Khi nhắc đến gia đình đa văn hoá, nhiều người thường nghĩ rằng đứa trẻ lớn lên trong gia đình này sẽ không thể hoà nhập, gặp vô số trở ngại trong quá trình khôn lớn. Thế nhưng thực tế là gia đình đa văn hoá cung cấp cho trẻ một cơ hội phát triển đa dạng, và học hỏi từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Điều này có thể khiến cho trẻ trở thành một người tự tin, linh hoạt và có khả năng thích ứng với các môi trường đa văn hoá khác nhau.
Quan trọng là bố mẹ biết cách đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp, để tận dụng được triệt để ưu điểm của gia đình đa văn hoá đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Cũng là một gia đình như thế, chị Hà Tiểu Doan (sinh năm 1990, quê Hải Dương), ban đầu tuy khá lo lắng nhưng may mắn ở hiện tại, bà mẹ trẻ và chồng người Hàn Quốc đã cùng nhau xây dựng một gia đình nhỏ vô cùng hạnh phúc, viên mãn.
Sau 7 năm hôn nhân, đến nay cả 2 đã có với nhau một cô công chúa nhỏ 4 tuổi. Dù khác biệt văn hoá, nhưng vợ chồng chị Hà Tiểu Doan cũng đã cân bằng, hài hoà được về quan điểm giáo dục con, "đồng vợ đồng chồng" nuôi dạy con gái Hanna (tên thân mật ở nhà) trở thành một đứa trẻ toàn diện.
Gia đình Việt - Hàn của chị Hà Tiểu Doan.
Chào chị, chị có thể chia sẻ một chút về hoàn cảnh chị và chồng gặp nhau, sau đó quyết định tiến đến hôn nhân?
Mình và chồng tình cờ gặp nhau trong 1 quán cafe, khi đó chồng mình mới sang Việt Nam được khoảng 1 tháng. Vì lúc đầu tưởng nhầm mình là người Hàn Quốc nên anh có tới làm quen, sau đó mới biết là không phải, nhưng vì cả 2 nói được tiếng Anh nên vẫn quyết định làm quen luôn.
Mình và anh yêu nhau thêm 2 năm, cảm thấy hợp nên quyết định tiến đến hôn nhân.
Trong mắt chị, anh là người chồng và người bố như thế nào?
Đối với mình thì bố Hanna là trụ cột gia đình đúng nghĩa, một người chồng quyết đoán, rất chăm chỉ, luôn đặt sức khỏe của vợ con lên hàng đầu.
Có thể anh không phải là người hay nói những lời có cánh, làm những hành động lãng mạn nhưng từ những sự quan tâm dù là nhỏ nhất cũng mang lại sự ấm áp và an toàn đối với mẹ con mình. Anh luôn chủ động giúp đỡ vợ trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cái.
Chị có thể chia sẻ về hành trình em bé đến với gia đình?
Vợ chồng mình đã quyết định sẽ dành 1 năm đầu hôn nhân để có thể cùng đi du lịch, và thích nghi với cuộc sống 2 người, sau đó mới lên kế hoạch có em bé. Tuy nhiên thì kế hoạch lại không như tính toán, vợ chồng mình đã từng có ý định sẽ can thiệp để sinh đôi khi đã thử hơn 1 năm mà không có kết quả.
Nhưng trước khi quyết định đến bệnh viện để làm thủ tục 2 tháng thì mình phát hiện ra bản thân có bầu, cũng trùng hợp là ngay sau khoảng thời gian 2 vợ chồng đi du lịch tại Busan. Đến giờ vợ chồng mình vẫn thi thoảng đùa nhau, và gọi Hanna là cô gái đến từ Busan.
Lần đầu tiên nhìn thấy con, chị mong con sẽ giống bố hay mẹ?
Thật ra vì là đứa con đầu lòng, và con đến một cách rất bất ngờ nên vợ chồng mình không suy nghĩ gì nhiều, chỉ mong con sẽ khỏe mạnh và không có vấn đề về sức khỏe là vui rồi.
Vì khác biệt văn hoá, nên có bao giờ chị và chồng bất đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con?
Trong 3 năm đầu kết hôn, vợ chồng mình có tranh cãi khá nhiều, mình nghĩ đây cũng là điều bình thường ở các cặp đôi mới cưới, đặc biệt lại từ 2 đất nước khác nhau. Trong việc nuôi dạy con cái cũng vậy, mình có đôi chút nuông chiều và xuề xòa hơn, chồng mình thì nghiêm khắc và luôn biết chiều chuộng con đúng lúc. Đây có lẽ là điểm mà mình cảm thấy nể chồng nhất.
Chồng đã giúp mình dạy dỗ và uốn nắn con từ bé, nhờ vậy mà mình cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều trong chặng đường nuôi dạy con.
