. Điều này có thể khiến không khí trong gia đình bạn trở nên căng thẳng một cách không cần thiết. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn nói những câu thay thế bắt đầu với từ “Khi” : Khi con dọn dẹp xong, con có thể xem ti vi. Những câu nói như vậy sẽ không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa bạn và con cái, mặt khác khiến trẻ thực hiện công việc của mình vui vẻ và tự giác hơn.