Thường khi mẹ dạy con thì bố sẽ lánh đi, bố dạy con thì mẹ cũng sẽ lánh đi để không có những sự không nhất quán trước mặt con cái. Sau đó thì 2 vợ chồng mình sẽ nói chuyện lại với nhau, nếu có quan điểm không đồng thuận trong việc dạy con. Cũng thật may mắn là hầu như trong việc nuôi dạy con, vợ chồng mình không có quá nhiều sự trái ngược nghiêm trọng.
Chị cảm thấy giáo dục ở Hàn và ở Việt Nam khác nhau như thế nào?
Mình nghĩ rằng giáo dục ở Hàn hay ở Việt Nam đều hướng tới một giá trị tốt đẹp, đó là giúp phát triển con người về cả đạo đức và trí tuệ. Nếu có khác thì chỉ là khác ở cách tiếp thu và truyền đạt, dạy dỗ trẻ với những phương thức khác nhau mà thôi.
Chị có quan điểm nuôi dạy con gái của mình như thế nào?
Mình có 3 quan điểm, cũng là "kim chỉ nam" trong quá trình giáo dục Hanna
- Luôn dành sự tôn trọng cho con
- Khích lệ chứ không ép buộc con
- Để con tự lập, tự đưa ra những lựa chọn, quyết định và có trách nhiệm với quyết định đó.
Chị cảm thấy con gái là đứa trẻ có tính cách, năng khiếu ra sao?
Hanna tuy là con gái nhưng lại rất hiếu động, lúc nào cũng như có rất nhiều năng lượng. Con cũng sống khá tình cảm, thích nhẹ nhàng và quan tâm đến người khác. Chính vì thế mà Hanna cũng đòi hỏi được người khác quan tâm lại, đôi khi cũng nhõng nhẽo và mau rơi nước mắt.
Mình cảm thấy con gái rất có năng khiếu với màu sắc, hay những hoạt động cần sự khéo léo của đôi bàn tay. Ở điểm này, mình cũng hy vọng Hanna được thừa hưởng gen trội từ bà nội và bố, vì bà nội Hanna là nghệ nhân có tiếng bên Hàn, bà chuyên làm đồ handmade, viết sách và đi dạy.
Sống trong gia đình đa văn hoá, việc học ngôn ngữ của con có gặp khó khăn?
Lúc đầu mình cũng nghĩ con sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ, nhưng chính vì sống trong gia đình đa văn hóa lại cũng là ưu điểm để con học ngôn ngữ dễ hơn, vì có môi trường tiếp xúc hàng ngày.
Hiện tại thì Hanna có thể giao tiếp nghe, hiểu được cả 3 ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Việt. Trong đó tiếng Hàn và tiếng Anh có vẻ nhỉnh hơn, vì ở trường Hanna được học tiếng Hàn, ở với bố mẹ thì con sẽ nói tiếng Anh, chỉ khi ở riêng với mẹ thì mới giao tiếp bằng tiếng Việt.
Nhưng mình nghĩ lớn thêm vài tuổi thì con sẽ tốt hơn ở các ngôn ngữ này, vì hiện tại Hanna chỉ mới gần 4 tuổi.
Hanna 4 tuổi đã có thể giao tiếp bằng 3 ngôn ngữ khác nhau.
Gia đình chị phải chi những khoản nào cho mỗi tháng trong việc nuôi dạy con gái?
Hiện tại, gia đình mình có một khoản cố định hàng tháng, đó là chi phí cho con học mầm non là 15 triệu/tháng. Ngoài ra còn có những khoản phí mua sách, các món đồ chơi giáo dục hay các chương trình học tiếng Anh online, trung bình khoảng 3-4 triệu/tháng.
Quần áo, đồ chơi và những sản phẩm chăm sóc dinh dưỡng cho con thì là những khoản không cố định hàng tháng. Tuy nhiên, trung bình 1 tháng thì gia đình mình sẽ chi vào việc nuôi dạy con khoảng 20-25 triệu.
Mỗi ngày, chị và chồng sẽ phân chia việc gia đình, chăm con ra sao?
Vợ chồng mình không phân chia việc nhà cụ thể, quan trọng là ai giỏi việc gì thì làm việc đó, ai có thời gian thì sẽ làm, không có chuyện vợ làm việc này rồi thì chồng phải làm việc kia cho công bằng. Chính vì quan điểm này nên vợ chồng mình khá là thoải mái với nhau, không có tị nạnh hay tranh cãi chỉ vì việc nhà, hay chăm con.
Vì sao gia đình chị quyết định sống ở Việt Nam, mà không phải là Hàn Quốc quê chồng?
Thực tế thì hiện tại gia đình mình đang sống ở Việt Nam, do công việc của chồng mình vẫn đang ở đây, nhưng cũng có thể phải quay trở về Hàn bất cứ lúc nào.
Mình nghĩ sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là nơi đó tốt và gia đình được quây quần bên nhau. Vì chồng mình phải sống xa gia đình từ năm 10 tuổi để đi du học, nên anh không muốn Hanna cũng phải sống xa bố mẹ, hay các thành viên trong gia đình phải sống xa nhau.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!